Vực dậy xuất khẩu ngành nông nghiệp
Trong 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là hoạt động xuất khẩu khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022
Sáng 31-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức họp báo thường quý I/2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023. Báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho thấy xuất khẩu của ngành nông nghiệp sụt giảm mạnh trong 3 tháng qua.
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo báo cáo của trung tâm trên, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 20,6 tỉ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu ước đạt 11,2 tỉ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,4 tỉ USD, giảm 7,2%. Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỉ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, như lâm sản đạt 3,11 tỉ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỉ USD, giảm 29%. Điểm sáng là nhóm nông sản đạt 5,73 tỉ USD, tăng 3,8%.
Theo Bộ NN-PTNT, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm sút trong những tháng đầu năm 2023 đã được dự báo trước. Đó là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, do sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết bên cạnh giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thị trường bị thu hẹp nghiêm trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, vực dậy xuất khẩu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Trước mắt, tháng 4, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh, chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh...
Chăn nuôi: Xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ
Tại họp báo, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu ra hàng loạt khó khăn của ngành chăn nuôi.
Theo bộ này, tình trạng heo hơi rớt giá đã diễn ra từ tháng 10-2022 đến nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. So với cùng kỳ năm 2020, 2021, giá heo hơi đang giảm khoảng 40% - 45%. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chẳng những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng. Hiện giá cám dành cho heo sinh sản và heo thịt đều tăng trên 100.000 đồng/bao 50 kg, lên mức 350.000-400.000 đồng/bao. Giá cám tăng trong lúc giá heo hơi xuống thấp như hiện nay khiến người chăn nuôi thua lỗ, thận trọng trong việc tái đàn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhìn nhận giá heo hơi đang xuống thấp không chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Đơn cử như Trung Quốc, trong năm 2022, có thời điểm giá heo hơi cao hơn Việt Nam 25.000-27.000/kg nhưng hiện tại đã ngang với Việt Nam, xấp xỉ 2,1 USD/kg, khoảng 49.000 đồng/kg. Tương tự, Philippines, Thái Lan cũng có giá thấp như vậy.
Theo ông Chinh, vấn đề hiện nay là cải tiến thị trường, trong đó cần tập trung vào thị trường trong nước và cần định hướng nhanh chóng để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà chúng ta đang thừa nhằm giảm bớt sức ép về thị trường. "Ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, người chăn nuôi và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn để có thể xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa, giảm bớt sức ép cho thị trường" - ông Chinh nhấn mạnh.
Liên quan đến những khó khăn của ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến cho hay lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật cụ thể nhằm giảm giá thành sản xuất như phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mục tiêu đa giá trị. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Tập đoàn C.P, De Heus… trồng nguyên liệu tại chỗ để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.
Dù vậy, theo ông Tiến, giải pháp tốt nhất để bình ổn được giá thịt heo vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới
Trong quý II/2023, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9% - 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỉ USD.
Tại hội nghị giao ban quý I/2023 của Bộ NN-PTNT mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta phải "dốc hết sức" thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành nông nghiệp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/vuc-day-xuat-khau-nganh-nong-nghiep-20230331213751813.htm