Vun đắp tình anh em Việt-Lào, cùng chia sẻ một tương lai chung
Chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuy chỉ trong 2 ngày nhưng đạt được nhiều kết quả cụ thể và mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt-Lào.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chương trình thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào (từ ngày 9-10/8), nhưng dư âm và thành công của chuyến thăm vẫn tiếp tục được truyền thông trong nước và truyền thông Lào ca ngợi.
Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân chủ trì Lễ tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một cách trọng thị và nồng hậu đã diễn tả trọn vẹn mối quan hệ “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, một mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Trước tiên và cao nhất
Chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa với nhiều điều “đầu tiên”. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới.
Trong khi đó, đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi tổ chức thắng lợi Đại hội lần thứ XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, Lào đón một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm.
Chuyến thăm diễn ra chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm hữu nghị chính thức rất thành công của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và cũng là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam sau khi có Ban lãnh đạo mới.
Đặc biệt, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn được tổ chức ở cấp cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia và có một số ngoại lệ đặc biệt của hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, với những ưu tiên trước tiên và cao nhất dành cho nhau, có thể thấy rõ mối quan hệ đặc biệt hiếm có, thủy chung, gắn bó như anh em một nhà Việt-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong trực tiếp đặt nền móng, đang tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Trong khi đó, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đặc biệt chỉ ra chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những diễn biến rất phức tạp khó lường, đặc biệt là sự lây lan của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, điều này càng thể hiện rằng hoàn cảnh ngặt nghèo cũng không thể ngăn cản việc tăng cường quan hệ hợp tác, đi lại thăm hỏi lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào.
Hai trái tim đồng cảm
Qua hơn 10 cuộc hội đàm, gặp gỡ cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và 15 cuộc tiếp xúc trao đổi giữa các Bộ, Ban, ngành, địa phương, hai bên đã thu được nhiều kết quả cụ thể.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ trao tặng công trình tòa nhà Quốc hội Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.
Năm 2016, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông báo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào công trình thế kỷ - Tòa nhà Quốc hội Lào. Được khởi công từ tháng 7/2018, đến nay công trình đã hoàn thành 100%, phục vụ kịp thời cho các kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa IX của Lào.
Chính tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có bài phát biểu quan trọng trước toàn thể Quốc hội Lào khóa IX.
Trong bài phát biểu của mình Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đây là vinh dự đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Lào dành cho Lãnh đạo Việt Nam, thể hiện sinh động tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc Việt-Lào”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã công bố thêm quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào là một trường học trị giá 5 triệu USD; ngoài ra còn có quà tặng của các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam dành cho đối tác Lào.
Tại lễ chiêu đãi cấp Nhà nước chào mừng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân chủ trì, hai nhà lãnh đạo khẳng định Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước sẽ tiếp tục củng cố, vun đắp và nâng niu tình hữu nghị vĩ đại Việt-Lào để cùng chia sẻ một tương lai chung.
Trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào sẽ không có thế lực nào có thể phá vỡ được, thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh mối quan hệ thủy chung, trọn vẹn trước sau như hai anh em một nhà giữa hai nước là vô cùng ý nghĩa và hiếm có.
“Lào và Việt Nam tuy hai mà một, tuy tiếng nói, phong tục khác nhau, nhưng là hai trái tim đồng cảm cùng chia sẻ một tương lai chung”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Sáu kết quả nổi bật
Không chỉ bày tỏ bằng lời nói, tình cảm hiếm có Việt-Lào còn được thể hiện thực chất thông qua những kết quả cụ thể của chuyến thăm.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã chỉ ra sáu kết quả nổi bật.
Một là, nhất trí cao về các chủ trương, biện pháp lớn nhằm tiếp tục đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; nhất là trong các lĩnh vực then chốt như chính trị, quốc phòng, an ninh, giáo dục, kinh tế, văn hóa, năng lượng...
Hai bên cũng đã trao đổi kỹ về các dự án hợp tác chủ chốt giữa Việt Nam và Lào như Cảng Vũng Áng 1, 2, 3; đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, sân bay Nọng Khảng...; đồng thời nhất trí chủ trương không ngừng đẩy mạnh kết nối giữa hai nền kinh tế, giúp Lào phát triển bền vững, hướng ra biển phía Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều 9/8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng trước sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao trong thời gian qua và cho rằng cần tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp trực tiếp giữa các đơn vị của hai Bộ; nhất trí sớm tổ chức tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 6 và chuẩn bị Tham vấn chính trị giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao tại Việt Nam khi dịch bệnh được kiểm soát nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, trong đó có các dự án kết nối hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ổn định và bền vững của mỗi nước.
Hai là, trong trao đổi với Lãnh đạo cấp cao Lào và đặc biệt là trong phát biểu trước Quốc hội Lào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp hai nước Việt Nam-Lào cùng đoàn kết, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng có nhiều điểm tương đồng của hai vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Đồng thời, hai bên sẽ nỗ lực giải phóng các nguồn lực cho hợp tác song phương, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới giữa Việt Nam và Lào để tận dụng cơ hội và đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại công nghiệp 4.0.
Ba là, nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhấn mạnh cần mãi mãi duy trì Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đến muôn đời sau để không một thế lực nào có thể chia rẽ quan hệ hai nước.
Bốn là, về hợp tác trong khuôn khổ đa phương, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN, cùng tích cực đóng góp xây dựng cộng đồng đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các thách thức chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, ứng phó đại dịch Covid-19...
Năm là, kết quả thực chất, thiết thực của chuyến thăm còn được thể hiện cụ thể qua việc ký kết 7 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, giáo dục, hợp tác địa phương...
Các doanh nghiệp hai nước ký 7 thỏa thuận và đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, mua bán điện, khai thác và chế biến khoáng sản...
Sáu là, chuyến thăm góp phần khích lệ, động viên cộng đồng người Việt, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào trong bối cảnh cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Lào nhất trí sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn ổn định tại Lào, có chính sách hỗ trợ cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hơn cả ngàn lời nói, những kết quả cụ thể của chuyến thăm đã minh chứng hiện hữu, thực tế và sinh động cho nghĩa tình “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” Việt-Lào, góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào đi vào chiều sâu, thực chất hơn, phục vụ tốt hơn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Cùng với chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith vào tháng 6, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua tiếp tục nối dài sợi dây nghĩa tình của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, hay Chủ tịch Kaysone Phomvihane rằng "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt-Lào sẽ mãi mãi bền vững".