Vun đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào: Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức nước Cộng hòa Dân Chủ Nhân dân Lào từ ngày 9 - 10/8/2021.

Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước và diễn ra sau khoảng 1 tháng so với thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã thăm hữu nghị chính thức nước ta, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Những sự kiện mang tính “cột mốc đặc biệt” này tiếp tục đưa quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và ngày càng hiệu quả, đồng thời mở ra những kỳ vọng mới, mục tiêu mới trong hợp tác giữa hai nước:

Hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực, đặc biệt khuyến khích các địa phương, bộ, ngành hỗ trợ hợp tác giúp đỡ nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” tình nghĩa giữa hai nước Việt – Lào, Lào –Việt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Đó là phát biểu của người đứng đầu Chính phủ nước ta vào tháng 12 năm ngoái, khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào. Hai bên đã thống nhất ký kết tới 17 văn kiện hợp tác để triển khai trong năm nay.

Và đây là phát biểu của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith lúc bấy giờ: “Tôi sẽ đem 17 văn kiện chúng ta ký kết hôm nay về đất nước Lào và thông báo cho toàn thể nhân dân Lào biết rằng, các đồng chí Việt Nam không ngừng ủng hộ, giúp đỡ đất nước Lào trong suốt thời gian qua, trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn, xây dựng, phát triển đất nước Lào.”

Trong chuyến thăm chính thức nước ta cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chứng tiếp nhiều văn kiện hợp tác nữa giữa hai nước. Với tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, suốt gần 60 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước vun đắp, thường xuyên củng cố qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp lẫn nhau.

Cách đây 3 ngày, vào ngày 5/8, Quốc hội Lào khóa IX khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Điều đặc biệt của kỳ họp này là diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới. Đây là công trình quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Lào năm 2016. Công trình kết hợp giữa kiến trúc đậm bản sắc của Lào, công nghệ hiện đại của Việt Nam, thực sự là một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Lào và Việt Nam.

Thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, với phương châm “Giúp bạn chính là giúp mình”, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực giúp Lào, một nước hoàn toàn không có biển, quản lý và sử dụng một số cầu cảng ở Vũng Áng. Đây là con đường ngắn nhất, rất quan trọng để Lào có đường ra biển, mở ra cơ hội kết nối tới toàn bộ tiểu vùng và khu vực ASEAN bằng đường biển.

Mối quan hệ anh em giữa Việt Nam và Lào được xem là "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".

Mối quan hệ anh em giữa Việt Nam và Lào được xem là "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".

Dù trong bối cảnh dịch bệnh, nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại thương mại hai chiều đạt 670 triệu USD, tăng hơn 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào và hiện có 209 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,16 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào. Riêng tại tỉnh Savaknakhet đã có khoảng 20 dự án với số vốn khoảng 500 triệu USD. Bí thư – Tỉnh trưởng Savanaket, ông Santiphap Phomvihan kỳ vọng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, dịch vụ logictis...

Bí thư – Tỉnh trưởng Savanaket, ông Santiphap Phomvihan nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Việt Nam tại Savanakhet có thế mạnh như vận tải, khai thác khoảng sản, dich vụ, khách sạn, nhà hàng. Không chỉ hợp tác với Quảng Trị, Đà Nẵng, thời gian tới chúng tôi mong muốn được đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam đến đây đầu tư, nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.”

Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn thực hiện trách nhiệm vun đắp mối quan hệ anh em Việt – Lào. Phụ trách một trong những dự án thủy điện đầu tiên đầu tư tại Lào, ở tỉnh Attapeu, với vốn lên tới gần 540 triệu USD, ông Phạm Hoàng Việt, Giám đốc Công ty TNHH điện Xekaman 1, cho biết: “Tôi cảm thấy mọi công việc từ giai đoạn đầu đến giai đoạn này chúng tôi đã thực hiện bằng cái tâm đúng nghĩa với truyền thống, tình đoàn kết của hai đất nước anh em. Sự tham gia của Xekhaman 1 ở đây đóng vai trò như đại sứ về tình hữu nghị anh em giữa hai nước Lào và Việt Nam. Tôi cho rằng những việc chúng tôi làm đã rất cố gắng, mong muốn là sẽ nỗ lực hơn nữa và đào tạo nhân lực người Lào để tiếp cận dự án này.”

Đáng chú ý là trong các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đều quan tâm đến việc đảm bảo việc làm và an sinh xã hội tại chỗ, như chia sẻ của ông Soulichanh Phonekeo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Attapeu: “Trong hoạt động dân sinh, doanh nghiệp Việt Nam luôn đi đầu, tạo việc làm cho nhiều lao động, cả lao động dài hạn, theo năm, thời vụ…, từ đó tạo thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Điều quan trọng là hình thành một tư duy mới về sản xuất hàng hóa cho chúng tôi, lao động phải tuân thủ quy trình, kỷ luật. Doanh nghiệp còn ứng vốn trước cho chúng tôi làm sân bay với số tiền lớn; có nhiều suất học bổng cho con em lao động. Đây là điều chúng tôi rất trân trọng.”

Cùng với hợp tác về kinh tế, hai nước còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; đối ngoại, luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN; thống nhất việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giao lưu nhân dân. Bộ Giáo dục hai nước đã ban hành Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030. Năm 2017, nhân chuyến thăm chính thức Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Thủ tướng Thongloun Sisoulith và nhân dân Lào bộ đại từ điển 4.000 trang Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam với mong muốn để nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ học tốt tiếng Việt, tiếng Lào, tiếp tục gìn giữ và phát huy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.

Đặc biệt trong lúc khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam và Lào luôn hợp tác, hỗ trợ nhau phòng, chống dịch. Tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã cử 35 y bác sĩ, chuyên gia sang Lào, giúp hỗ trợ về điều trị - thành lập đơn vị hồi sức tích cực, xét nghiệm và triển khai bệnh viện dã chiến… Chung tay cùng nhà nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hỗ trợ hàng trăm máy thở và nhiều thiết bị y tế cho Lào. Các địa phương hai nước cũng đã quyên góp, ủng hộ lẫn nhau trang thiết bị y tế để phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban đặc trách quốc gia phòng chống Covid-19 của Lào Kikeo Khaykhamphithoune cho biết: "Tôi đánh giá cao sự giúp đỡ khẩn trương, kịp thời này. Điều đó thể hiện sự lo lắng, quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào trong lúc khó khăn, thử thách.”

Có thể nói, tiếp sau chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith từ ngày 28-29/6 vừa rồi, chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 9-10/8 này, quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai nước ngày càng gắn bó keo sơn, bền chặt, mở ra những cơ hội, bước tiến mới trong quan hệ hai nước.

Nguồn: VOV

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345749-vun-dap-quan-he-doan-ket-dac-biet-vietlao-hat-muoi-can-doi-cong-rau-be-nua