Vui xuân lành mạnh, năm mới bình an

Tết là ngày lễ truyền thống của dân tộc, của đất nước, và có thể nói ở Việt Nam ta, mùa xuân là mùa của lễ hội.

Chia sẻ lời Phật dạy nhân dịp đầu xuân là việc làm thiết thực ý nghĩa, phù hợp với giới trẻ - Ảnh: P.V.Tùng

Vào những ngày đầu năm mới, trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của ngày xuân, nhiều hoạt động văn hóa mang đậm tính nhân văn diễn ra. Tuy nhiên song song đó vẫn có một số hoạt động mang tính tiêu cực như rượu chè, bài bạc, mê tín v.v… ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa, xã hội.

Vì thế, việc ý thức được tác hại của những hoạt động mang tính tiêu cực đó để hạn chế, giảm thiểu chúng là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động ngày Tết và những lễ hội khác, thể hiện được nếp sống lành mạnh, văn hóa, văn minh.

Kiểm soát, tiết chế chè chén rượu bia

Mặc dù Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa mới ban hành đã ngăn chặn được rất nhiều hệ lụy do rượu bia gây ra cho người tham gia giao thông, nhưng nhiều người vẫn duy trì thói quen lạm dụng rượu bia, tránh vi phạm luật bằng cách đi xe ôm, taxi hoặc dịch vụ đưa đón của các quán nhậu sau khi say xỉn. Điều này hạn chế tai nạn giao thông và vi phạm luật, tuy nhiên vẫn còn các ảnh hưởng xấu khác như ảnh hưởng về sức khỏe và giao tiếp, ứng xử. Khi không kiểm soát được việc sử dụng rượu bia, sức khỏe sẽ bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ bệnh tật; văn hóa ứng xử và trật tự xã hội cũng khó đảm bảo. Vì thế, trong những ngày đầu xuân, mọi người vui có chừng mực và dừng đúng lúc, biết kiểm soát mình và tự chủ trong các tiệc vui là điều rất cần thiết.

Không bài bạc sát phạt nhau

Bài bạc không chỉ là thử vận may mà còn là niềm vui đối với nhiều người, tuy nhiên hệ lụy lại rất nhiều. Khi thắng chúng ta vui bao nhiêu thì khi thua sẽ buồn bấy nhiêu, mà điều chắc chắn là chưa ai thắng hoài thắng mãi. Có nhiều người chơi bài bạc lâu rồi sinh nghiện, không chơi là không chịu nổi, lúc này họ chơi không chỉ vì tiền, vì vui mà còn vì thỏa mãn cơn nghiện, vì bị tập khí, thói quen lôi kéo. Tìm niềm vui, tạo ra niềm vui là một nhu cầu chính đáng, nhưng thực hiện điều đó bằng những cách thức tiêu cực để lại nhiều hệ lụy thì không nên, chúng ta cần phải tránh.

Không mê tín dị đoan

Đầu năm đi lễ ở chùa, đền, miếu… là một sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, việc đến chùa, đền, miếu tranh giành nhau xin lộc, hoặc xin xăm bói quẻ, mua lá số tử vi, cúng sao giải hạn, cúng tam tai lại là những hoạt động mang đậm màu sắc mê tín dị đoan. Sự mê tín này dẫn đến nhiều tác hại như: khiến cho người ta hoang mang lo lắng một cách vu vơ, không có niềm tin vào bản thân, thiếu ý chí phấn đấu (nếu như bị thầy bói “phán” rằng sẽ gặp vận không may hay đại kỵ gì đó), hoặc tâm lý ỷ lại, chủ quan khinh suất (nếu như thầy bói cho rằng sẽ gặp vận tốt). Những tác hại này ảnh hưởng không ít đến sức khỏe, công việc, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình và các mối quan hệ xã hội…

Trên thực tế, mọi thành công trong cuộc sống tùy thuộc vào tinh thần lao động, sáng tạo, tùy thuộc vào năng lực, ý chí và cách thiết lập các mối quan hệ trong giao tế, trong công việc, hoàn toàn không do một đấng thần linh nào an bài, sắp đặt, định đoạt. Cũng không thể nhờ một sự trợ giúp nào từ phía thần thánh, ma quỷ nếu như bản thân mỗi người không cố gắng, không có ý chí phấn đấu, hoặc bản thân mỗi người không sống tốt, không có những suy nghĩ và hành động tích cực.

Phát huy chánh kiến và chánh tín

Là Phật tử, ngay từ buổi đầu quy y Tam bảo, chúng ta đã phát nguyện: “Quy y Phật, không quy y thiên thần, quỷ vật. Quy y Pháp, không quy y tà thuyết ngoại đạo. Quy y Tăng, không quy y thầy tà, bạn ác”. Vậy thì lý nào chúng ta lại đi cúng bái cầu cạnh sự gia hộ của thần linh? Là Phật tử, với niềm tin chân chính (chánh tín), chúng ta tin lý nhân quả nghiệp báo, lý Duyên sinh; không tin vào thuyết định mệnh, thiên mệnh, số mệnh, không tin có sự an bài, sắp đặt, ban phước giáng họa của ông trời, thần linh, vậy thì lý nào lại tin vào chuyện vận số kiết hung, may rủi?

Chúng ta đều biết cái mà thế gian cho là vận số, đó chỉ là kết quả của những nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo ra trong hiện tại và quá khứ gần hoặc xa, đời này hoặc những đời trước. Chúng ta có thể chuyển nghiệp, có thể cải thiện những gì chưa tốt và kiến tạo những gì tốt đẹp cho tương lai. Dù vận số hay kết quả của nghiệp quá khứ là xấu hay tốt thì chúng ta vẫn phải sống thiện, vẫn phải sống chân chính, sống tích cực, đó là cách duy nhất để hiện tại và tương lai an vui, hạnh phúc. Như thế cần gì phải biết trước hay đoán một cách mơ hồ không chắc chắn bằng các phương pháp bói toán để rồi thêm bất an, lo lắng, sợ sệt, hoặc ngồi đó cầu khẩn, mong chờ, hy vọng một cách viển vông, thiếu thiết thực.

Vì thế, người Phật tử không nên đi xem bói, xin lá tử vi, cúng sao, giải hạn, cúng tam tai, không nên cầu sự gia hộ của thần linh. Đầu năm ước nguyện gặp được nhiều điều tốt lành, gia đình hạnh phúc, mọi sự hanh thông, đó là tâm nguyện tốt. Tâm nguyện ấy cần được thực hiện bằng những hành động thiết thực phù hợp với nhân quả, những hành động thiện lành đem lại lợi lạc cho mình và mọi người.

Diệu Thể

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaotuoitre/2020/02/04/135299/