Vùng cao không xa

PTĐT - Sau hơn 10 năm trở lại bản Sinh Tàn (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn) với đường bê tông mở rộng thoải mái cho hai xe ô tô tránh nhau, sáng ở thành phố, nửa buổi đã ngồi hàn huyên với già làng người Dao...

Điện lưới Quốc gia đã về đến trung tâm bản Sinh Tàn.

Điện lưới Quốc gia đã về đến trung tâm bản Sinh Tàn.

PTĐT - Sau hơn 10 năm trở lại bản Sinh Tàn (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn) với đường bê tông mở rộng thoải mái cho hai xe ô tô tránh nhau, sáng ở thành phố, nửa buổi đã ngồi hàn huyên với già làng người Dao bên bếp lửa cận kề với căn nhà hai tầng khang trang trị giá gần tỷ đồng vừa mới khánh thành. Từng hàng cột điện lừng lững vượt tán cây rừng đưa điện lưới quốc gia về bản. Đổi thay tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây cộng hưởng cùng sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đáng mừng nơi thâm sơn cùng cốc...

Hơi ấm ngày đông!
Mấy tháng nay, kể từ ngày cán bộ về thông báo, đơn vị thi công đào mố cột đầu tiên, câu chuyện điện lưới quốc gia luôn là “chủ đề nóng” được dân bản bàn tán thường xuyên từ lúc lên đồi vỡ đất đến đêm muộn quây quần bên bếp lửa. Bao năm chịu cảnh đèn dầu, quạt lá, nhà khá giả lắp cục phát điện chạy bằng sức nước suối công suất đã thấp dùng đèn chiếu sáng thì phải tắt quạt máy lại phập phù lúc có lúc mất, nay được Nhà nước đầu tư điện lưới đến từng nhà, bà con phấn khởi ra mặt. Những hộ có điều kiện kinh tế bàn tính việc thiết kế đường dây điện ngầm cho căn nhà sắp xây, mua sắm tủ lạnh, ti vi, quạt máy mới. Nhà khó khăn hơn cũng phấn chấn ra trung tâm xã tìm hiểu giá bán bóng đèn, nồi cơm điện... Trong hơn 300 nhân khẩu của 73 gia đình dân tộc Dao thuộc bản Sinh Tàn, hiện giờ ông Đặng Văn Chăn có lẽ là người được vị nể nhất. Không chỉ do ông tuổi cao, thân sinh của Bí thư Chi bộ Đặng Thế Mão đồng thời là nhạc phụ Trưởng khu hành chính Đặng Văn Nội mà cái chính là từ phong cách sống gương mẫu, chất phác cùng đức tính cần mẫn, lam lũ bỏ công sức trồng, chăm sóc rừng suốt mấy chục năm nay để giờ tiết kiệm được số vốn gần một tỷ đồng xây cơ ngơi khang trang nhất bản. Vẫn bộ quần áo lao động đã sờn, con dao đi rừng đeo ngang hông, bàn chân chai sần, nứt nẻ do giá rét trong đôi dép nhựa xỉn đen bùn đất nhưng nét mặt khắc khổ của ông Chăn dường như đã vợi bớt nhiều với những tiếng cười sảng khoái, ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Không riêng nhà mình đâu, bản giờ nhiều nhà xây to đẹp lắm. Từ cả bản thuộc hộ nghèo hơn chục năm trước, giờ Sinh Tàn còn có 14 gia đình nghèo thôi. Có đường, cây gỗ, củ khoai tầng, củ sắn trồng được đến con gà, con lợn bán cũng có giá hơn. Giờ lại sắp có điện, cuộc sống của bà con đã khá hơn nhiều. Cuộc sống không còn đói nghèo, trẻ nhỏ cũng được quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Bản đã có người tốt nghiệp THPT, ra thành phố học nghề, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi... ”.Cùng với niềm vui sắp được sử dụng điện lưới Quốc gia, các cô giáo ở khu lẻ tiểu học, mầm non của bản còn có thêm niềm vui thiết thực nữa trước thềm xuân mới. Hai tháng trước, đoàn công tác của lãnh đạo huyện Thanh Sơn lên bản, vào thăm điểm trường, chứng kiến cảnh sinh hoạt thiếu thốn, bất tiện của các cô giáo, Công an huyện đã quyết định tặng các cô hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời. Chỉ tay vào chiếc hộp giấy vuông vắn để sát góc tường, cô giáo Hà Thị Bình (giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3-4) chia sẻ: “Chiếc máy lọc nước này do Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) tặng từ năm trước, mấy hôm nữa đóng điện chúng tôi sẽ được sử dụng. Nhà lớp học được xây khang trang kiên cố, nay có thêm hệ thống nước nóng, chị em chúng tôi thuận tiện hơn nhiều trong sinh hoạt lúc tiết trời đông giá lạnh...”.Đang đợt rét đậm rét hại đầu mùa, đất trời Sinh Tàn càng buốt giá với gió núi, mưa phùn. Phía đầu hồi lớp học, cô giáo Đặng Thị Hà (giáo viên lớp mầm non 5 tuổi) đang cặm cụi chụm mấy gộc cây nhen lửa đốt để học sinh giờ nghỉ hơ tay, sưởi ấm. Nhìn các cháu nhỏ người Dao xúng xính trong áo ấm, hai má đỏ hồng vây quanh cô giáo bên bếp lửa, nghĩ lại những chuyện vui mà ông Đặng Văn Chăn và các cô giáo vừa chia sẻ, tôi chợt thấy cảm giác ấm áp, phấn chấn lan tỏa, dâng trào. Thế mới biết không những thu gần khoảng cách, giá lạnh khó nhọc mùa đông, vùng cao cũng đang vơi bớt từ hơi ấm của tình cảm, khát vọng cùng nỗ lực vượt khó xây dựng cuộc sống mới của người dân nơi đây...

