Vui cũng được nhiều trống canh
Mấy ngày tết, mới rảnh rang ngồi trước tivi xem các chương trình truyền hình chiếu tết, lấy cái điện thoại lướt xem thiên hạ nói gì trên báo mạng. Đọc một hồi, thấy chê là chính, nào là chương trình A nhạt, B vô duyên, C không đáp ứng kỳ vọng. Tôi tự hỏi, vậy kỳ vọng của khán giả về một mùa truyền hình tết như thế nào?
Tết, ai cũng muốn được coi những chương trình vui, trước tiên là phải vui; sau đó là những chương trình có tính chất tổng kết, những câu chuyện truyền cảm hứng sống… Với tiêu chí này, theo thiển ý cá nhân, năm nay chúng tôi khá hài lòng.
Khi Gặp nhau cuối năm - Táo quân hết sứ mạng đem niềm vui đến bạn xem truyền hình vào tối giao thừa, mọi người hụt hẫng vô cùng. Dù có năm hay, năm dở, năm mệt mỏi vì quảng cáo, nhưng những lời thoại đỉnh của Táo quân, những điệu nhạc chế lời mới đánh thẳng vào tồn tại của xã hội, vẫn đem lại những phút giây giải trí cho người xem. Và năm nay, chúng tôi khá hài lòng với Gặp nhau cuối năm phiên bản mới. Vẫn là mảng miếng hài thâm thúy, vẫn nét diễn duyên dáng, có tiết chế, câu chuyện làng Vũ Đại của Chí Phèo được mở rộng ra với Xuân Tóc Đỏ, thằng Mõ, lão Hạc… với những châm biếm nhưng đầy tình người có sức hút riêng biệt.
Những ý kiến khác về Gặp nhau cuối năm cũng là điều dễ hiểu, bởi cái bóng của Táo quân là khá lớn. Một năm với bao nhiêu tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tất cả được chia nhỏ, xâu chuỗi đưa vào Táo quân mọi năm, dù có lúc sượng, có lúc chưa đã, nhưng vẫn cần thiết. Có lẽ cái bóng đó quá lớn nên những nỗ lực làm mới mình của ê kíp Gặp nhau cuối năm chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng của người xem.
Cá nhân tôi, bấy lâu nay đều thích xem các chương trình hài thâm thúy, kiểu ngoài Bắc, dù tôi là người miền Nam chánh hiệu. Tôi kén xem hài, nên hài nhạt, hài nhảm chỉ 5 phút là chuyển kênh ngay tắp lự. Có lẽ nhiều người cũng như tôi, cũng thích xem hài, nhưng có chọn lọc. Tôi sợ kiểu hài cà rỡn, thọt lét, nghe phô không chịu được. Bởi vậy, tôi không xem hài trên YouTube, dù đây là một “thị trường” béo bở của các cây hài Bắc - Nam. Nhiều clip hài vô duyên không chịu nổi vẫn nhan nhản, trong đó không thiếu những clip của các nghệ sĩ hài có tiếng, mà dư luận hay phong cho cái tên “danh hài”.
Một lần tôi mở đúng clip của một diễn viên hài khá nổi gần đây, đặc biệt với tài pha tiếng. Cảnh đơn giản chỉ là con trâu của nhà bà A quệt cái đuôi vào mặt của cô B, thế là cả hai xắn tay áo chửi nhau, chửi tục nhưng không phải “tục thanh” mà quá là phô. Có nữ diễn viên hài khác, nổi danh cả trong nước lẫn hải ngoại, nhưng lỡ mở clip ra xem, chỉ cần cất giọng ồ ồ, khàn khàn gằn giọng là tôi tắt luôn, không thể nào chịu nổi!
Khi cuộc sống bộn bề, xem hài cho vui cửa vui nhà cũng rất cần thiết, dù chỉ là một chút thôi. Bởi vậy, tôi và gia đình mình cũng chỉ mong có được những chương trình hài kịch thâm thúy, nhẹ nhàng chiếu vào một khung giờ cụ thể trên tivi. Có thể chỉ là tiểu phẩm ngắn nhưng chất lượng kịch bản phải “chất”, diễn viên phải biết tiết chế và có duyên. Đặc biệt, tuyến kịch bản phải phản ánh được các vấn đề dân sinh hiện nay trong xã hội, đả phá những cái xấu để xã hội tốt hơn. Vui một chút nhưng cũng được nhiều trống canh mà!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vui-cung-duoc-nhieu-trong-canh-643221.html