Vững chãi Trường Sa - Bài 3: Âu tàu làm giàu huyện đảo
Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 được Bộ Chính trị ban hành, vì tính chất đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cần làm càng sớm càng tốt.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngay sau quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây; tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, ổn định cuộc sống lâu dài trên huyện đảo, theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tinh thần Trường Sa là "nói đi đôi với làm"
Làm tốt mọi việc theo tinh thần của Nghị quyết phải được bắt đầu ngay từ những việc làm thiết thực nhất. Những âu tàu, cầu cảng dành cho các tàu trọng tải lớn; khu xưởng kỹ thuật sửa chữa các loại tàu; Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, hậu cần - kỹ thuật… ở đảo Song Tử Tây, ở đảo Sinh Tồn… và nhiều nơi khác nữa đã chứng minh sức sống Trường Sa, tinh thần Trường Sa. Để có thành quả ấy, không ít cán bộ, công nhân trải qua biết bao gian khổ, luôn đặt tinh thần phục vụ nhân dân lên trên hết, thực sự trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển làm giàu.
Giữa buổi trưa nắng chói chang, cánh phóng viên chúng tôi nhận được tin có một tàu cá của ngư dân thuộc tỉnh Bình Định vào âu tàu Sinh Tồn neo đậu tránh gió, xin sửa chữa vòng bi bánh lái. Ông Nguyễn Ai, chủ tàu đánh cá BĐ97282 tươi cười từ thuyền bước thẳng lên Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, thuộc Hải đoàn 129, gặp Chỉ huy trưởng Trung tâm, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng. Nhìn những bước đi quen thuộc, thẳng vào nhà chỉ huy, nghe cách ông Ai nói cười, chào hỏi các đồng chí trong Trung tâm là biết ông Ai và con tàu của ông đã từng ra vào âu tàu ở đảo Sinh Tồn nhiều lần.
Chỉ huy Trung tâm Nguyễn Trần Đăng đon đả chào hỏi chủ tàu Nguyễn Ai, rồi họ đi thẳng câu chuyện. Ông Ai muốn thợ kỹ thuật tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn kiểm tra và sửa chữa vòng bi ở bộ phận bánh lái. Chỉ huy Nguyễn Trần Đăng hỏi ông Ai xem có cần thêm hỗ trợ gì về nước ngọt, lương thực, thực phẩm, đá lạnh, rau xanh hay không? Nhưng ông Ai nói không cần gì thêm, tàu cũng mới đi biển hai tuần, nên mọi thứ còn đủ.
Trao đổi xong vấn đề kỹ thuật, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng hỏi ông Ai về hành trình tàu đã đi qua; lưu ý ông Ai tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về các khu vực vùng biển được phép đánh cá, tránh những vi phạm về IUU. Giải thích cho ông Ai rõ thêm về các quy định, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng thay mặt cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế cho chủ tàu Nguyễn Ai, nhắc nhở ông trong thời gian ở âu tàu tránh gió và chờ sửa chữa kỹ thuật phải tuân thủ tuyệt đối kỷ luật khu vực đảo Sinh Tồn, đó là không được uống rượu, không xả thải sai quy định làm ảnh hưởng môi trường, ngủ nghỉ đúng giờ quy định. Ông Ai tươi cười hóm hỉnh nói: Tuân lệnh!
Ra sân trước của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, ông Ai chia sẻ thêm một số thông tin với chúng tôi: Mỗi khi đã vào tới các âu tàu, anh em trên tàu rất ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan; tuân thủ nghiêm các quy định của bộ đội Hải quân, không làm ảnh hưởng tới cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ông Ai cho biết, nhờ có các âu tàu, ngư dân trụ lại trên biển lâu hơn, tăng cơ hội đánh bắt hải sản thành công, không lo thiếu dầu, lương thực, rau xanh hay nước ngọt… Có âu tàu, còn bớt âu lo khi bão về, biển động. Rồi ông kể về những chuyến đi đánh bắt hải sản, những lần được bộ đội Hải quân tận tình cứu hộ tàu, cứu giúp thành viên thủy thủ đoàn khi bị bệnh.
Ông Ai nhớ lại, lần gần đây nhất, vào tháng 10-2023, một thuyền viên trên tàu bị thương ở chân, vết thương khiến thuyền viên này không thể đi lại, có biến chuyển xấu. Tàu của ông đã tạm dừng việc đánh cá, vào âu tàu Sinh Tồn và đưa thuyền viên lên chữa bệnh ở trạm xá của đảo. Được các bác sĩ chữa trị, tiêm thuốc và nghỉ ngơi, sau 3 ngày, vết thương của thuyền viên đã lành. Tàu tiếp tục chuyến đánh bắt.
“Giờ đây, không chỉ tàu của tôi, rất nhiều tàu cá khác đã yên tâm khi đánh bắt xa bờ, đặc biệt ở các ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa. Nếu như trước kia chúng tôi chỉ neo ở các bãi cạn, không có trang thiết bị hỗ trợ an toàn, thì nay, với nhiều âu tàu tiện nghi, có các trung tâm dịch vụ, sửa chữa, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, giúp chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày. Tỷ lệ rủi ro trong mỗi chuyến đi vì thế cũng giảm xuống. Có các âu tàu và các trung tâm dịch vụ trên biển giúp chúng trụ lại trên biển lâu hơn, đánh bắt được nhiều hải sản hơn, vì thế cuộc sống cũng bớt vất vả hơn”, ông Nguyễn Ai tâm sự.
