Vùng biên ấm tình quân dân
Bộ đội về, công việc đầu tiên là đặt ba lô dưới tấm tăng che mưa che nắng, là làm đường, đào mương dẫn nước, đưa cây giống, con giống, tấm lợp đến những nhà nghèo nhất, xây trường học, bệnh xá... Đã có sắc hồng trên đôi má của những thiếu nữ dân tộc trong ngày hội xuống đồng. Nụ cười con trẻ đầy ắp ở đầu bản những buổi tan trường...
Bộ đội về, công việc đầu tiên là đặt ba lô dưới tấm tăng che mưa che nắng, là làm đường, đào mương dẫn nước, đưa cây giống, con giống, tấm lợp đến những nhà nghèo nhất, xây trường học, bệnh xá... Đã có sắc hồng trên đôi má của những thiếu nữ dân tộc trong ngày hội xuống đồng. Nụ cười con trẻ đầy ắp ở đầu bản những buổi tan trường. “Một vùng biên lạnh đang ấm lên”-Chủ tịch huyện Mường Nhé, Giàng A Dình nói thế.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) Mào Văn Đào đưa tôi lội bộ lên thăm công trình thủy lợi ở bản Co Lót. Con đập ngăn nước ở đầu nguồn con suối Huổi Cọ ở độ cao 1.370m. Khởi công con đập này, Nông trường 2 thuộc đoàn kinh tế-quốc phòng Mường Chà phải cử đội tiền trạm cắt rừng lội suối đo đạc khảo sát, tính toán tìm nguồn nước mất đúng 59 ngày. Một năm liên tục bộ đội thay nhau cõng trên lưng những chiếc gùi chứa đầy xi măng, sắt thép, gạch, cát, còn những người đào móng, đôi tay đã bong da 3-4 lần vì thời gian cầm choòng, cầm búa đục đá, đóng kè đào đất, vét bùn để đổ bê tông. Trung tá Lê Đình Đường ngày ấy là đội trưởng đội thi công đập và xây mương dẫn nước nhớ lại: “Mỗi ngày trung bình người khỏe nhất chỉ gùi được 50kg xi măng leo qua 7 con dốc với quãng đường dài 10km mới đến điểm thi công, còn cánh lính làm móng thay nhau làm ba ca. Lán trại làm ngay ở đỉnh giời. Mùa đông lạnh có ngày váng băng đóng trên mặt nước, vất vả nhưng vui vì ngày nào bà con ở các bản Co Lót, bản Nậm San cũng lên góp công, góp sức cùng với bộ đội. Nhiều lần nhà bếp của chúng tôi nhận được đến 10 loại rau, quả do bà con tặng bộ đội”. Công trình thủy lợi hoàn thành tưới cho 33ha lúa nước hai vụ của bản Co Lót, cũng do bộ đội Nông trường 2 cùng bà con bỏ công sức phát lau lách, xẻ đồi, đắp bờ thành ruộng. “Năm nay 80 hộ người Mông ở bản Co Lót mỗi nhà đã có vài mẫu nương và ruộng lúa nước, nhiều nhà được bộ đội giúp tấm lợp nên trong bản đã không còn nhà tạm, nhà dột. Cả bản làm ăn đang đi vào nền nếp”-ông Đào tâm sự. Trên đường đi tôi ghé thăm ngôi nhà sàn ba gian bằng gỗ còn mới nằm ngay con dốc cuối bản. Khu đất vườn trồng toàn giống soài hoa tím và măng bát độ đã bắt đầu cho thu hoạch. Chuồng trâu rộng nằm ở cuối vườn trong đó có 3 con trâu mộng và 4 con bò đang thảnh thơi nhá những bó cỏ non. Đó là nhà của trưởng bản Mùa A Tùng. Nhà anh năm nay cấy hơn 1 mẫu lúa nước, thu hơn 3 tấn thóc, còn ngô đậu để chăn nuôi nhiều lắm, con lợn nái do bộ đội giúp đã đẻ đến lứa thứ hai. 20 con lợn giống, anh giúp bà con trong bản 10 con, còn 10 con mang ra chợ bán. Anh kể: “Bản Co Lót được bộ đội giúp 12 mái nhà, 19 con trâu bò, 10 con lợn nái. Bây giờ số trâu bò, lợn ấy đã gấp nhiều lần lúc ban đầu, nhà tạm của bản đã không còn. Bà con nghe lời bộ đội nên làm gì cũng được nhiều, no cái bụng rồi, vui lắm”.
Từ ngày về “đứng chân” ở 15 xã của ba huyện biên giới: Mường Tè (Lai Châu); Mường Nhé, Mường Chà (Điện Biên), đoàn kinh tế-quốc phòng Mường Chà đã làm 88km đường liên bản, 65km đường liên xã, 7 công trình thủy lợi nhỏ và vừa, đã cấp giống soài hoa tím cho dân trồng trên diện tích 140ha, cấp hàng nghìn con bò giống lai sind và lợn nái; Xây 5 bệnh xá, trường học cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng cao này cùng với dân bản khai hoang phục hóa hàng trăm héc-ta lúa nước. Anh Sùng Nhè Súa, trưởng bản Huổi Chạ nói với tôi: “Ngày trước mình bị ốm phải có 25 người đi cùng để thay nhau cắt rừng, khiêng ra bệnh viện cách bản đến hai ngày đường. May mà còn chữa được không thì mình chẳng còn được nói chuyện với nhà báo đâu. Bây giờ ốm chỉ cần đi bộ ra trạm xá của xã do bộ đội xây tặng là có thuốc chữa ngay, tiện lợi nhiều lắm”.
