Vun bồi tình yêu quê hương, lịch sử từ sân khấu
Từ đầu năm đến nay, các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng công diễn 4 tác phẩm đề tài đất và người thành phố Cảng.
Những tác phẩm nghệ thuật này thêm một lần nữa làm sống lại nhân vật lịch sử, tái hiện hình ảnh thành phố Cảng của một thời...
Hào sảng, trung kiên
Tháng 5/2024, Đoàn kịch nói Hải Phòng tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất với vở diễn “Mặt trời trên quê hương”. Vở kịch là câu chuyện về hình tượng anh hùng thiếu niên Phạm Ngọc Đa, người con của quê hương Tiên Lãng đã gan dạ cùng dân làng chiến đấu khi thực dân Pháp mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn vào toàn huyện Tiên Lãng ngày 28/8/1953. Dù bị địch bắt, tra tấn dã man cho đến khi trút hơi thở cuối cùng nhưng Phạm Ngọc Đa kiên quyết không khai những bí mật của cách mạng. Vở kịch đã xuất sắc dành giải Nhất tại Liên hoan.
Tháng 6/2024, Đoàn Ca múa Hải Phòng là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của cả nước công diễn vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng. Một trong những điểm rất đặc biệt của vở kịch là tập thể, diễn viên tham gia vở diễn đều là người Hải Phòng, với chất giọng “ăn sóng, nói gió” và khí chất hào sảng, hiên ngang. Sân khấu của vở diễn được dàn dựng hết sức công phu, cộng với các hiệu ứng tái hiện không gian sống động của Hải Phòng năm 1937.
Đoàn Cải lương Hải Phòng cũng đã công diễn hai vở diễn về những nhân vật lịch sử của thành phố. Cụ thể, vở “Hào kiệt với giang sơn” công diễn tháng 2/2024 ca ngợi danh tướng thời Trần Vũ Chí Thắng. Ông là người con của Hải Phòng có chí lớn, nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng, bảo vệ đất nước, chống quân Nguyên Mông.
Tháng 7/2024, Đoàn Cải lương Hải Phòng công diễn vở “Lời thề trên núi Cột cờ”. Vở diễn xây dựng hình tượng Chỉ huy trưởng Công an đầu tiên của thành phố Hải Phòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Trần Thành Ngọ với lời thề quyết tử: “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”. Thời điểm đó, ông là Chỉ huy trưởng Đoàn Cảnh sát xung phong đảm nhiệm chỉ huy mặt trận bảo vệ Kiến An khi quân Pháp gây hấn, tấn công thị xã tháng 4/1947.
Theo Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy, vở diễn được dàn dựng với mong muốn khắc họa lại khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, cũng như tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng non trẻ khi đó và bao tấm gương yêu nước của triệu người dân Việt Nam, trong đó có Anh hùng Liệt sĩ Trần Thành Ngọ, những người góp sức cho thành công của cách mạng Việt Nam.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở diễn “Lời thề trên núi Cột cờ” chia sẻ, sau khi nhận kịch bản, bà thấy rất may mắn vì được cùng ekip tôn vinh nhân vật lịch sử của Hải Phòng và cả nước.
Lan tỏa lâu bền
Là khán giả yêu sân khấu và nhiều lần xem các đơn vị nghệ thuật của Hải Phòng công diễn các tác phẩm, em Đào Tuệ Lâm, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú cho biết, điểm cuốn hút nhất của các vở diễn, trong đó có những vở diễn về lịch sử, con người thành phố Cảng, là cảm xúc của người trong cuộc. Hiệu ứng từ diễn xuất của diễn viên, âm thanh, ánh sáng, tâm lý của khán giả cùng với không gian nghệ thuật trong Nhà hát thành phố làm cho tác phẩm sống động, tác động tới tâm lý người xem rất tự nhiên.
Đào Tuệ Lâm chia sẻ, em nhiều lần khóc, cười theo nhân vật trong vở diễn. Mỗi lần xem một vở diễn mới là thêm một lần em thấu hiểu sự hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước, hiểu thêm tính cách của người Hải Phòng trong những thời khắc phải đưa ra quyết định, hay chỉ đơn giản là khao khát sống một lần "sống cho ra sống" của Tám Bính trong vở Nhạc kịch Bỉ vỏ.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, các chương trình vở diễn được các đơn vị nghệ thuật của Hải Phòng dàn dựng, biểu diễn đều nằm trong Đề án Sân khấu Truyền hình của thành phố. Các tác phẩm được đầu tư công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng. Diễn viên tham gia các vở diễn đến từ Trung ương và thành phố luôn khổ luyện, thể hiện trách nhiệm của từng vai diễn. Tất cả đều bám sát định hướng của Thành ủy Hải Phòng, yêu cầu của Đề án là thể hiện truyền thống hào hùng của miền đất, con người đất Cảng, quảng bá cho một Hải Phòng năng động, hội nhập và phát triển.
Tại buổi hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tháng 5/2024 tại Hải Phòng, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc cho biết, các vở diễn về lịch sử của Sân khấu Lệ Ngọc luôn được khán giả trong và ngoài nước đón nhận, đánh giá rất cao. Hải Phòng rất thành công trong triển khai đề án Sân khấu truyền hình, trong đó có các tác phẩm về đề tài lịch sử.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đánh giá, Hải Phòng rất thành công trong triển khai Đề án Sân khấu truyền hình, qua đó góp phần nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, định hình nhân cách sống cho thanh thiếu nhi. Đây là những giá trị tinh thần tốt đẹp sẽ song hành cùng các em trên đường đời.