Vui buồn chuyện tăng lương

Niềm vui tăng lương, thêm thu nhập chưa được bao lâu, người lao động lại phải lo co kéo chi tiêu khi vật giá rục rịch tăng theo.

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Quyết định này của Chính phủ được nhận định mang tính nhân văn, nhất là trong bối cảnh vật giá có xu hướng tăng lên do tác động từ nhiều yếu tố khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Mà thực tế, có không ít người lao động đếm từng ngày đến thời điểm tăng lương, bởi lẽ mức thu nhập hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức không cao so với mặt bằng chung, nếu không muốn nói ở mức trung bình.

Nỗi lo tăng lương, tăng giá

Nỗi lo tăng lương, tăng giá

Tuy nhiên, như một vòng luẩn quẩn, lương cán bộ, công chức, viên chức chưa tăng, vật giá đã bắt đầu rục rịch tăng. Và đến khi mức lương cơ sở mới chính thức có hiệu lực, hàng hóa đã hình thành mặt bằng giá mới và rất khó về lại giá cũ, kể cả khi không thiếu hàng hóa.

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra những con số đáng suy ngẫm, trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023, có đến 8/11 nhóm tăng giá. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,51%. Bình quân 6 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh tăng 3,73% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,04% của năm trước.

Như vậy, lương cơ sở chưa tăng, giá hàng hóa đã tăng, tình trạng “té nước theo mưa” không phải bây giờ mới có mà như một vấn nạn luôn đi kèm mỗi kỳ tăng lương, là nỗi sợ hãi của người lao động.

Tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê quý II và 6 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhìn nhận, các đợt tăng lương cơ sở trước đây đều khiến giá hàng hóa tăng theo, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.

Vật giá tăng kèm theo lương không chỉ bó hẹp trong chuyện “con cá lá rau” của từng hộ gia đình mà còn ảnh hưởng tới chỉ số CPI, tới lạm phát và tới nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các Bộ ngành.

Dù đánh giá việc tăng lương cơ sở có thể kéo theo giá hàng hóa tăng nhưng sẽ không tăng đột biến, bởi lẽ nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện không quá cao, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm tốt, kể cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân nhưng đại diện Tổng cục Thống kê vẫn đưa ra khuyến cáo nhằm tránh tình trạng “tát nước theo mưa”.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, khi nhu cầu trong 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Kiểm soát giá nguyên - nhiên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước để dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất để hạ được giá thành, giảm áp lực cho chỉ số CPI.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu một cách chủ động hơn. Thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước; tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Việc kiểm soát kê khai, niêm yết giá là rất cần thiết và cần thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Cùng đó, tận dụng hiệu quả mạng lưới phân phối của các hệ thống siêu thị trên cả nước để bình ổn giá hàng hóa.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết để kiềm chế nguy cơ tăng giá, bình ổn thị trường. Giám sát chặt chẽ biến động giá của các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn kịp thời, phù hợp.

Quan trọng không kém là các bộ, ngành, địa phương chú trọng thông tin, tuyên truyền công khai, minh bạch, trung thực về giá cả hàng hóa để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước để có biện pháp ứng phó. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vui-buon-chuyen-tang-luong-260808.html