Vực dậy sức mua cho chợ truyền thống - Bài 1: Vắng khách và dần 'mất điểm'

Trái với sự nhộn nhịp, sôi động trước đây, hình ảnh những ngôi chợ truyền thống ế ẩm, vắng khách đang là một thực tế đáng buồn hiện nay. Theo giới chuyên gia kinh tế, nếu không đổi mới, nâng cấp về cơ sở hạ tầng cũng như cập nhật những phương thức kinh doanh hiện đại, các chợ truyền thống sẽ không thể khôi phục lại được sức mua.

Sự phát triển của thương mại điện tử, hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi... khiến chợ truyền thống ngày càng giảm sức hút. Ảnh: Quang Vinh

Sự phát triển của thương mại điện tử, hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi... khiến chợ truyền thống ngày càng giảm sức hút. Ảnh: Quang Vinh

Đìu hiu, vắng khách

Có mặt chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào lúc 9 giờ sáng của ngày cuối tháng 3, thay vì hình ảnh sầm uất, nhộn nhịp trước kia, là cảnh lác đác vài sạp thịt heo đang bày bán tại các quầy hàng với số lượng khá ít ỏi, trong khi quy hoạch của chợ lên đến 2 dãy sạp thịt heo tươi sống với tổng số gần 20 sạp. Các tiểu thương liên tục lắc đầu ngao ngán vì buôn bán ế ẩm.

Tại khu vực hàng quần áo, vải, giày dép... người bán trông mong khách từng giờ, từng phút nhưng rất ít khách hàng tìm đến hỏi han mua sắm. Đa số tiểu thương cho rằng, vài năm trở lại đây sức mua tại chợ đã giảm khoảng 50%. “Bỏ nghề không được mà bám trụ thì hiệu quả kinh doanh ngày càng sa sút. Hôm nào đắt khách, tổng doanh thu chỉ hơn 2 triệu đồng, có ngày chưa tới 500.000 đồng, thậm chí chiều tối về tay không” – bà Nguyễn Thu Hằng, một tiểu thương sạp thời trang nói.

Đồng cảnh “chợ chiều”, sạp bán đồ sơ sinh Phương Châu (chợ Vườn Chuối, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) dù mở cửa muộn lúc 9 giờ sáng hàng ngày nhưng tới hơn 11 giờ trưa vẫn chưa có người mở hàng. Chị Châu - chủ sạp cho biết, ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Hiện nay, kinh doanh chủ yếu là khách quen mà lượng khách này cũng không nhiều.

Tương tự, tại chợ sỉ như chợ Bình Tây (quận 6) hay chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức) tiểu thương liên tục than thở về sức mua yếu khi cả khách sỉ và khách lẻ đều giảm, mặc dù đây là những chợ sấm uất, tấp nập bậc nhất của thành phố. Ông Nguyễn Văn Huây – Giám đốc Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ Thủ Đức nhiều lần than thở về sức mua tại chợ giảm mạnh trong vài năm gần đây.

Chợ truyền thống đìu hiu, vắng khách. Ảnh: S.X

Chợ truyền thống đìu hiu, vắng khách. Ảnh: S.X

Đề cập đến thực tế kinh doanh tại chợ, theo Ban Quản lý chợ Vườn Chuối, chợ có 406 sạp kinh doanh nhưng hiện chỉ còn 190 sạp đang hoạt động. Tình trạng sang sạp hiện diễn ra phổ biến, thậm chí nhiều tiểu thương trưng biển cho thuê sạp chỉ với phí 500.000 đồng/tháng vẫn không có ai hỏi thuê.

Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra tương tự tại chợ Thanh Đa. Bà Phạm Thị Duyên - Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Đa cho biết, chợ có 495 sạp, 39 ki ốt nhưng thống kê đến cuối năm 2024 chỉ còn 278 sạp và 3 ki ốt còn hoạt động. Tình trạng đóng sạp vẫn tiếp tục diễn ra trong 2 tháng đầu năm nay. Tiểu thương đóng sạp không chỉ ở ngành hàng phi thực phẩm mà thậm chí còn lan rộng sang cả các sạp thịt, cá. Số liệu mới nhất từ Sở Công thương TPHCM cho hay, thành phố hiện có 232 chợ gồm 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh. Riêng với hệ thống chợ dân sinh, số lượng thương nhân hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 khoảng 60 - 80%. Trong đó các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80 - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép... khoảng 30 - 70%. Cũng theo Sở Công thương TPHCM, hiện nay lượng khách đến chợ giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19 và giảm 30 - 50% so với thời điểm năm 2019.

Vì sao sức mua lao dốc?

Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử, hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi... đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng một cách mạnh mẽ. Chợ truyền thống ngày càng giảm sứt hút, trong khi đó, chợ mạng được người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn.

