Vui Tết Trung thu
Tiếng trống múa lân rộn rã, những mô hình con giống, những chiếc đèn lồng lung linh và hương bánh nướng, bánh dẻo thơm phức đang đưa tết Trung thu đến gần. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là 'Tết trông Trăng'.
Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.
Em Nguyễn Thu Giang, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn kể: Vào những ngày rằm Trung thu ở thôn cháu cũng vui lắm, đám trẻ trong xóm tụ tập ngồi quây quần bên mâm cỗ được nghe bà kể chuyện tại sao lại có tiết mục múa sư tử đêm rằm, bà kể lại rằng: “Ngày xửa, ngày xưa ở một làng kia, có một người đàn bà sống độc thân. Một đêm trăng sáng, bà mở cửa vào nhà thì thấy một con sư tử nằm dưới gầm giường. Bà ta sợ quá vùng chạy kêu cứu. Thấy vậy, một anh thanh niên chạy tới, cầm chiếc đòn gánh đánh nhau với chúa rừng. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, người và thú vờn nhau trông thật đẹp.
Bằng một đòn đánh hiểm, chàng trai hạ gục được con sư tử. Dân làng khâm phục tài trí của chàng trai, cứ bắt phải diễn đi, diễn lại cuộc chiến đấu với con sư tử. Từ đấy, cứ đến ngày có trăng đẹp nhất, dân làng lại quây quần bên bãi cỏ rộng, cử ra một chàng trai sắm vai người đánh thú, một người đóng giả sư tử để diễn lại chiến công tuyệt vời của người dũng sỹ năm xưa. Dần dần thành tiết mục múa sư tử. Thế là thành lệ, cứ vào đêm rằm Trung thu, mọi người lại cùng trông trăng, vui múa sư tử chờ trăng lên đỉnh đầu rồi mới phá cỗ”.
Bà cháu bảo: “Các cháu bây giờ là sướng nhất đấy nhé. Thôn xóm, nhà trường, gia đình đều quan tâm tổ chức Trung thu cho các cháu. Năm nay, tổ chức sớm hơn mọi năm, để gia đình nào có điều kiện còn cho các cháu xuống thành phố dự Lễ hội đường phố. Vào những ngày này không khí Trung thu ở thành phố Tuyên Quang thật tưng bừng. Các tổ dân phố kỳ công làm những mô hình gắn với sự tích, những sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các mô hình về các di tích lịch sử, các anh hùng dân tộc được làm trông y như thật, các mô hình dân gian thì thật đặc sắc sinh động”.
Lễ hội đường phố với những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, là dịp tôn vinh truyền thống văn hóa Việt, các cháu cần phải biết và ghi nhớ điều đó.