Vun đắp truyền thống Bộ đội Biên phòng

Ban Liên lạc truyền thống BĐBP Phú Yên tổ chức gặp mặt truyền thống, giao lưu văn nghệ. Ảnh: XUÂN HIẾU

Một căn phòng đủ ấm và đủ sức chứa cho khoảng 60 người giữa lòng TP Tuy Hòa được những cựu binh BĐBP nhập ngũ năm 1975 chọn làm nơi họp mặt với tấm băng rôn trang trí mang dòng chữ: “Gặp mặt đồng ngũ lần thứ 13 - Kỷ niệm 47 năm ngày nhập ngũ khóa CANDVT PY tháng 10/1975-10/2022). Và không chỉ có những đồng đội năm nào, buổi họp mặt này còn có cả người thân của họ.

Ấm tình đồng chí, đồng đội

Vượt hơn 300 cây số, từ TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận để đến với đồng đội cũ tại TP Tuy Hòa, ông Đặng Tấn Tiến (65 tuổi, quê xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) thổ lộ: Năm ngoái vì dịch COVID-19 không gặp nhau được, nhớ vô cùng. Nay dịch bệnh đã được kiểm soát, mặc dù mưa gió nhưng tôi vẫn có mặt đúng hẹn. Anh em đồng chí, đồng đội gặp nhau như thế này rất quý. Ngoài trời đang lạnh nhưng không khí ở đây vô cùng ấm áp”.

Còn bà Nguyễn Thị Mai Hà đến từ phường Xuân Phú, TX Sông Cầu cho hay: Trong 13 lần họp mặt đồng ngũ, tôi tham gia 12 lần. Đến nay ai cũng đã ngoài 60, nhiều người sức khỏe giảm sút nhưng vẫn vượt đường xa, mưa gió để đến đây là vì nghĩa tình đồng chí, đồng đội.

Cách đây 47 năm, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, nhưng thù trong giặc ngoài vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tiếp bước truyền thống cha ông, gần 100 thanh niên ưu tú của quê hương Phú Yên với tuổi đời mới 15-18, trong đó có bà Hà, ông Tiến xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ trong lực lượng An ninh vũ trang Phú Yên (tiền thân của BĐBP Phú Yên). Bà Hà nhớ lại: “Đợt nhập ngũ tháng 10/1975, có tất cả 98 người, trong đó chỉ có 5 nữ. Khi ấy tôi mới 15 tuổi. Chúng tôi được huấn luyện ở thao trường An Chấn (Tuy An), gần chợ cá Mỹ Quang. Doanh trại dã chiến được dựng lên bằng tranh tre nứa lá. Thao trường, bãi tập tuy tạm bợ nhưng chế độ ăn uống của tân binh khá cao, thời điểm đó là 7 hào/người/ngày nên bữa ăn luôn có đủ thịt, cá”.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Thẩm (thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An), chỉ huy đơn vị lúc đó là anh Nguyễn Mỹ, người Hà Nam. Anh em gắn bó, đồng cam cộng khổ với nhau trong suốt thời gian vượt nắng thắng mưa hơn 3 tháng. Sau khi sáp nhập Phú Yên với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, họ được biên chế về 4 đại đội, 14 đồn biên phòng từ Xuân Cảnh (Sông Cầu) đến Ba Ngòi (Cam Ranh). Các đồn lúc ấy có phiên hiệu là 5, 10, 15, 20… “Một số người sau đó được chọn đi học sĩ quan, rồi trở thành sĩ quan chỉ huy, quân hàm đại tá, thượng tá như các anh Nguyễn Trúc Thơm, Đào Nhật Lệ, Nguyễn Văn Diễn… Cũng có nhiều người sau này chuyển ngành hoặc phục viên, về hưu trước tuổi. Tuy chỉ gắn bó với nhau trong thời gian huấn luyện tân binh, nhưng đây là khoảng thời gian khó quên nhất đối với những người lính biên phòng chúng tôi”, ông Thẩm chia sẻ.

Các cựu quân nhân BĐBP Phú Yên nhập ngũ năm 1975 cùng người thân trong buổi họp mặt truyền thống. Ảnh: XUÂN HIẾU

Các cựu quân nhân BĐBP Phú Yên nhập ngũ năm 1975 cùng người thân trong buổi họp mặt truyền thống. Ảnh: XUÂN HIẾU

Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ

Một cuộc gặp mặt khác của những cựu binh quân hàm xanh cũng vừa diễn ra tại TP Tuy Hòa do Ban Liên lạc truyền thống BĐBP Phú Yên tổ chức. Trong không khí ấm tình đồng chí đồng đội, hơn 60 cựu quân nhân từng công tác trong lực lượng BĐBP Phú Yên cùng nhau ôn lại truyền thống của BĐBP, của đơn vị; nghe Chính ủy BĐBP tỉnh thông tin thời sự và những kết quả đạt được trong công tác biên phòng những năm qua. Đồng thời chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, động viên nhau giữ gìn sức khỏe, phát huy truyền thống của lực lượng, của đơn vị…

Đại tá Nguyễn Văn Thắm, nguyên Chính ủy, nguyên Trưởng ban Liên lạc truyền thống BĐBP Phú Yên cho biết: Đến với Phú Yên từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nhưng chúng tôi đều có chung một nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển đảo của Tổ quốc. Sau khi rời quân ngũ, các cựu quân nhân BĐBP tỉnh luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của lực lượng và đơn vị, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tự lực, tự cường, nỗ lực lao động sản xuất, chăm lo nuôi dạy con cháu nên người.

Còn đại tá Ninh Công Huân, người thay đại tá Nguyễn Văn Thắm giữ vị trí Trưởng ban Liên lạc truyền thống BĐBP Phú Yên cho biết: Từ khi hình thành ban liên lạc đến nay, trừ năm 2021 do dịch COVID-19, hằng năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt truyền thống nhằm kết nối đồng đội cũ, xây dựng ban liên lạc ngày càng phát triển, làm điểm tựa cho các thành viên tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Tổng số hội viên trong ban liên lạc hiện nay là 75 người. Một số đồng chí được tín nhiệm, tiếp tục tham gia công tác xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở, đảm đương tốt trọng trách, được chính quyền, người dân nơi cư trú tin yêu. Đơn cử như anh Nguyễn Ngọc Đức, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Tuy Hòa; anh Lê Quang Hân là Bí thư Chi bộ khu phố Lê Duẩn, phường 7…, cũng có người trở thành doanh nhân, như anh Nguyễn Văn Tư (phường 1, TP Tuy Hòa).

“Được gặp lại đồng chí, đồng đội cũ; được nghe thông tin BĐBP tỉnh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua số 5; nhiều năm liền không có trường hợp ngư dân của Phú Yên khai thác đánh bắt hải sản trái phép, xâm phạm vùng biển của nước ngoài; kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, an ninh trật tự được giữ vững ổn định…, chúng tôi rất vui mừng và tự hào”, đại tá Nguyễn Phú Dũng, nguyên cán bộ Phòng Chính trị BĐBP tỉnh bày tỏ.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường kết nối đồng đội, giữ gìn, vun đắp truyền thống BĐBP, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực phát huy trách nhiệm của cựu quân nhân, sẵn sàng làm chỗ dựa tinh thần, hỗ trợ cho các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của tỉnh.

Đại tá Ninh Công Huân, Trưởng ban Liên lạc truyền thống BĐBP Phú Yên

LẠC HỒNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/349/288568/vun-dap-truyen-thong-bo-doi-bien-phong.html