Vùng đất bí ẩn trên dãy Himalaya từng bị cô lập với thế giới
Sau khi vùng đất này mở cửa với thế giới bên ngoài, nhiều du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của nó.
Thị trấn nhỏ Jomsom, thuộc thung lũng sông Kali Gandaki, là cửa ngõ dẫn vào “vương quốc cấm” cổ xưa của Mustang – một vùng đất ở phía tây Nepal. Thượng nguồn của nơi này đóng cửa với người ngoài cho tới tận năm 1992. Đặc biệt, núi Annapurna – một phần dãy Himalaya ở Nepal là nơi có khung cảnh ngoạn mục nhất.
Mustang là một huyện nhỏ, nằm dưới bóng của 2 ngọn núi Annapurna và Dhaulagiri. Khung cảnh của nơi này có phần trống trải, u ám với gam màu be và xám, thiên nhiên khắc nghiệt với đầy đá, gió, núi, sa mạc.
Mustang (phát âm là “moos-taang”) là vùng đất chứa đựng nhiều bí mật, có lẽ đó là kết quả của việc nơi này bị cô lập một cách tự nhiên với thế giới trong nhiều thế kỷ bởi những đỉnh núi khổng lồ.
Vào thế kỷ 14, một vương quốc độc lập tên là Lo, dưới sự cai trị của vị vua huyền thoại Ame Pal. Vào thế kỷ 18, nó đã bị sáp nhập vào Nepal nhưng vẫn là một vương quốc bán độc lập. Nơi này luôn có dân cư nhưng thưa thớt, thậm chí ngày nay có khoảng 15.000 người vẫn còn sinh sống.
Nơi đây có lịch sử phong phú, từng là tuyến đường thương mại quan trọng giữa Tây Tạng và những vùng thấp hơn của Nepal và Ấn Độ. Ngày nay, phần lớn hoạt động buôn bán vẫn diễn ra dọc theo con đường đó.
Mustang vẫn “bám chặt” vào quá khứ của chính nó, toát lên vẻ huyền bí. Du lịch ở Upper Mustang được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống giấy phép. Ở những khu vực thấp hơn như Shinta Mani Mustang, có một cơ sở kinh doanh gồm 29 phòng, với các phòng đều có tầm nhìn tuyệt đẹp. Thủ công là nghề chính ở Shinta Mani. Bên kia sông là làng Thini, nơi có những ngôi nhà đặc trưng của Thakalis - một nhóm dân tộc nhỏ là những cư dân sống thịnh vượng nhất của Mustang.
Khu vực lớn nhất và vui nhộn nhất, có lẽ vì dễ tiếp cận bằng đường bộ với du khách nước ngoài là Marpha, cư dân sống dọc theo con sông. Ước tính có khoảng 1.600 người dân sống ở đây, cuộc sống náo nhiệt, có hàng quán, cửa hàng và thường xuyên có du khách ghé tới.
Giống như những nơi khác trên dãy Himalaya, người dân sống ở Mustang phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, nhờ đó tinh thần chiến đấu của họ rất mạnh mẽ.
Mustang có thảm thực vật giống sa mạc, độc đáo nhất ở Nepal. Do độ cao nên gió thổi liên tục cả ngày, kết quả tạo ra những vách đá màu đỏ đặc trưng. Vùng cao nguyên đá là địa điểm thích hợp cho các hoạt động leo núi.
Mustang còn được biết tới với những hang động bí ẩn, có khoảng 10.000 hang động. Những nơi này được đào sâu vào vách núi đá. Mặc dù các chuyên gia đã nghiên cứu về các hang động này nhưng họ vẫn chưa xác định chính xác mục đích của nó là gì.
Bên trong một số hang động còn có những bức tranh, hiện vật có giá trị của Phật giáo cùng với xác ướp đã được khai quật.
Ngoài các tu viện, bạn có thể ngắm nhìn những cung điện cổ kính ở Mustang. Cung điện Lo Manthang 5 tầng, được xây dựng vào năm 1442 và được sơn bằng vôi trắng là cung điện chính. Một số phần của cung điện này vẫn còn hoạt động. Cung điện này đã bị hư hại nặng nề bởi trận động đất Gorkha năm 2015 nhưng đã được khôi phục lại.
Mustang là huyện ít dân số thứ 2 ở Nepal sau huyện Manang lân cận. Người dân địa phương làm nông nghiệp và chăn nuôi. Mustang là một phần của Khu bảo tồn Annapurna và được chia thành 4 khu vực địa lý - Thak Sastsae, Panchgaon, Barago và Lo Tsho Dyun.
Các dân tộc Thakali, Tamang, Bhotia (Tây Tạng) và Lopa (Bista và Gurung) coi Mustang là quê hương của họ. Hiện tại, Lo Manthang là thị trấn có tường bao quanh duy nhất trên toàn Nepal.
Bạn có thể đến Mustang từ thành phố Pokhara. Nếu bạn ở Kathmandu, bạn có thể lái xe đến Pokhara hoặc đi máy bay mất 25 phút. Từ Pokhara, bạn có thể bay tới Jomsom hoặc đi xe buýt công cộng. Bạn cũng có thể thuê một chiếc xe jeep nếu muốn.
Sau khi đến Jomsom, bạn cần phải đi bộ đến Kagbeni - cửa ngõ vào thượng nguồn Mustang. Từ Kagbeni, bạn sẽ đi bộ về phía bắc để đến vùng thượng Mustang.
Bạn cũng sẽ cần giấy phép khu vực hạn chế đặc biệt để đi đến Mustang. Chi phí mỗi người trong 10 ngày đầu tiên là 500 USD (khoảng 12 triệu đồng) và 50 USD/ngày (khoảng 1,2 triệu đồng) cho những ngày tiếp theo.
Ngoài ra, bạn sẽ cần giấy phép Khu bảo tồn Annapurna (ACAP) với chi phí khoảng 30 USD (khoảng 800 nghìn đồng).
Nếu bạn yêu thích những vách đá bị gió xói mòn màu đỏ, địa hình giống như sa mạc, nền văn hóa cổ xưa và những hang động bí ẩn được khắc trên vách đá, bạn nên đi trekking lên thượng Mustang.