Vực thẳm ngoài hành tinh tiết lộ dấu hiệu sự sống tiềm năng
Những chuyển động tinh vi trên bề mặt một thế giới ngoài hành tinh có thể là bằng chứng về một đại dương tràn ngập sự sống.
Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) đã tiết lộ chuyển động trượt cạnh nhau dọc theo các "vằn hổ" đặc biệt trên mặt trăng Enceladus của Sao Thổ có thể là dấu hiệu của một thế giới tràn ngập sự sống.
Các "vằn hổ" bao gồm 4 vết nứt gần như song song ở cực Nam của Enceladus, được quan sát lần đầu tiên bởi tàu vũ trụ Cassini của NASA vào năm 2005.
"Núi lửa băng" ở khu vực này làm nổ tung các tinh thể băng được cho là có nguồn gốc từ đại dương ngầm ở những vết nứt này, tạo thành chùm tia lớn phun lên gần cực Nam.
Độ sáng của các chùm này và của từng tia dường như khác nhau theo vòng quay kéo dài 33 giờ của Enceladus quanh Sao Thổ.
Điều này khiến các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng hoạt động của các tia nước này bị ảnh hưởng bởi lực thủy triều.
Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi sự tồn tại của thủy triều cho thấy đại dương ngầm bên dưới vỏ băng của thiên thể này có thể được sưởi ấm, cũng như có được thành phần hóa học cần thiết để duy trì sự sống.
Tuy nhiên, lý thuyết này không thể giải thích tại sao các tia sáng của Enceladus đạt cực đại vài giờ sau khi áp lực thủy triều đạt mức tối đa hoặc tại sao có một đợt phun trào mạnh thứ hai, nhỏ hơn một chút ngay sau khi Enceladus tiếp cận gần nhất với Sao Thổ.
Mô phỏng số từ Caltech về ứng suất thủy triều của Enceladus và chuyển động của các vết nứt vằn hổ của nó xác định một hiện tượng tương tự như hiện tượng đã thấy ở đứt gãy San Andreas của Mỹ.
Các tác giả phát hiện ra rằng cơ học ma sát điều khiển chuyển động trong các mặt tiếp xúc dọc theo các vằn hổ của Enceladus nơi cả hai phía của vết nứt gặp nhau.
Mối tương quan giữa hoạt động trượt ngang và độ sáng của tia phản lực trong mô phỏng khiến nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự biến thiên dòng phản lực được kiểm soát bởi sự hiện diện của các “vùng kéo tách” dọc theo các đứt gãy.
Đây là những phần bị uốn cong của các vết nứt, mở ra dưới chuyển động trượt ngang rộng, cho phép nước dâng lên từ đại dương dưới bề mặt xuyên qua lớp vỏ băng giá để nuôi các tia nước lạnh.
Mô hình cũng cho thấy chuyển động trượt ngang này cũng là do thủy triều hết sức mạnh mẽ bên dưới.
“Hiểu được các con đường vận chuyển vật chất dưới bề mặt thông qua các vùng tách giãn hoặc rạn nứt là rất quan trọng để xác định liệu các hạt băng trong các tia của Enceladus có phải là đại diện cho đại dương toàn cầu có thể sinh sống được hay không - TS Alexander Berne, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với Live Science.
Bằng chứng về ảnh hưởng lâu dài của thủy triều đối với sự tiến hóa của Enceladus, vốn cũng làm nóng phần bên trong, ngụ ý rằng đại dương trên mặt trăng này đã tồn tại lâu dài.
Điều này có nghĩa sự sống cũng có cơ hội để sinh trưởng và tiến hóa mạnh mẽ bên trong thế giới thú vị này.
Tất nhiên để xác nhận sự sống đó 100%, chúng ta cần chờ đợi các cuộc thám hiểm trực tiếp.
Vốn tin tưởng rằng Enceladus có sự sống, NASA đang phát triển một con robot hình rắn, dự kiến trong tương lai sẽ tiến đến mặt trăng này, chui xuống các vết nứt để tìm kiếm bằng chứng sự sống bên trong đại dương ngầm.