Vui buồn điền kinh
Ở cái thời mà 'mở mắt là thấy giải chạy', điền kinh Việt Nam lại đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn về lực lượng kế thừa lẫn thành tích.
Nguyên Trưởng Bộ môn Điền kinh của Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy đề nghị: Điền kinh Việt Nam cần một cuộc đại phẫu. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài bóng đá, môn đang được xã hội quan tâm nhất lại là… điền kinh, chủ yếu đến từ phong trào chạy bộ thông qua các giải marathon, việt dã cũng như các môn phối hợp với xe đạp, bơi lội.
Yếu tố “cá nhân hóa” của điền kinh lại phù hợp với lối sống và cách thức tập luyện thể thao của người dân hiện nay. Chính phong trào chạy bộ phát triển kéo theo nguồn tài chính khổng lồ tham gia, đa số là các thương hiệu lớn mà chính môn thể thao số 1 là bóng đá cũng phải thèm muốn. Nói như ông Dương Đức Thủy, điền kinh đang có một mảnh đất màu mỡ để “gieo trồng” nhưng lại chưa biết tận dụng.
Thất bại về mặt thành tích cùng tuổi tác ngày một lớn của đội ngũ VĐV tài năng ở SEA Games 32 và Asiad 19 đã lộ ra nhiều vấn đề lớn của điền kinh Việt Nam. Không chỉ thiếu con người mà cơ sở vật chất, tài chính cũng đang ở mức báo động khi không đáp ứng được nhu cầu phát triển vươn đến đẳng cấp châu Á. Điền kinh Việt Nam gần như trông chờ vào sự may mắn nhiều hơn là có một chiến lược tham vọng.
Ví dụ như ở các nội dung nhảy cao, dù không có những yêu cầu cao về cơ sở vật chất nhưng từ sau thế hệ của Nguyễn Duy Bằng, Bùi Thị Nhung từng vươn đến đẳng cấp châu Á, cả 10 năm qua không có ai thay thế. Ở nội dung nhảy xa, khi nhà vô địch Asiad Bùi Thu Thảo từ giã sự nghiệp, phía sau là khoảng trống.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia Dương Đức Thủy, các nội dung chạy thế mạnh đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu. Đường chạy ở Việt Nam thì sân vận động nào cũng có nhưng chỉ 5-6 làn và chất lượng cũng chỉ ở mức cơ bản. Đó là chưa kể sự thiếu thốn ở phần bổ trợ như phòng tập thể lực, bể bơi hồi phục, chế độ dinh dưỡng…
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam ra đời rất sớm nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thể tổ chức được các sự kiện điền kinh quốc tế thường niên tầm cỡ châu lục. Từng có giải điền kinh quốc tế tại sân Thống Nhất, TPHCM nhưng sau vài kỳ tổ chức nay không còn. Những chuyên gia, HLV nước ngoài cũng vắng bóng trên đội tuyển quốc gia, còn hệ thống tuyển chọn vẫn của những năm 90 thế kỷ trước.
Đời sống VĐV gần như trông đợi vào tiền thưởng thi đấu và các phụ cấp tập luyện do số lượng giải ở Việt Nam quá ít. Nên nói điền kinh Việt Nam vừa vui, vừa buồn là vậy.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vui-buon-dien-kinh-post714003.html