Làm dịch vụ trên tinh thần phục vụ
Chia sẻ về tầm quan trọng của các Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đoàn 129 nói riêng, những người làm nhiệm vụ tại các âu tàu và các Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật ở những đảo khác, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng cho biết: Với tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn trong những năm qua đã tận tình phục vụ ngư dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Từ việc bình thường nhất là cung cấp đá ướp lạnh, nước ngọt, chia sẻ lương thực, thực phẩm, tặng rau cho bà con… cho tới việc sửa chữa kỹ thuật, tư vấn pháp luật, rồi cả những khi sóng gió, bão biển đi cứu hộ, lai dắt tàu… tất cả đều được cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn làm với tinh thần vì nhân dân.
Giới thiệu về âu tàu và Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Đảo Sinh Tồn, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng cho biết, Trung tâm này và các Trung tâm khác thuộc huyện đảo Trường sa là nơi cung cấp mọi dịch vụ cho các tàu đang đánh bắt xa bờ, hỗ trợ tối đa ngư dân bám biển, vừa khai thác nguồn thủy sản dồi dào tại vùng biển phía nam, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Âu tàu của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn rộng hơn 5 héc-ta. Đây vừa là nơi neo đậu của tàu thuyền của ngư dân vào trú, tránh bão, đồng thời cũng là nơi tàu, thuyền của ngư dân gặp sự cố cần sửa chữa hoặc tiếp thêm nhiên liệu, nước sạch, đá lạnh… Số tàu được Trung tâm hỗ trợ tăng lên theo từng năm.
Tại trạm tiếp nhiên liệu cho ngư dân thuộc đảo Sinh Tồn, thay vì việc phải quay về đất liền để tiếp thêm nhiên liệu vừa mất thời gian, vừa mất thêm chi phí, thì ngay tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, việc tiếp nhiên liệu cho các tàu thuyền được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, giá cả như đất liền. Ở Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, cán bộ, nhân viên không chỉ tiến hành các sửa chữa nhỏ, mà những hạng mục lớn cần phải đưa tàu lên khỏi mặt nước, vốn chỉ thực hiện được trong đất liền thì giờ đây nhiều âu tàu trên quần đảo đã có thể làm chủ công nghệ sửa chữa phức tạp, giảm thiệt hại đáng kể cho các tàu, tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Bên cạnh việc sửa chữa, nhiều âu tàu đang hướng tới việc xây dựng các dây chuyền sơ chế và tạo dựng một hệ thống thu mua hải sản ngay trên biển theo tiêu chí cao để xuất khẩu. Tới đây, khi hệ thống thu mua, sơ chế hải sản của các âu tàu đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Đây là hoạt động vô cùng thiết thực giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển, thực sự đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Như minh họa cho những điều vừa nói, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng liệt kê cho chúng tôi một loạt số liệu của năm 2023, như việc Trung tâm đã tiếp nhận 70 lượt tàu cá/983 lượt lao động vào âu tàu tránh gió và xin hỗ trợ các dịch vụ; cung cấp có tính phí (bằng với giá đất liền) 15.000 lít dầu DO, cấp miễn phí 90.000 lít nước ngọt; khắc phục sửa chữa thành công 7 tàu cá để ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt; hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn 4 lượt tàu cá; hướng dẫn 42 lượt ngư dân/10 tàu cá tới Bệnh xá của đảo Sinh Tồn khám, chữa bệnh; hướng dẫn 5 bệnh nhân/3 lượt tàu cá lên Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu; tặng 49 lá cờ Tổ quốc/44 lượt tàu cá; tặng 75 áo phao cá nhân/15 lượt tàu cá; 15 thùng mì tôm/12 lượt tàu cá; 125kg gạo/5 lượt tàu cá; hỗ trợ 460kg rau xanh, củ quả các loại/60 lượt tàu cá, 15kg thịt lợn/4 lượt tàu cá… Phối hợp tốt với các bộ phận trên đảo Sinh Tồn trong công tác tiếp nhận tàu cá, kiểm tra tàu cá theo đúng trình tự thủ tục, thực hiện nghiêm các quy trình phòng, chống dịch bệnh, không để các đối tượng lợi dụng tàu cá ngư dân thực hiện các hành vi mất an ninh, an toàn, trinh sát, làm ảnh hưởng đến hoạt động của đảo.
Dẫn các số liệu của một âu tàu vào loại “bình bình” như vậy để thấy, những gì chúng ta đã làm được đã và đang góp phần giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, thực hiện quyền làm chủ chính đáng, làm giàu chính đáng trên vùng biển, đảo của Tổ quốc; góp phần tích cực cùng các lực lượng khác giữ vững bình yên nơi quần đảo tiền tiêu.
Nhận xét về bước phát triển vượt bậc này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Để Nghị quyết sớm trở thành hiện thực, đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của huyện đảo Trường Sa, thu hút thêm các nguồn lực tới Trường Sa, theo ông Nguyễn Tấn Tuân, hiện tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các chính sách thiết thực liên quan trực tiếp đến việc phát triển huyện đảo Trường Sa, như: Miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với nhà đầu tư trong nước có dự án nuôi trồng thủy sản; thành lập Quỹ phát triển nghề cá Khánh Hòa, với mục tiêu bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, không chỉ ngư dân tỉnh Khánh Hòa mà còn ngư dân của các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước; đồng thời đầu tư các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện đảo Trường Sa.
Ghi chép của NGUYỄN HÒA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.