Vững bước quan hệ ASEAN - Nhật Bản
Giới chuyên gia chính trị châu Á cùng chung đánh giá, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản có sự tương đồng về lợi ích và ảnh hưởng. Đây chính là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn, thực tế đã cùng phát triển và mở rộng hợp tác vượt mọi thách thức sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ.
Chìa khóa để quản lý các vấn đề phức tạp
Bình luận về quan hệ ASEAN - Nhật Bản, giới chuyên gia chính trị châu Á cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và phức tạp hiện nay, nền tảng quan hệ giữa hai bên với bề dày hơn 50 năm sẽ là một thế mạnh vô cùng lớn. Trên thực tế, trong hơn nửa thế kỷ qua, thế giới cũng như khu vực đã nhiều lần trải qua những thăng trầm, song mối quan hệ không ngừng phát triển là một minh chứng cụ thể tạo ra niềm tin vững chắc về việc ASEAN và Nhật Bản sẽ phát huy những giá trị đúc kết được để tiếp tục vượt mọi trở ngại.
Tuy nhiên, thực tế thế giới biến động và đa tầng đang tạo ra những trung tâm quyền lực mới có những mức độ tương tác ngày càng phức tạp. Điều này đặt ra nhiều thách thức với tiến trình phát triển của mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, thậm chí là có những khó khăn chưa từng có tiền lệ cho ASEAN. Khó khăn, thách thức càng lớn đòi hỏi các bên càng cần hợp tác dựa trên việc tăng cường nhận thức và nhạy cảm chiến lược để chung sức giải quyết. Đồng thời, mối quan hệ cũng phải mang tính cốt lõi để đối phó với thế lưỡng nan chiến lược. Các bên cũng cần hiện thực hóa các sáng kiến ngoại giao liên tục và khéo léo giúp cân bằng xung đột lợi ích, tránh phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ cường quốc nào, bảo toàn vai trò trung tâm và tự chủ chiến lược.
Giới chuyên gia cùng chung lời khẳng định, “chìa khóa” để quản lý tốt các vấn đề phức tạp của thời cuộc hiện nay là thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin và tập trung vào các lợi ích chung. Việc đảm bảo tốt những yếu tố này sẽ nuôi dưỡng quan hệ hợp tác bền chặt. Theo đó, ASEAN và Nhật Bản cần giải quyết các thách thức như xung đột quyền lực khu vực, tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh kinh tế và căng thẳng lịch sử.
Nhìn ở góc độ khác, việc Nhật Bản tham gia cấu trúc an ninh tiểu đa phương như Nhóm Bộ tứ (Quad) có thể không phù hợp với lợi ích ASEAN. Song cam kết của Nhật Bản khi tích cực tham gia diễn đàn đa phương trong khuôn khổ ASEAN như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+ và Diễn đàn Biển ASEAN sẽ tạo nên dư địa hợp tác sâu sắc hơn với ASEAN.
Tăng cường sức mạnh toàn diện
Nhìn nhận về những nền tảng có vai trò quan trọng trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản, giới chuyên gia cho rằng, kinh tế và văn hóa là hai trong những ưu tiên hàng đầu về hợp tác giữa hai bên. Xét về kinh tế, Nhật Bản lâu nay là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính. Ước tính năm 2022, dòng vốn FDI lên tới khoảng 20 tỷ USD và thương mại song phương đạt 240,2 tỷ USD. Các nước ASEAN chiếm tới 30% tổng số công ty con ở nước ngoài của Nhật Bản.
Hiện nay, quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đã và đang tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại, tiếp cận thị trường và hội nhập kinh tế. Cùng với đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng như đối tác vì cơ sở hạ tầng chất lượng cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản, góp phần thực hiện mục tiêu kết nối của ASEAN.
Tiếp bước tương lai từ bề dày thành tựu hiện có, ASEAN và Nhật Bản có thể tập trung củng cố kết nối và số hóa, thúc đẩy thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt, giới chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đang có sự ủng hộ liên tục đối với ASEAN, điều này góp phần bảo đảm tăng trưởng toàn diện và thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN. Mặt khác, Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN thành lập từ năm 2006 và cơ chế hợp tác Nhật Bản - Mekong thành lập năm 2008 có vai trò vô cùng quan trọng đảm bảo những kỳ vọng về tăng trưởng toàn diện và thu hẹp khoảng cách.
Cũng theo giới chuyên gia, việc làm sâu sắc hơn nữa trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân với các chương trình giáo dục và du lịch sẽ thắt chặt hơn nữa sự thấu hiểu lẫn nhau và tình hữu nghị ASEAN - Nhật Bản. Đồng thời, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục và cung cấp học bổng sinh viên từ cả Nhật Bản và các nước ASEAN đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Bên cạnh đó, hợp tác an ninh cũng là một “mũi nhọn” cần được ASEAN và Nhật Bản tăng cường. Từ thực tế cho thấy, quan hệ ASEAN - Nhật Bản còn nhiều dư địa hợp tác về khía cạnh an ninh. Điển hình như việc chia sẻ tin tức tình báo, chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh tạo ra cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, cũng như củng cố an ninh biên giới, đóng góp vào hòa bình và ổn định tại khu vực. Nhằm tăng cường hợp tác trên khía cạnh này, từ năm 2014, Nhật Bản và ASEAN thông qua Tuyên bố chung về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Từ đó, hợp tác an ninh ASEAN - Nhật Bản sẽ càng cần phải được thắt chặt trong thời gian tới.
Trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản, hợp tác hàng hải là một yếu tố không chỉ quan trọng với hai bên mà còn với toàn khu vực. Thậm chí, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải là lĩnh vực hợp tác đáng chú ý trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Xuyên suốt thời gian qua, Nhật Bản luôn cho thấy sự ủng hộ tích cực đối với các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường năng lực hàng hải, đồng thời hỗ trợ trong các lĩnh vực như: Nhận thức hàng hải; xây dựng năng lực hàng hải; tập trận chung cùng các trang thiết bị...
Với điều kiện địa lý đặc thù, Nhật Bản và một số quốc gia thành viên ASEAN thường xuyên hứng chịu thiệt hại từ thiên tai. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác trong ứng phó và phục hồi thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, cảnh báo thiên tai sớm và tái thiết hậu thảm họa. Đây chính là “kho tàng” quan trọng mà Nhật Bản có thể chia sẻ nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng năng lực giảm thiểu tác động từ thiên tai. Điều này không chỉ mang tính nhân văn cao cả khi giúp cứu sống nhiều người, mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác, tình đoàn kết khu vực trong lúc khủng hoảng.
Giới chuyên gia cùng chung khẳng định, những đường hướng này sẽ giúp ASEAN và Nhật Bản thiết lập những nguồn sức mạnh mang tính cốt lõi, tạo ra những giá trị chung từ hợp tác. Từ đó, hai bên sẽ tăng cường hiệu nghiệm sức mạnh chung để cùng vượt qua các thách thức của thời cuộc. Hơn hết, hiện thực hóa các mục tiêu, vượt qua mọi trở ngại, ASEAN và Nhật Bản sẽ minh chứng rõ nét cho những niềm kỳ vọng về chặng đường nối tiếp nửa thế kỷ hợp tác cùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-buoc-quan-he-asean-nhat-ban-post467202.html