Vun đắp niềm tin
Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Kết quả cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta đã và đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai…
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, 5 năm qua (2020-2024), Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử hàng ngàn vụ án tham nhũng. Riêng tòa hai cấp ở cơ sở trong cả nước đã xét xử sơ thẩm 2.932 vụ án với 7.583 bị cáo về 7 tội danh tham nhũng, trong đó phổ biến nhất là các vụ án về tội “Tham ô tài sản” với 1.429 vụ án/2.418 bị cáo. Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án hơn 26.156 tỷ đồng; số tài sản đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi hơn 6.421 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tạm giữ 346 lượng vàng, kê biên 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 1.125m2 cùng nhiều tang vật khác. Kết quả xét xử, đã có 40 bị cáo lĩnh án chung thân hoặc tử hình; 21 trường hợp bị phạt hơn 30 năm tù… Cũng trong giai đoạn này, cả nước có 264 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật, 73 trường hợp bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng...
Vấn nạn tham nhũng xảy ra không riêng ở Việt Nam mà có ở hầu hết các quốc gia, trong các chế độ chính trị khác nhau và nhiều lĩnh vực, ngành nghề... Tại Việt Nam, kể từ khi mở cửa hội nhập và giao lưu phát triển kinh tế là thời điểm nạn tham nhũng tăng lên. Vòng xoáy tiền tài, danh lợi... đã kéo một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lời thề trước Đảng, đi ngược lợi ích của nhân dân và trở thành “giặc nội xâm”. Tham nhũng không chỉ gây nguy hại đến tài sản, ngân khố quốc gia mà còn đe dọa đến uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân... Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả không chỉ thể hiện sự nhất quán, quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích công cộng, quyền lợi của người dân mà còn củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Khi tham nhũng được kiểm soát, người dân sẽ cảm nhận rõ hơn sự công bằng, minh bạch trong quản lý và điều hành đất nước, giúp tiết kiệm nguồn lực quốc gia và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ngoài việc khẳng định các chuẩn mực đạo đức, tạo nền tảng về một xã hội minh bạch và công bằng còn khẳng định vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế, nhất là trong hợp tác kinh tế và chính trị. Đây là điều kiện cốt lõi để thúc đẩy đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với toàn cầu; tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào các tổ chức và hiệp định quốc tế; góp phần vào sự phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Dự báo, trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta sẽ đối mặt với không ít rào cản, những thách thức mới. Vì vậy, ngoài quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng một nền văn hóa liêm chính, minh bạch và trách nhiệm phải được thực hiện một cách lâu dài và bền vững. Đồng thời đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cán bộ về phòng, chống tham nhũng; xây dựng và cập nhật luật pháp rõ ràng, minh bạch, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về kiểm soát tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức; tăng cường chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe cao để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên trong thực hiện công vụ…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/167123/vun-dap-niem-tin