Vun lại vị thế người thầy
Đọc bài báo Sư phạm hấp dẫn trở lại trên Người Lao Động với những thông tin tích cực về công tác tuyển sinh ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, lòng người bỗng nhen nhóm niềm vui khó tả, với niềm tin vị thế người thầy sẽ được vun lại.
Bởi nhìn vào thực trạng bức tranh nghề giáo ở nước ta trong suốt những năm qua, dư luận không khỏi giật mình khi "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" dần đánh mất vị thế của mình. Bên cạnh sự đổi thay của bức tranh xã hội hiện đại cuốn theo nhiều giá trị thay đổi thì chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận về những mặt trái trong nghề giáo khiến niềm tin của dư luận hao hụt ít nhiều.
Đó là tình trạng tuyển sinh giáo viên theo kiểu "vơ bèo vạt tép", thật khó đòi hỏi người thầy ra trường với tấm bằng cử nhân vừa giỏi năng lực vừa giàu nhiệt huyết! Đó là tình trạng chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhỏ giọt lại thêm những khuất tất, tiêu cực đằng sau câu chuyện "chạy hợp đồng", "chạy biên chế". Đó là tình trạng lương, thưởng eo hẹp khiến nhiều nhà giáo dần đánh mất nhiệt tâm và thả trôi chính mình để hòng tăng thêm thu nhập. Đó là tình trạng "trên đe dưới búa" với áp lực đổ dồn từ các cấp quản lý giáo dục đến phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về thành tích, chất lượng, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ!
Vấn đề chấn hưng nền giáo dục, vun lại vị thế người thầy vẫn luôn là nỗi khắc khoải không nguôi trong lòng người.
May mắn là gần đây những đổi thay về cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng, trọng dụng nhân tài nói chung và ngành giáo nói riêng đã thật sự khơi lên mạch ngầm hòa vào dòng chảy của bầu nhiệt huyết cống hiến, sáng tạo, đổi mới.
Trở lại bài báo của Báo Người Lao Động, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỉ lệ nguyện vọng đăng ký đứng thứ 9, tăng hồ sơ so với các năm trước. Làn gió mới cho ngành sư phạm xuất phát từ tổng hòa các yếu tố: sinh viên sư phạm được miễn học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, được bảo đảm đầu ra sau khi tốt nghiệp, đặc thù công việc ổn định, số lượng đào tạo không nhiều.
Với các chính sách trên, nghề giáo chắc chắn sẽ thu hút người tài. Và một khi nghề giáo đủ sức cạnh tranh với các ngành nghề "hot" khác thì cơ hội níu chân người tài, người giỏi ghé vào giảng đường sư phạm mới có thể hiện hữu. "Lương sư hưng quốc", người thầy giỏi sẽ ươm mầm nhân tài kiến tạo đất nước. Bài học ấy đã được Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… chứng minh từ thực tiễn dựng xây quốc gia khởi nguồn từ nền giáo dục tử tế và chất lượng.
Đã đến lúc phải quyết liệt vun lại vị thế người thầy!
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/vun-lai-vi-the-nguoi-thay-20210606195349701.htm