Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tập trung phát triển toàn diện
Với những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Huyện ủy Diên Khánh ban hành, huyện sẽ nỗ lực phấn đấu đưa các vùng khó khăn phát triển toàn diện, bền vững hơn và ngày càng thu hẹp khoảng cách về mức sống so với bình quân toàn huyện.
Với những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Huyện ủy Diên Khánh (Khánh Hòa) ban hành, huyện sẽ nỗ lực phấn đấu đưa các vùng khó khăn phát triển toàn diện, bền vững hơn và ngày càng thu hẹp khoảng cách về mức sống so với bình quân toàn huyện.
Ngày càng phát triển
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Mấu Thun (thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên) khi ông vừa lùa 8 con bò vào chuồng sau một ngày chăn thả. Ông cho biết, đàn bò là tài sản lớn nhất của gia đình hiện nay. Ngoài ra, gia đình ông còn 1 sào lúa nước, gần 60 gốc xoài đang bắt đầu cho thu hoạch và một số cây ăn trái khác trồng xen với xoài. Bốn người con của ông đã lập gia đình và xây nhà ở riêng. Hiện nay, cuộc sống của vợ chồng ông ổn định, con cái đều có việc làm. Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ khác, trong đó có hộ vừa hoàn thiện xong ngôi nhà khang trang hơn 250 triệu đồng, bà Cao Thị Kẹm - Trưởng thôn Lỗ Gia phấn khởi cho biết, thôn có 70 hộ với 344 nhân khẩu là người dân tộc Raglai. Nhờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các hộ trong thôn có vốn phát triển sản xuất, chủ yếu là chăn nuôi bò sinh sản, trồng xoài, hạt điều, chuối… Hiện nay, tổng đàn bò của thôn có 223 con. Các hộ đều có phương tiện sinh kế, nhà nào cũng có 2 - 3 xe máy…
Diên Khánh có nhiều dân tộc sinh sống rải rác trên toàn huyện, trong đó thôn Lỗ Gia và thôn Đá Mài (xã Diên Tân) có 146 hộ (642 khẩu) đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của huyện đã góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt vùng ĐBDTTS; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng cao. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân ở vùng này khoảng 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 19,18%, hộ cận nghèo chiếm 8,35%. Bằng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, 103 hộ được sửa chữa nhà với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; 33 hộ được xây nhà mới với kinh phí 1,75 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho người dân chăn nuôi heo, gà, bò sinh sản. Ngoài ra, 78 hộ được vay vốn chính sách hơn 1 tỷ đồng để nhân rộng mô hình sản xuất. Thời gian qua, tỉnh và huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống cho ĐBDTTS với kinh phí hơn 5,78 tỷ đồng.
Tiếp tục nâng cao đời sống người dân
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 5%/năm; không còn thôn ĐBDTTS đặc biệt khó khăn. Đời sống của người dân được nâng cao với 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% ĐBDTTS được hỗ trợ bảo hiểm y tế…
Theo Quyết định số 33 ngày 12-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ, thôn Lỗ Gia và thôn Đá Mài đều thuộc thôn đặc biệt khó khăn. Ông Trần Văn Kính - Phó Bí thư Huyện ủy Diên Khánh cho biết: Huyện ủy vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống thu nhập so với bình quân toàn huyện. Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện ủy đã giao UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hàng năm với nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, huyện tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi theo hướng tăng định mức đối với các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho ĐBDTTS.
Huyện ủy cũng chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục xây dựng củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng ĐBDTTS và miền núi; đẩy mạnh thực hiện chính sách tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS… Các cấp hội, đoàn thể quan tâm đến đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ĐBDTTS, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của ĐBDTTS trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tăng cường sự đồng thuận, qua đó từng bước nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
MAI HOÀNG