Vững chắc và cố chấp (*)
Lập trường chắc chắn và tư tưởng cố chấp, hai điều đó khác nhau, nhưng có người nhầm lẫn cố chấp với chắc chắn. Vì nhầm lẫn ấy, mà tưởng chỉ có ý kiến mình là 'đúng', ý kiến của người khác là 'sai'. Khi bàn bạc việc gì, dù sai hay là đúng, cũng cứ khư khư giữ lấy ý kiến của mình, tưởng như thế là 'lập trường chắc chắn', 'có tính nguyên tắc'. Thế là cố chấp.
ĐINH NINH LỜI BÁC DẶN
Thế nào là lập trường vững chắc?
- Tức là đứng hẳn về lập trường giai cấp công nhân. Không có chút tự tư tự lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Lý luận phải chăng, đều do công tác thực tế thử thách. Việc đúng là đúng, chứ không phải cứ tự cho mình là đúng. Khiêm tốn, cẩn thận, chứ không phải hàm hồ, khinh người. Người khác đúng, thì mình thật thà hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Người khác sai, thì mình chịu khó lắng nghe, bền lòng giải thích. Dù sai lầm của mình rất nhỏ, cũng mạnh dạn thừa nhận, kiên quyết sửa chữa. Dù ý kiến của người khác chỉ đúng một chút, mình cũng phê phán chỗ sai, hoan nghênh chỗ đúng.
Ai mà tư tưởng cố chấp, chắc chắn là người chủ quan. Chỉ nghe, chỉ hiểu một chút, hoặc chỉ có chút kinh nghiệm, rồi cứ lắp nguyên văn ấy vào tất cả mọi việc một cách máy móc. Kết quả là đầu óc cứng đờ, không biết biến hóa, trái ngược với thái độ của giai cấp công nhân, trái hẳn với khoa học cách mạng.
Vì vậy, chúng ta phải học tập và rèn luyện, làm cho lập trường vững chắc; và phải chống tư tưởng và thái độ cố chấp, chủ quan.
() Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân, số 165, từ ngày 11 đến ngày 15-2-1954.