Vụn Art: Ghép vải vụn - chắp cánh ước mơ cho những người trẻ khiếm khuyết

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, nổi tiếng với những sản phẩm lụa tinh xảo đã từ lâu trở thành biểu tượng của nghề truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nơi đây còn có một câu chuyện đặc biệt về sự sáng tạo và lòng nhân ái, nơi những người khuyết tật không chỉ tái chế vải lụa vụn mà còn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Đó là câu chuyện của Hợp tác xã (HTX) Vụn Art – mô hình kinh tế tập thể sáng tạo giúp những người trẻ yếu thế hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định.

Vụn Art được sáng lập bởi anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, cũng là một người khuyết tật. Dự án ra đời từ năm 2017 với mục tiêu không chỉ tái sử dụng vải vụn, mà còn mang lại cơ hội việc làm cho những người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ý tưởng của anh Cường xuất phát từ việc nhận thấy các mảnh vải lụa vụn bỏ đi ở các xưởng sản xuất có thể được tận dụng để tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo như tranh ghép, túi vải, bưu thiếp và các sản phẩm tiêu dùng khác.

Những sản phẩm này không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn đậm chất nghệ thuật, thể hiện được sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của những "nghệ nhân trẻ" khuyết tật. Chia sẻ về sứ mệnh của Vụn Art, anh Lê Việt Cường cho biết: “Chúng tôi không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo, mà còn muốn giúp những người khuyết tật có công việc ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo động lực để họ hòa nhập cộng đồng.”

Người trẻ khuyết tật tập trung làm việc tại HTX Vụn Art.

Người trẻ khuyết tật tập trung làm việc tại HTX Vụn Art.

Đặc biệt, Vụn Art không chỉ hỗ trợ người khuyết tật mà còn tạo cơ hội việc làm cho những người trẻ khuyết tật, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống và phát huy được khả năng sáng tạo. Các sản phẩm thủ công của HTX, với phong cách thiết kế độc đáo, còn hướng đến những người trẻ yêu thích sự sáng tạo và văn hóa, đặc biệt là những người đam mê nghệ thuật thủ công và các sản phẩm mang đậm tính văn hóa dân tộc.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX đã hợp tác với các họa sĩ nổi tiếng, trong đó có họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, và họa sĩ Đặng Thị Khuê. Cùng với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ, các xã viên của Vụn Art đã học hỏi và phát triển kỹ năng làm tranh ghép vải, sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Anh Nguyễn Thành Long, quản lý phụ trách khách hàng tại Vụn Art, cho biết: "Xưởng của chúng tôi kết hợp cùng họa sĩ Lê Huy Văn và Đặng Thị Khuê để tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo cao. Năm nay, chúng tôi đang phát triển các hình ảnh lấy cảm hứng từ con rắn và con số 5 để hướng tới Tết Ất Tỵ 2025."

Các sản phẩm thủ công độc đáo được ghép bằng vải vụn tại Vụn Art.

Các sản phẩm thủ công độc đáo được ghép bằng vải vụn tại Vụn Art.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thủ công, Vụn Art còn tổ chức các Workshop cho học sinh, sinh viên và du khách đến tham quan. Mới đây, xưởng đã phối hợp với các trường Tiểu học hơn 200 học sinh để tổ chức các buổi Workshop ghép tranh từ vải vụn, với sự hướng dẫn trực tiếp từ nhân sự của HTX - những người bạn khuyết tật.

Các Workshop được tổ chức tại những địa điểm như Miếu làng Vạn Phúc và Nhà văn hóa Vạn Phúc, thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ. "Chúng tôi tổ chức workshop cho nhóm từ 40 - 50 người, tạo cơ hội cho các em học sinh không chỉ học hỏi mà còn thấu hiểu thêm về cuộc sống của người khuyết tật", anh Long chia sẻ thêm. Các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Vụn Art tổ chức khiến nhiều bạn trẻ thích thú và hiểu được hơn về giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.

Anh Nguyễn Thành Long, quản lý phụ trách khách hàng tại Vụn Art.

Anh Nguyễn Thành Long, quản lý phụ trách khách hàng tại Vụn Art.

Mới đây, xưởng cũng đã áp dụng công nghệ in ấn hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, như áo thun và túi vải lụa. Anh Long cho biết: “Công nghệ in ấn được chúng tôi nghiên cứu nhiều năm qua, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại để đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao và bền đẹp nhất. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.”

Vụn Art đã không ngừng phát triển và mở rộng thị trường. Các sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Hà Nội và được trưng bày tại nhiều sự kiện lớn trong thành phố. Đặc biệt, mô hình của Vụn Art đã giúp hơn 40 người khuyết tật có công việc ổn định, từ đó giúp họ tự tin hòa nhập xã hội và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quy trình sản xuất tỉ mỉ để tạo ra các sản phẩm đặc biệt.

Quy trình sản xuất tỉ mỉ để tạo ra các sản phẩm đặc biệt.

Với những thành tựu đã đạt được, anh Cường cùng tập thể các xã viên đang hướng tới việc phát triển bền vững hơn nữa. HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức để mở rộng quy mô, giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn nữa và tiếp tục bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế vải vụn. Anh Cường chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mô hình này không chỉ phát triển trong khu vực Hà Đông mà còn có thể lan tỏa ra khắp các địa phương, giúp nhiều người yếu thế, đặc biệt là người trẻ khuyết tật có cơ hội việc làm và cải thiện cuộc sống.”

Vụn Art không chỉ tạo cơ hội việc làm cho những bạn trẻ khiếm khuyết mà còn giữ gìn và phát triển văn hóa thông qua các sản phẩm thân thiện với đời sống.

Vụn Art không chỉ tạo cơ hội việc làm cho những bạn trẻ khiếm khuyết mà còn giữ gìn và phát triển văn hóa thông qua các sản phẩm thân thiện với đời sống.

Với định hướng phát triển bền vững, Vụn Art không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại những cơ hội việc làm không chỉ cho người khuyết tật mà còn cho những người trẻ yêu thích sự độc đáo và có niềm đam mê với văn hóa. Hành trình của Vụn Art là một hành trình đầy cảm hứng trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa theo một cách đặc biệt - mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho những người yếu thế. Đây là một minh chứng cho thấy, dù xuất phát điểm có khó khăn đến đâu, chỉ cần có sự sáng tạo và đam mê, mọi điều đều có thể thay đổi.

Ảnh: Yến Chi

Yến Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/vun-art-ghep-vai-vun-chap-canh-uoc-mo-cho-nhung-nguoi-tre-khiem-khuyet-post1702686.tpo