Vùng cao Thái Nguyên giảm nghèo nhanh nhờ hỗ trợ sinh kế

Đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 100% xã thuộc 3 thành phố và 5 huyện đạt chuẩn NTM. Tại huyện vùng cao Võ Nhai, còn 5 xã đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, sớm hoàn thành các tiêu chí NTM trong những năm tới. Trong năm, huyện đã dành hơn 9 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao, nhiều địa phương còn khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; còn tồn tại hủ tục lạc hậu tảo hôn, tục ma chay cưới xin, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; lề lối, tác phong, tập quán canh tác của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế về địa hình để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại trong khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, khiến triển khai chương trình giảm nghèo trên địa bàn gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các giải pháp thực hiện giảm nghèo đa chiều và thu nhập trên địa bàn toàn huyện đã mang lại những kết quả quan trọng.

Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, năm 2022 trên địa bàn huyện còn 2.897 hộ nghèo (chiếm 16,28%). Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch triển khai hằng năm. Trong đó, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình trong 3 năm 2022, 2023 và 2024 là trên 19 tỷ đồng.

Trong 3 năm qua, huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (dự kiến đến hết năm 2024 xây dựng được tổng số 21 mô hình); hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn kinh phí hợp pháp…

 Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Ông La Bảo Thành, Phó Trưởng phòng Phòng LĐ, TB và XH Võ Nhai thông tin, hàng năm đơn vị phối hợp các ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo nâng cao ý thức tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Anh Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá chia sẻ, xóm có 204 hộ, số hộ nghèo gần 50 hộ, cận nghèo 70 hộ, đầu năm 2024 được xã thông báo hỗ trợ 8 con trâu nái sinh sản. Để khách quan công bằng, xóm đã họp các hộ dân, tổ chức cho các hộ nghèo bắt thăm, ưu tiên các hộ nghèo. Sau đó huyện cũng đưa các hộ được hỗ trợ đến tận các trang trại, các địa điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn con giống cho gia đình mình. Từ đó, đảm bảo khách quan khâu chọn con giống và để phù hợp với quá trình nuôi của từng gia đình. Trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vaccine phòng bệnh, các hộ còn được tập huấn 2 buổi về chăn nuôi và thú y. Đến cuối năm, một số trâu mẹ đã đẻ ra những con nghé khỏe mạnh, bà con rất phấn khởi vì thấy rõ hiệu quả kinh tế nên đã có thêm nhiều hộ đăng ký được hỗ trợ.

Vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với huyện Võ Nhai tổ chức chương trình trao 10 con bò bò giống sinh sản cho hộ nghèo xã Vũ Chấn, mỗi con trị giá 15 triệu đồng, số tiền trên được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Các hộ gia đình nhận nuôi bò đã ký bản cam kết không bán, tặng cho người khác; thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, huyện đã cử cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ đối với các hộ nuôi, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như cách chăm sóc trâu khi giao mùa… Đồng thời, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Việc làm này đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2024, UBND huyện Võ Nhai đã giao vốn đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên 3,6 tỷ đồng cho 08 xã thực hiện, đồng thời phân bổ gần 3 tỷ đồng để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng 03 xã đặc biệt khó khăn: Thần Xa, Thượng Nung, Nghinh Tường. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã này giảm nhanh, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến tính đến cuối năm còn 8,48%, góp phần đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn NTM.

Bài và ảnh: Thành Đồng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vung-cao-thai-nguyen-giam-ngheo-nhanh-nho-ho-tro-sinh-ke-post398466.html