Nhiều ki ốt tại các chợ “cửa đóng, then cài”. Ảnh: S.X

Nhiều ki ốt tại các chợ “cửa đóng, then cài”. Ảnh: S.X

Bà Bạch Ngọc Hà (đường Hòa Bình, quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Trước đây tôi hay đi chợ truyền thống, chợ dân sinh để mua sắm nhưng giờ chợ online, cửa hàng tiện lợi... mua sắm thuận tiện hơn nên tôi đã dần thay đổi thói quen theo hướng hiện đại hơn. Ví dụ, đối với thực phẩm, rau xanh tôi sẽ lựa chọn siêu thị là điểm đến. Riêng những sản phẩm khác tôi có thể lướt các sàn thương mại điện tử để tha hồ lựa chọn mẫu mã, giá cả...”.

Là người nội trợ trẻ tuổi, chị Trần Thị Ngọc My (đường Bùi Nhơn Trạch, TP Thủ Đức) cho hay: “Đi chợ truyền thống ngại giá cao, nói thách và cứ phải trả giá, trong khi nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng, mua rồi khó đổi trả nên giờ tôi chủ yếu mua hàng online hoặc trải nghiệm tại các hệ thống phân phối hiện đại”.

Trăn trở về sức mua tại chợ truyền thống sụt giảm, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám Sở Công thương TPHCM khẳng định, xu hướng thị trường tiêu dùng ngày ngày càng ưu tiên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể việc nở rộ các chương trình khuyến mãi từ siêu thị, trung tâm thương mại, chợ mạng. Vì vậy, chợ truyền thống đang phải cạnh trang khốc liệt. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đang lấy đi rất nhiều khách của kênh bán hàng truyền thống, trong đó chợ dân sinh là một trong những hình thức kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) băn khoăn, doanh thu của các chợ thời gian qua ngày càng suy giảm và chỉ còn tập trung vào các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Các tiểu thương đóng sạp, bỏ chợ ngày càng nhiều. “Chợ truyền thống đang dần bị “mất điểm” so với các kênh mua sắm khác khi cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu tiện nghi. Lối đi chật hẹp, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh chưa đảm bảo, bãi giữ xe không thuận tiện... khiến nhiều người e ngại khi đến mua sắm tại chợ truyền thống. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một nguyên nhân. Trong khi siêu thị có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt thì thực phẩm tại chợ truyền thống đôi khi chưa đảm bảo chất lượng, thiếu chứng nhận nguồn gốc rõ ràng” - bà Vũ Kim Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nêu quan điểm.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức mua trên thị trường nói chung và chợ truyền thống nói riêng giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Phượng – đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động khó lường, người tiêu dùng bị mất việc làm, giảm thu nhập đã tác động làm thay đổi nhất định hành vi và mức độ mua sắm. Người tiêu dùng tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”. Mức độ mua sắm cuối năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 vẫn có xu hướng giảm (tuy mức giảm không sâu bằng năm 2023 so với năm 2022). Đặc biệt, mức độ mua sắm, tiêu dùng năm 2025 chưa có tín hiệu khả quan hơn so với năm 2024.

(Còn nữa)

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

TS Huỳnh Thanh Điền – Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:

Quy hoạch và nâng cấp chợ theo hướng hiện đại

Chợ truyền thống chắc chắn phải duy trì vì có giá trị văn hóa. Song muốn chợ truyền thống thật sự phát triển có thể quy hoạch lại những chợ xập xệ, xuống cấp để phát triển thành các trung tâm thương mại theo hướng các cửa hàng tiện. Không thể bày bán kiểu ngồi bẹp xuống đường hay buôn gánh, bán bưng... như vậy chắc chắn không ai mua. Mặc dù truyền thống vẫn phải văn minh, hiện đại, phù hợp với xu hướng mới. Đối với những chợ truyền thống nào cần bảo tồn vì giá trị văn hóa như chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Tân Định (quận 3),... cũng cần bảo tồn, tu sửa để vừa tăng hiệu quả kinh doanh vừa phục vụ cho du lịch.

Đối với tiểu thương, người tiêu dùng thay đổi đòi hỏi tiểu thương cũng phải thay đổi theo. Tiểu thương nên dùng sạp, quầy hàng thành nơi tập kết, lưu trữ hàng hóa, trưng bày sản phẩm, đồng thời tăng cường bán hàng trực tuyến. Để hiệu quả hơn, tiểu thương cũng phải liên kết với người cả người giao. Làm như vậy mới hy vọng vực dậy sức mua cho các chợ truyền thống.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vuc-day-suc-mua-cho-cho-truyen-thong-bai-1-vang-khach-va-dan-mat-diem-10302672.html