Vui Tết, không quên chăm sóc lúa

Nông dân xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cấy dặm lúa đông xuân. Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện trên các cánh đồng, xuất hiện bệnh đạo ôn hại lúa, bên cạnh đó chuột, bọ trĩ cũng gây hại hàng trăm héc ta. Những ngày qua, nông dân trong tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc lúa vụ đông xuân.

Tập trung diệt chuột

Bên cạnh việc cấy dặm, chăm sóc, phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa, nông dân cũng phải thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại.

Trên cánh đồng xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nhiều nông dân ra đồng phòng trừ chuột gây hại lúa. Ông Nguyễn Văn Tiến đang bẹo chuột cho hay: Trên cánh đồng này đám nào cũng có dấu răng của chuột. Tôi dùng những cọc nhỏ quấn lên đầu cọc tấm ni lông rồi đem ra ruộng cắm chỗ chuột cắn lúa, để chuột sợ đi nơi khác. Còn ông Mạnh Thế Bình ở xã Xuân Quang 3, chia sẻ: Chuột cắn lúa nhiều quá phải be bờ lấy nước vào ruộng, ngăn chuột lội vô cắn lúa. Cả cánh đồng này ai cũng than phiền về nạn chuột cắn phá lúa.

Nông dân các huyện Tây Hòa, Phú Hòa cũng tập trung ra đồng diệt chuột. Dạo quanh bờ ruộng tìm hang chuột, ông Bùi Văn Long ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) lội vô ruộng tìm ra đường đi của chuột để đặt bẫy. Theo kinh nghiệm của ông Long, chuột đi từ hang vô ruộng cắn lúa, chuột đi lối nào về lối đó nên đặt bẫy mặt trăng trên đường đi của chuột, ngày trước ngày sau chuột thấy mồi thò đầu vào ăn là dính bẫy. “Vụ này chuột nhiều quá, một đêm tôi đặt bẫy bắt 20 con”, ông Long nói.

Còn ông Trần Văn Tấn, nông dân ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), cho hay: Vụ này không chỉ ở ruộng khô mà cả ruộng trũng có nước, lúa vẫn bị chuột cắn. Lúa giai đoạn mạ, chuột cắn chỗ rễ tiếp giáp với thân lúa thì cây lúa chết mất gốc luôn. Nếu không đặt bẫy diệt chuột sẽ có nguy cơ lúa mất năng suất.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, chuột là đối tượng gây hại thường xuyên trên đồng ruộng và rất khó phòng trừ, vì vậy nông dân diệt chuột xuyên suốt vụ. Hiện chuột phát sinh gây hại diện tích 403,4ha, nông dân đồng loạt tập trung diệt chuột để tránh chuột duy chuyển đám này qua đám khác cắn phá lúa.

Phòng trừ đạo ôn, bọ trĩ

Tại cánh đồng xã An Nghiệp (huyện Tuy An), nông dân tập trung cấy dặm lại những vị trí lúa bị chết, thưa. Vụ đông xuân này, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Nghiệp gieo sạ gần 5 sào lúa. Đầu vụ gieo sạ, lúa bị ốc bươu vàng, chuột cắn nên hư hại nhiều, gia đình ông tranh thủ cấy dặm. Để cây lúa mau bén rễ, đẻ nhánh, ông Tuấn mua phân NPK để bón.

“Hiện nay thời tiết thay đổi thất thường nên cây lúa dễ bị bệnh đạo ôn nên tôi thường xuyên đi thăm đồng theo dõi tình hình sâu bệnh hại. Trong số diện tích gieo sạ này, có 2 sào sạ sớm lúa đơm màu xanh, tôi vãi phân hãm màu xanh đề phòng bệnh đạo ôn”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh việc cấy dặm, chăm sóc, phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa, nông dân cũng thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại. Ngay sau Tết, bà Lê Thu Hồng, nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã ra đồng thăm ruộng, làm cỏ, xem kỹ từng vạt lúa, kiểm tra tình hình sâu bệnh.

Bà Lê Thu Hồng cho hay: Trước và sau Tết, lúa có xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như sâu keo, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ nhưng gia đình đã kịp thời phun thuốc trừ sâu. Từ mùng 4 Tết đến nay, thời tiết có sương mù vào buổi sáng nên gia đình tôi thường xuyên thăm đồng. Nếu thấy có sâu bệnh gì là phải phun trừ ngay, tránh lây lan, đặc biệt là hiện tượng lá lúa xuất hiện bệnh đạo ôn.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh, lúa vụ đông xuân 2019-2020 gieo sạ 26.440ha. Trong đó, bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại 72ha, bọ trĩ phát sinh và gây hại 43,9ha, tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Trước Tết, sở đã yêu cầu phòng NN-PTNT các địa phương hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa đông xuân. Hiện nay tình hình sâu bệnh cũng được cập nhật liên tục qua các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân tiện theo dõi. Bên cạnh đó, công tác điều tiết nước cũng được thực hiện liên tục để thuận lợi cho việc chăm sóc lúa.

Ngay sau Tết, cán bộ của các trạm khuyến nông cũng đã được cử xuống địa bàn để kiểm tra các loại sâu bệnh, hướng dẫn nông dân việc bón phân cân đối đạm, lân, kali ngăn ngừa bệnh đạo ôn trong điều kiện thời tiết bất thuận. Các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế thường xuyên điều tra, phát hiện, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên lúa vụ đông xuân để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, qua đó hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả, tránh lây lan trên diện rộng.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234617/vui-tet-khong-quen-cham-soc-lua.html