Vùng 'đất thép' nở hoa
Từ vùng đất 'mưa bom, bão đạn' năm xưa, H.Xuân Lộc giờ đây đã trở thành vùng đất trù phú với nhiều tỷ phú, triệu phú ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, những khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Hằng năm, các khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh của huyện cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan.
Huyện Xuân Lộc trở thành một trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên cả nước “về đích” trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đang là một trong 4 địa phương được chọn để xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
* Phát triển hài hòa mọi mặt
Trong ký ức của những người từng gắn bó lâu năm, vùng đất Long Khánh - Xuân Lộc được xem là “khó làm ăn” bởi sự tàn phá nặng nề của chiến tranh; bởi điều kiện về hạ tầng, nguồn nước khan hiếm, đất đai cằn cỗi. Nhưng nay, cũng trong suy nghĩ của nhiều người, Long Khánh - Xuân Lộc lại trở thành vùng đất trù phú với nhiều vườn cây ăn trái, công nghiệp thương nghiệp, dịch vụ - du lịch phát triển mạnh mẽ và đang làm đổi thay cuộc sống của người dân từng ngày.
Nổi bật hơn cả là lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay H.Xuân Lộc đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng, nhiều cánh đồng lớn. Trong đó, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: xoài Suối Lớn; cam, quýt Xuân Hưng; sầu riêng Xuân Định; chôm chôm Bảo Hòa; lúa hữu cơ Xuân Phú...
Theo bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc, sau 45 năm giải phóng, tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hằng năm đạt khoảng 9%; kết cấu hạ tầng trường học, đường giao thông, điện lưới, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ; môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 lần so với khi mới thành lập huyện; không còn hộ nghèo nhóm A.
Huyện Xuân Lộc cũng trở thành “thủ phủ” chăn nuôi mới của tỉnh với việc hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, áp dụng khoa học, công nghệ. Chăn nuôi hiện đại vừa tạo nguồn năng lượng cho sinh hoạt, tạo phân bón cho cây trồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tính đến thời điểm này, địa phương đã thành lập được 56 HTX, hơn 360 CLB năng suất cao, gần 50 tổ hợp tác và trên 500 trang trại chăn nuôi lớn.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt cho rằng, H.Xuân Lộc có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp. Sự quan tâm và hỗ trợ tối đa của địa phương đã giúp công ty đầu tư trang trại chăn nuôi gà kết hợp trồng trọt và trở thành doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả ở H.Xuân Lộc. Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, doanh nghiệp có 5 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP gồm: dưa lưới, cà chua, ớt chuông, dưa hấu, các loại rau ăn lá với doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư để trang trại tại H.Xuân Lộc trở thành vùng sản xuất rau và gà xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều nước khác.
Sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ. H.Xuân Lộc đã và đang hình thành 1 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, thu hút hơn 1,7 ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hơn 60 cơ sở chế biến nông sản, thức ăn gia súc, phân bón và hơn 10 ngàn cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. Không chỉ giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn lao động địa phương.
* Ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Với thành tích ấn tượng trong xây dựng và phát triển, Xuân Lộc là huyện duy nhất ở phía Nam được Trung ương chọn điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, từ năm 2018 H.Xuân Lộc đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2018-2025. Đến nay, đã thu được những kết quả nhất định. 2 xã Xuân Định và Bảo Hòa cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có thêm xã Xuân Thọ hoàn thành, nâng tỷ lệ 3/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là xây dựng TT.Gia Ray đạt chuẩn đô thị loại V.
Theo lãnh đạo địa phương, thời gian tới, H.Xuân Lộc sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tạo đà cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch - dịch vụ.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đang đầu tư các dự án phục vụ cho tưới tiêu; khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản xuất khẩu.
Trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện quan tâm hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện và nước sản xuất, hệ thống xử lý môi trường ở các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính và tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả; kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Xuân Lộc (phần mở rộng thêm 200ha), Cụm công nghiệp Xuân Hưng (mở rộng thành 63ha).
Ngoài ra, huyện sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khai thác các điểm du lịch tiềm năng như: hồ Núi Le, hồ Gia Ui, Thác Trời, căn cứ Rừng Lá, Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh quốc gia Núi Chứa Chan; hình thành tour gắn các điểm tham quan với vườn sản xuất, thông qua đó góp phần quảng bá, phát triển kênh tiêu thụ nông sản địa phương.
“Với những kết quả vượt bậc trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt 10 năm trở lại đây, chúng tôi tin rằng H.Xuân Lộc sẽ trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, xứng danh là vùng “đất thép” của miền Nam” - Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ.
Đề án Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Chính phủ và mục tiêu của H.Xuân Lộc nêu rõ, đến năm 2025, huyện sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hơn 80% cơ sở sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ ổn định; tỷ lệ nông sản sạch đạt trên 60%, trong đó có từ 10-20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Từng bước nâng giá trị thu nhập ngành nông nghiệp huyện lên 270 triệu đồng/ha vào năm 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 83 triệu đồng/người/năm.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202004/vung-dat-thep-no-hoa-2999610/