15 xã vùng cao đoàn kinh tế-quốc phòng cắm 15 đội sản xuất với nhiệm vụ hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác mới, tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, tham gia xây dựng chính quyền, củng cố an ninh chính trị và xóa dần tập tục làm ăn lạc hậu.
Trong nhà văn hóa ở bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn-một bản văn hóa do bộ đội đoàn kinh tế-quốc phòng đầu tư xây dựng giúp bà con, Đại tá đoàn trưởng Trần Duy Quyền giải thích cho tôi nghĩa của chữ Si Pa Phìn: “Si Pa theo tiếng quan hỏa có nghĩa là 18, Phìn là bằng cả khu vực này có tới 18 bãi bằng rộng mênh mông thuận tiện cho phát triển chăn nuôi đại gia súc”. Theo tính toán của các anh: “18 bãi bằng diện tích lên tới gần 100 nghìn héc-ta có thể chăn thả tập trung 20 nghìn con đại gia súc, đấy là nuôi theo kiểu cho ăn cuốn chiếu, nếu đầu tư trồng giống cỏ voi để chăn nuôi thì số đại gia súc có thể tăng lên gấp đôi...”. Ở bản Sân Bay đã có 55 hộ có vườn trồng các loại cây ăn quả cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Tôi đến nhà ông Giàng A Cồng ở giữa bản, vườn măng nhà ông đã cho thu hoạch lứa thứ hai, con bò giống bộ đội giúp đã để đến lứa thứ ba. Năm nay ông đầu tư làm khu chuồng bò, chuồng nuôi lợn cách xa nhà ở đến vài trăm mét. Ông rất vui: “Cả bản này đang xóa dần cách làm ăn cũ, làm theo bộ đội được nhiều thứ lắm. Ngô, lúa nhiều, lợn bò nhiều, ti-vi, xe máy nhiều... nhưng có một thứ ít đi đó là bệnh tật”, nói xong ông cười lý giải: “Nhiều lúa, nhiều thịt, ăn no, có trạm xá bộ đội chữa bệnh, có nước sạch dùng, bệnh tật ít đi là đúng với cái bụng của dân Mông mình đấy”.
Để bà con các bản xa được xem vô tuyến, nghe đài đoàn đã thành lập 5 cụm văn hóa tập trung có máy nổ, ăng-ten pa-ra-bôn, ti-vi và trạm truyền thanh. Mỗi tối bà con trong khu vực được xem vô tuyến, nghe đài (từ 7 giờ đến 22 giờ). Mỗi tháng các cụm nhận được cơ số xăng đủ để chạy máy phát điện phục vụ bà con. Đại tá, đoàn phó Phạm Mạnh Hùng kể với tôi câu chuyện thú vị: “Cách đây một tháng tôi đi cùng xe chở xăng dầu cấp phát cho các cụm. Đến xã Nà Hỳ đang cấp xăng thì bà con kéo đến rất đông kiến nghị với tôi: “Cán bộ cho cụm mình nhiều xăng, nhiều dầu để mình thường xuyên được thấy Đảng, thấy Nhà nước trên ti-vi. Bà con biết nhiều hơn cái tốt ở trên đài để làm theo”.
Mùa này trên cao nguyên Si Pa Phìn đang vào mùa khô, những cảnh đốt rừng làm nương rẫy từ Na-khô-sa đến Na Pheo tạo ra bức tường lửa, cao nguyên lửa, kéo dài đến 2 tháng như trước đã không còn. Cũng không còn những ngôi nhà hoang vắng chủ của người Mông bỏ đất di cư tự do đi tìm vùng đất mới. Nhà người Mông, người Thái, người Khơ-mú ở Chung Chải, Sín Thầu đã có nhiều thóc, nhiều ngô, nhiều bò, nhiều ngựa, ở vùng biên đang hình thành các chợ để tiêu thụ hàng nông sản do bà con làm ra. Cửa khẩu A Pa Chải, xã Sín Thầu đang được Nhà nước đầu tư xây dựng; dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu với kinh phí lên tới 350 tỷ đồng đang được xúc tiến để hàng hóa do bà con sản xuất ra được xuất khẩu sang huyện Giang Thành và các huyện khác của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Rừng ở vùng biên Tây Bắc đang xanh lại, đời sống của bà con ở vùng cao đang được cải thiện từng ngày. Cảnh đứt bữa đã được xóa bỏ. Trong sự vất vả, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ đoàn kinh tế-quốc phòng Mường Chà hằng ngày đổ mồ hôi, công sức, ở vùng biên giới Tây Bắc đang mang lại kết quả tốt đẹp. Một vùng biên lạnh đang ấm lên tình cảm quân dân, thế trận “Quốc phòng toàn dân, quốc phòng nhân dân” đang được vun đắp xây dựng ngày càng vững chắc.
Bài, ảnh: VŨ ĐẠT
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/vung-bien-am-tinh-quan-dan-435655