Vùng đất của những di sản

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh TRẦN HOÀNG TUẤN

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có nhiều di sản văn hóa đa dạng và độc đáo. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phát huy giá trị những di sản này gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành khảo sát tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành khảo sát tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 285 di tích. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt gồm: Di tích Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Ba Tơ) và Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ); 33 di tích quốc gia; 171 di tích cấp tỉnh, 79 di tích đã được kiểm kê, bảo vệ. Có 4 bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng; bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng; khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng, niên đại từ năm 1947. Mỗi di tích, bảo vật đều chứa đựng trong nó giá trị, ý nghĩa riêng có; đặc biệt, di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH) được biết đến rộng rãi nhất, cả trong nước và quốc tế.

Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh và các hiện vật. Ảnh: PV

Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh và các hiện vật. Ảnh: PV

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của VHSH, với 26 điểm di tích đã khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, chủ yếu phân bố ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ). Di tích khảo cổ học VHSH được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 29/12/2022, với 6 địa điểm: Di tích Long Thạnh, còn gọi là Gò Ma Vương; di tích Thạnh Đức, thuộc phường Phổ Thạnh; di tích Phú Khương, thuộc xã Phổ Khánh; quần thể di tích Chămpa; đầm An Khê và sông Cửa Lỗ.

Du khách đi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp đầm An Khê. Ảnh: TP

Du khách đi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp đầm An Khê. Ảnh: TP

Cư dân Sa Huỳnh cổ xưa đã tạo dựng được nền văn hóa vô cùng đặc sắc trong không gian rộng lớn. Không gian VHSH và các thành tố liên quan như một “bảo tàng sống” phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Vùng đất Sa Huỳnh có cửa biển, thuận lợi cho giao thương. Những tuyến hàng hải chọn nơi đây làm điểm dừng chân neo đậu tàu thuyền để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Đây là nơi có đầm An Khê - đầm nước ngọt nằm cạnh biển lớn nhất Việt Nam, những bãi cát vàng và gành đá hàng triệu năm tuổi. Các di chỉ tìm thấy của nền VHSH đều gắn với các đồng muối cổ. Đây cũng là điểm xuất phát con đường muối, từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi theo đường biển.

Diêm dân Sa Huỳnh vào mùa thu hoạch muối. Ảnh: PV

Diêm dân Sa Huỳnh vào mùa thu hoạch muối. Ảnh: PV

Có thể khẳng định, đồng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này. Nghề làm muối ở Sa Huỳnh mang tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng- địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được người dân Sa Huỳnh, Phổ Thạnh tự nguyện cam kết bảo vệ. Với ý nghĩa và giá trị bản sắc tiêu biểu đó, nghề làm muối Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 10/12/2024). Sự kiện ý nghĩa này không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời, mà còn là động lực thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghề muối truyền thống. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu di sản VHSH đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.

Bảo vật quốc gia bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lưu giữ, bảo quản. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Bảo vật quốc gia bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lưu giữ, bảo quản. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Tại đây còn có Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ - ngôi làng nằm trong không gian VHSH với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Ngôi làng chỉ có hơn 80 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển, có diện tích khoảng 105ha. Nơi đây còn lưu giữ những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Chămpa từ hàng nghìn năm trước, là các đền thờ, miếu mạo từ thời Vương quốc Chămpa, các giếng đá, cầu đá... Hiện trong làng còn khoảng 12 giếng đá cổ, miếu mạo của người Chăm, tường rào đá bao quanh làng để ngăn thú dữ, giữ đất giữ làng. Ngoài ra, qua canh tác, sinh sống, người dân địa phương phát hiện thêm nhiều bình gốm tùy táng của người Chăm cổ. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh là một trong 2 sản phẩm thuộc lĩnh vực du lịch, trong tổng số 100 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã trên cả nước được vinh danh và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức. Nhờ vậy, người dân sống được với du lịch, nên đã biết giữ gìn từng bờ đá, giếng cổ... như tài sản vô giá mà tiền nhân để lại.

Ngôi làng Gò Cỏ nằm trong vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: T.PHƯƠNG

Ngôi làng Gò Cỏ nằm trong vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: T.PHƯƠNG

Cùng với di tích khảo cổ VHSH, các Điểm di tích về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/1/2017, xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945), gắn liền với Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi; là trang sử ngời sáng trong lịch sử Quảng Ngãi và lịch sử của nước ta, tạo đà cho phong trào cách mạng Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh và có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Thừa Thiên - Huế.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng Ba Tơ ở huyện Ba Tơ. Ảnh: TP

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng Ba Tơ ở huyện Ba Tơ. Ảnh: TP

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ với 11 điểm di tích: Khúc sông Liên, Lò gạch Nước Năng, Nhà đồng chí Trần Quý Hai, Chòi canh Suối Loa, Đồn Ba Tơ, Nha kiểm lý, Sân vận động Ba Tơ, Bãi Hang Én, Bến Buôn, Chiến khu Nước Lá - Hang Voọt Rệp, Chiến khu Núi Cao Muôn - một trong những nơi Đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, tỉnh đã triển khai công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ; đồng thời, làm phong phú hơn sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nói đến văn hóa Quảng Ngãi thì phải nhắc tới văn hóa biển, đảo đặc sắc của vùng đất này. Trong đó, đảo Lý Sơn là vùng đất tinh hoa di sản lễ hội và địa chất. Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, Lý Sơn sở hữu quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo. Hòn đảo này còn mang dấu vết con đường giao thương tơ lụa và gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau. Đây là nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt, với hệ thống 6 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh và nhiều di chỉ khảo cổ, di tích kiến trúc tín ngưỡng mang đậm sắc thái văn hóa biển đảo. Sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể đan xen, tích hợp lẫn nhau đã tạo nên một dòng chảy lịch sử - văn hóa trên đất đảo, được bảo tồn dường như nguyên vẹn. Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là lễ hội mang tính đặc trưng riêng có của Lý Sơn mà không nơi nào trong cả nước có được. Đây là lễ hội duy nhất gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của Hải đội Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Quảng Ngãi đã ban hành Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trên cơ sở đề án, tỉnh tập trung thực hiện giải pháp trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp các di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh. Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học các di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng. Ngoài ra, tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, góp phần phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn khảo sát tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn khảo sát tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.

Định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIX) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư kinh phí thực hiện quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; tăng cường quản lý nhà nước về di tích; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng; tổ chức các sự kiện văn hóa... Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở địa phương. Cùng với nhiệm vụ phát triển huyện Lý Sơn thành Trung tâm Du lịch biển, đảo Quốc gia trong tương lai, tỉnh sẽ kết nối với tuyến du lịch Sa Huỳnh theo loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; từng bước phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Huyện Lý Sơn là vùng đất có nhiều lễ hội độc đáo. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền Tứ linh ở Lý Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: MINH THU

Huyện Lý Sơn là vùng đất có nhiều lễ hội độc đáo. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền Tứ linh ở Lý Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: MINH THU

Phát triển dựa trên những giá trị nền tảng của truyền thống lịch sử, văn hóa là xu hướng đúng đắn, khoa học, nhân văn của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Tỉnh đang thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ nỗ lực hơn nữa thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng để phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để mời gọi các doanh nghiệp lớn đến phát triển dự án du lịch. Qua đó, tạo bước đột phá, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thành phố bên Sông Trà. Ảnh: HỮU THƯ

Thành phố bên Sông Trà. Ảnh: HỮU THƯ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202501/vung-dat-cua-nhung-di-san-d082d9d/