Vùng chè Tân Cương: Hướng tới trở thành điểm đến hấp dẫn

Tân Cương – vùng chè nổi tiếng hiện đang chuyển mình mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút du khách của tỉnh Thái Nguyên.

Tân Cương là một xã nông nghiệp miền núi, nằm cách trung tâm TP. Thái Nguyên 11km về phía tây, với diện tích 14,7km2 gồm 1.456 hộ với 5.533 khẩu. Xã Tân Cương là một trong những địa phương đầu tiên của TP. Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Với lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây chè, cho ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng.

Vùng chè Tân Cương là thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên

Vùng chè Tân Cương là thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên

Ông Phạm Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND xã Tân Cương - cho biết, từ khi nhận quyết định xã đạt chuẩn NTM, cuộc sống của bà con đổi thay rõ rệt. Với 90% người dân làm nông nghiệp, xã xác định cây chè là lợi thế kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh nghề truyền thống trên những đồi chè, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất đã mở thêm dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú tạo thành khu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà độc đáo. Một số mô hình tiêu biểu là Hợp tác xã (HTX) Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè Hảo Đạt, cơ cở sản xuất chè Phúc Kim, cơ sở sản xuất chè Nghìn Hạnh…

Nằm ở trung tâm của vùng chè đặc sản Tân Cương, HTX Chè Hảo Đạt (xóm Nam Đồng) đã chế biến chè truyền thống từ nhiều năm nay, góp phần đưa sản phẩm trà Tân Cương ngày càng phát triển, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, nắm bắt xu thế hiện nay của du khách khi đến với Thái Nguyên được tham quan và trải nghiệm tại các vùng chè, HTX Chè Hảo Đạt đã xây dựng và đưa vào khai thác không gian văn hóa trà từ cuối năm 2019. Theo bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, HTX đã phục dựng một khu chế biến chè thủ công, bao gồm khu vườn chè, khu chế biến và trưng bày sản phẩm.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, vùng chè Tân Cương có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây phát triển tốt, tạo thành sản phẩm hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, việc phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm cần có một chiến lược, giải pháp phù hợp. Bởi thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước các hoạt động du lịch nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Đây cũng là vướng mắc của nhiều hộ trồng chè của Tân Cương.

Anh Dương Văn Phúc - chủ cơ sở sản xuất chè Phúc Kim (xóm Soi Vàng) - bộc bạch: Trung bình mỗi năm, gia đình anh đón từ 40 - 50 đoàn khách. Cơ sở vật chất có hạn nên gia đình chỉ để khách du lịch đến trải nghiệm hái chè, sao chè và thưởng thức chè miễn phí, qua đó giới thiệu và bán sản phẩm chứ không có dịch vụ cho khách ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Phạm Tiến Sỹ - cho hay, thời gian qua, chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, chỉnh trang nương chè sạch, đẹp để thu hút khách du lịch. Tuy vậy, bà con nông dân trên địa bàn vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách.

“Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái, bà con Tân Cương mong được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, thái độ phục vụ khách cho bà con”- ông Sỹ mong muốn.

Nhằm khai thác lợi thế du lịch của các vùng chè, ngành du lịch Thái Nguyên đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến; tăng cường kết nối các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách tham quan, trải nghiệm tại các vùng chè, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch và lan tỏa thương hiệu trà Thái Nguyên.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-che-tan-cuong-huong-toi-tro-thanh-diem-den-hap-dan-151606.html