Vui buồn đầu năm học

Cứ vào đầu năm học, sau đợt nghỉ hè, giáo viên chúng tôi ai cũng phấn khởi khi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Những câu chuyện và vài tấm hình sau những chuyến đi cùng với gia đình được xem như chủ đề của buổi gặp đầu năm. Khi nghe thông báo về việc phân công chuyên môn, tổ trưởng… nhiều giáo viên bắt đầu hồi hộp khi không biết năm nay nhà trường sẽ phân công như thế nào. Không biết dạy ít tiết hay nhiều tiết, có chủ nhiệm hay không và có 'kiêm nhiệm' một chức vụ gì đó không...

Đầu năm có lẽ là thời điểm mà ban giám hiệu “đau đầu” với những phân công. Và có cả sự “kiện cáo”. Được người này thì mất người kia. Phải đặt “chiếc cân” công bằng ở giữa để phân công phù hợp với trình độ chuyên môn của mỗi người. Có người vừa chủ nhiệm vừa làm thêm công tác chữ thập đỏ, có người vừa dạy 2 khối lớp vừa chủ nhiệm, kiêm luôn cả thư ký hội đồng, có người vừa đi học, vừa “ôm” đến 3 - 4 lớp lại phải kiêm luôn cả chủ tịch công đoàn… Chưa kể nếu có sự luân chuyển giáo viên từ vùng này đến vùng khác, từ trường này đến trường khác thì đội ngũ, nhiệm vụ của từng người hầu như phải xáo trộn, thay đổi. Nhiều người sung sướng được phân công như ý. Có người hớn hở vì chủ nhiệm lại lớp cũ của năm ngoái, toàn những học sinh ngoan, hồ sơ sổ sách “cứ thế mà làm”. Có người lại “ớn” ra mặt, vì phải chủ nhiệm lớp có quá nhiều thành phần cá biệt, sợ ảnh hưởng đến thi đua, xếp loại. Có người ngao ngán, có người bằng lòng. Thế là trong cuộc họp, ý kiến tiếp nối ý kiến. Đồng nghiệp phân bua, so sánh nhau, tạo thành những “hiềm khích” nho nhỏ. Tại sao cô X cũng giáo viên nhưng lại rảnh rang hơn, ít tiết hơn quy định? Tại sao cô Y cũng giáo viên, nhưng lại kiêm nhiệm cùng một lúc quá nhiều việc? Ban giám hiệu phải “thảo luận nhóm” mới đi đến quyết định cuối cùng. Phân công sao cho hợp tình, hợp lý, trong cái lý có cả cái tình, vì cùng chung mái trường, chung mục đích giáo dục. Có những đồng nghiệp có con nhỏ, nhà ở xa; hay những đồng nghiệp mới ly hôn, gặp những khó khăn, cú sốc về gia đình, vì thế cần tạo điều kiện, có sự thông cảm...

Thiết nghĩ, đã cùng công tác, giảng dạy nhiều năm với nhau trong một ngôi trường, điều ấy chẳng khác nào anh em trong một nhà. Và khi đã là một “gia đình”, cùng đi chung trên một chuyến đò, thì còn gì quý hơn tình cảm tương thân tương ái, thấu hiểu và chia sẻ cho nhau; tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong một tập thể. Đôi lúc, có những sự phân công, nhiệm vụ luân phiên sẽ giúp chúng ta linh hoạt hơn, kinh nghiệm hơn trong công tác. Trong một tập thể giáo viên, nếu mỗi người nhịn nhau một câu, một cái liếc nhìn, mỗi người biết san sẻ gánh nặng cho nhau, bớt tỵ nạnh cho nhau thì có lẽ hay hơn. Bởi mỗi thầy cô là một tấm gương cho học trò noi theo, nếu để những “khuyết điểm” đó bộc lộ ra ngoài thì vô tình chúng ta sẽ đánh mất hình ảnh đẹp trong mắt học trò.

Tuy nhiên, chuyên môn được phân công như thế nào cũng phải phù hợp với phẩm chất, năng lực, trình độ, điều kiện công tác của mỗi người. Muốn vậy, việc đầu tiên và cần thiết là có một cơ chế tuyển chọn, đề bạt, phân công khoa học, dân chủ, công bằng. Dĩ nhiên nó phải bắt nguồn từ yêu cầu của con người và được thực tiễn cuộc sống đánh giá, kiểm nghiệm, trong đó, trách nhiệm trước tiên và chủ yếu thuộc về những nhà lãnh đạo, quản lý. Cơ chế đó sẽ loại trừ được những tiêu cực, tùy tiện, thiên lệch trong sử dụng, phân công cán bộ, giáo viên. Đó cũng là điểm xuất phát ngăn chặn tư tưởng cơ hội, thói nịnh bợ, bằng giả, trình độ giả để thăng quan, tiến chức, lợi ích nhóm và cũng sẽ góp phần hạn chế có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực khác; để nhà trường thực sự là môi trường trong sạch cho thế hệ con em chúng ta học hỏi, rèn luyện nhân cách để trưởng thành.

LÊ MINH CHÂU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/vui-buon-dau-nam-hoc-41741.html