'Vùng an toàn' ở Syria có an toàn?
Thiết lập một 'Vùng an toàn' nhằm hồi hương hàng triệu người tị nạn Syria là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự mang tên 'Mùa xuân hòa bình' vừa được Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành qua biên giới Syria. Nhưng liệu 'Vùng an toàn' nếu được thiết lập có thực sự an toàn hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Ankara gây nhiều tranh cãi…
Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó bao gồm việc thiết lập một vùng đệm sâu 32km và dài 480km bên trong lãnh thổ Syria ở khu vực biên giới phía Bắc để bảo vệ an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này coi những tay súng người Kurd là mối đe dọa. Ankara cũng muốn dùng vùng đệm này để làm hành lang an toàn giúp tái định cư khoảng một triệu trong tổng số 3,6 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều Ankara mong muốn hơn, đó là mở rộng vùng đệm thêm vài ki-lô-mét vào sâu lãnh thổ Syria.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định việc thành lập “hành lang hòa bình” này là cần thiết đối với an ninh và ổn định cho người dân Syria. Nơi đây có thể đón khoảng 2 triệu người tị nạn Syria đang cư trú ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về quê hương. Nó cũng được kỳ vọng đóng vai trò là một “vùng đệm” ngăn Thổ Nhĩ Kỳ với những bất ổn bên trong Syria.
"Vùng an toàn” có thực sự an toàn cho cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Syria như trông đợi của Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Thiết lập được một khu vực như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ phải sử dụng tới vũ lực để loại bỏ những tay súng thuộc lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đang kiểm soát một khu vực rộng lớn ở biên giới phía Bắc Syria. Lực lượng này luôn nuôi dưỡng tham vọng thành lập một nhà nước riêng, hoặc một khu tự trị. Ankara coi lực lượng này là khủng bố cần phải loại bỏ càng sớm chừng nào tốt chừng ấy để tránh mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Vì vậy, khó có thể tránh được bạo lực căng thẳng tại khu vực này bởi không bên nào chịu từ bỏ tham vọng cũng như ý định tiêu diệt đối phương của mình.
Mục tiêu loại bỏ các tay súng người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dễ mà đạt được, thậm chí Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” có thể khiến căng thẳng sắc tộc leo thang và kéo dài. Người ta lo ngại sẽ xảy ra một cuộc thanh trừng sắc tộc nghiêm trọng khi Ankara muốn tiêu diệt cộng đồng người Kurd ở Syria, cắt nguồn cảm hứng của cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đang nuôi giấc mơ tự trị. Ankara có thể sẽ phải đối phó với cuộc nổi dậy và kháng cự lâu dài của người Kurd. Ước tính có 1,8 triệu người Kurd ở Syria, trong đó một nửa sống ở vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất ở trên. Bên cạnh đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không kiềm chế các hành động của mình ở Syria, rất có thể khiến khoảng 11.000 phần tử IS trong các nhà tù ở Syria hiện nay trốn thoát khi xảy ra hỗn loạn. Không ai có thể bảo đảm “vùng an toàn” sẽ được an toàn, an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tốt hơn, một khi số lượng lớn các phần tử thánh chiến IS tự do ở bên ngoài. Chiến dịch cũng sẽ đẩy hàng trăm nghìn dân thường phải chạy nạn, thậm chí họ có thể phải tràn qua biên giới để sang Thổ Nhĩ Kỳ, kéo theo các gánh nặng tài chính và vấn đề xã hội.
Ankara từng thực hiện những nỗ lực tương tự qua hai Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” năm 2016 và “Cành ô liu” năm 2018, đẩy lùi các tay súng người Kurd ra khỏi một số khu vực quan trọng ở biên giới với Syria và đưa ít nhất 350.000 người Syria hồi hương. Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” lần này có quy mô lớn hơn nhiều. Trong đó không thể không kể tới kế hoạch của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhằm triển khai dự án nhà ở trị giá khoảng 151 tỷ lira (27 tỷ USD) nhằm định cư 1 triệu người tị nạn Syria ở “vùng an toàn” phía Đông Bắc Syria. Dự án xây dựng nằm trong “vùng an toàn” này sẽ bao gồm 140 ngôi làng và 10 thị trấn. Kèm theo đó là hệ thống cơ sở hạ tầng gồm trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu thể thao và 200.000 ngôi nhà. Mỗi thị trấn sẽ có khoảng 6.000 nhà ở, bệnh viện, nhà thờ, trường học và các cơ sở vật chất khác. Các gia đình sống trong những ngôi làng này sẽ có đất nông nghiệp để canh tác.
Kế hoạch này dự kiến hoàn thành trong một năm với chi phí được đánh giá là vượt quá khả năng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đang gia tăng và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Erdogan suy giảm quyền lực sau một loạt thất bại tại nhiều thành phố lớn trong cuộc bầu cử địa phương cuối tháng 3. Việc xây các trại tị nạn dọc “vùng an toàn” cho hàng triệu người Syria hồi hương rất dễ trở thành gánh nặng cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi quốc gia này đang phải thực thi chính sách tài chính “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế và khủng hoảng tiền tệ.
Tổng thống Erdogan đã thông báo về dự án nhà ở nói trên khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sức để thiết lập một “vùng an toàn” và bảo đảm an toàn cho nơi này khi phải một mình mang gánh nặng an ninh và tài chính mà không có sự chia sẻ của đồng minh lớn Washington? Câu trả lời sẽ chưa thể có chừng nào Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” chưa kết thúc.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ đáp trả mọi trừng phạt của Mỹ
Ngày 11-10, Reuters cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng cảnh báo rằng nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến dịch quân sự của Ankara tại vùng Đông Bắc Syria nhằm vào lực lượng người Kurd được Washington hậu thuẫn. Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Mỹ đã đề xuất áp đặt trừng phạt nhằm vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ phản ứng mạnh mẽ đối với hành động quân sự của Ankara. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế do lo ngại sẽ gây thêm bất ổn cũng như làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và vấn đề người di cư trong khu vực.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/vung-an-toan-o-syria-co-an-toan-593299