Diện mạo nông thôn Thượng Cửu ngày càng khởi sắc.

Diện mạo nông thôn Thượng Cửu ngày càng khởi sắc.

Mẫu số chung thoát nghèo!Dăm năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Thượng Cửu đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn hẳn nhiều địa phương khác trong vùng. Đổi thay đáng mừng này được Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Dũng bộc bạch qua từng con số thống kê cụ thể: Từ 70% hộ nghèo hơn chục năm trước, đến nay, xã chỉ còn 131 hộ, chiếm 15,98%, riêng trong năm 2020, 32 gia đình trong xã đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tới gần 64% trong cơ cấu kinh tế nhưng tư duy, phương thức canh tác của người dân đã ngày càng có những đổi thay tích cực. Diện tích tự nhiên hơn 7.200ha của xã chủ yếu là đất lâm nghiệp. Nhiều năm trước, các thế hệ người dân Thượng Cửu chủ yếu sống dựa vào các sản vật khai thác từ rừng. Theo năm tháng, đất trống đồi trọc cứ ngày một tăng lên đồng nghĩa với diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp dần mà thiếu đói vẫn quẩn quanh, ám ảnh cuộc sống từng gia đình. Đất rừng sản xuất được quy chủ, nghe cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, vận động và trực tiếp chứng kiến nguồn lợi từ kinh tế rừng, người dân trong xã đã chủ động thực hiện nghiêm quy định bảo vệ rừng tự nhiên đầu nguồn, tập trung đầu tư trồng, chăm sóc rừng sản xuất. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả từ canh tác rừng trồng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm vừa qua, toàn xã trồng mới 110,4ha rừng tập trung và 15 nghìn cây phân tán. Trong đó, người dân tự đầu tư trồng mới 74,6ha. UBND xã đã vận động nhân dân chuyển đổi trên 85% diện tích trồng cây bồ đề kém hiệu quả do sâu bệnh sang trồng keo, trẩu, 2.733,7ha rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt. Hơn 800 hộ dân với gần 3.500 nhân khẩu mà Thượng Cửu có chưa đầy 100ha diện tích trồng lúa nước, nên để đảm bảo an ninh lương thực, người dân buộc phải chủ động tiếp cận phương thức canh tác hiện đại, sử dụng giống lúa lai năng suất cao và tăng cường thâm canh tăng vụ. Cùng với đó, người dân trong xã đã tận dụng các diện tích đồng bãi, đồi rừng để canh tác gần 40ha ngô, hơn 100ha sắn, 8ha cỏ VA06... đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản ngày càng tăng trưởng ổn định... Mấy năm gần đây, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đã có những tín hiệu vui với việc một số gia đình mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất ván bóc và máy ép gạch xi măng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương. Diện mạo kinh tế-xã hội đã có những chuyển biến đáng mừng, thu nhập bình quân của người dân đã được nâng lên 21 triệu đồng/năm. Đây là minh chứng thể hiện quyết tâm, nỗ lực vượt khó thoát nghèo của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thượng Cửu thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, Thượng Cửu giờ vẫn nằm trong tốp đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong tỉnh, tốp cuối các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 9/19 tiêu chí theo quy định. Năm nay, xã phấn đấu xây dựng khu Tu Chạn đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí đều đạt nhưng riêng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, không đủ tiêu chuẩn nên mục tiêu này đành gác lại đến năm sau. Bài học từ thành tích phát triển kinh tế- xã hội những năm qua của xã đã chứng minh chân lý khách quan: Mẫu số chung cho giải pháp vượt khó, thoát nghèo vẫn là tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hộ dân, cộng hưởng với đó là tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước. Chỉ khi nào các yếu tố này cùng hiện hữu, hợp nhất, phát huy hiệu quả thì vùng đất khó Thượng Cửu mới thực sự vươn mình trù phú. Và cũng chỉ khi ấy, vùng cao mới không còn xa.

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202012/vung-cao-khong-xa-174586