Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô: Bứt phá để thay đổi

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 15-7-2016, của UBND TP Hà Nội về 'Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2016-2020', diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi của Thủ đô có nhiều đổi thay.

Bứt phá khỏi đói nghèo, lạc hậu

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi phản ánh sự đa dạng về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, TP Hà Nội có gần 108 ngàn người DTTS, với 50 thành phần dân tộc; sinh sống thành cộng đồng ở 153 thôn, 14 xã, 5 huyện, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, năm qua, đồng bào các DTTS Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô.

Nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai như được khoác trên mình “tấm áo mới”.

Toàn bộ đường làng, ngõ xóm ở tại xã Đông Xuân đã được cứng hóa bằng bê tông, thảm nhựa khang trang sạch đẹp. Ven các tuyến đường giao thông, nhà cao tầng mọc san sát xen giữa màu xanh ngút ngàn của các vườn cây ăn quả, đồi trồng keo tươi tốt.

Diện mạo mới tại xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức.

Diện mạo mới tại xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, người dân ở đây đã được thụ hưởng những công trình hạ tầng từ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hội vùng đồng bào DTTS miền núi của TP Hà Nội. Các công trình này mang tính chất quyết định đến chất lượng xóa đói giảm nghèo của người dân trong tương lai. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm và phương thức đầu tư của Thủ đô đối với vùng đặc biệt khó khăn. Đó là tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ hỗ trợ lớn của TP, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên thuộc vùng DTTS của Thủ đô về đích nông thôn mới (NTM).

Không chỉ riêng xã Đông Xuân của huyện Quốc Oai và xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, mà các xã còn lại có đông đồng bào dân tộc thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức) cũng được thụ hưởng từ các chính sách quan tâm của TP Hà Nội.

Theo Phó Trưởng ban Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải, nhờ sự quan tâm của TP, trong 5 năm qua, các xã có đông đồng bào dân tộc của Thủ đô đã bứt khỏi đói nghèo, lạc hậu. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh.

Đời sống được nâng cao, những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS của Thủ đô cũng được gìn giữ, phát huy

Đời sống được nâng cao, những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS của Thủ đô cũng được gìn giữ, phát huy

Rút ngắn khoảng cách giữa vùng miền núi và vùng đồng bằng

Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được đồng bào ủng hộ và thực hiện bước đầu đã có hiệu quả.

Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc miền núi được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Đội ngũ cán bộ là người DTTS từng bước trưởng thành. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có nhiều chuyển biến tích cực…

Đến nay, 8/14 xã vùng dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô đã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, những kết quả này đã rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn TP Hà Nội.

Vui mừng với những thành tựu đạt được, đồng bào DTTS đang sinh sống, công tác, cư trú trên địa bàn Thủ đô đang tiếp tục đồng lòng chung sức, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, để mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-thu-do-but-pha-de-thay-doi-227268.html