Vùng Đông Nam Bộ tập trung mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững
Ngày 18-7, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra hội thảo Vùng khu vực Đông Nam Bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Đây là hội nghị nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giữa các tỉnh, thành trong khu vực.
Cải thiện môi trường là "mấu chốt" tăng thu hút đầu tư
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.
Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Cũng theo ông Thành, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước.
Để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố thúc đẩy liên kết vùng, trao đổi các sáng kiến, mô hình thành công về chuyển đổi xanh, đồng thời nhằm tạo lập môi trường kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững, VCCI phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị này.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hội thảo này là cơ hội để các địa phương thảo luận giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - bước đầu tiên trong việc hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các diễn giải, chuyên gia, nhà quản lý tiến hành 2 phiên thảo luận. Phiên 1 là chỉ số xanh cấp tỉnh và nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững cho khu vực Đông Nam Bộ.
Tại phiên thảo luận này, các đại biểu trao đổi sâu về môi trường kinh doanh khu vực và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế xanh ở vùng Đông Nam Bộ.
Phiên thảo luận 2 đặt vấn đề thực hành tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Trong phần này các đại biểu tập trung trao đổi kết quả tốt của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ về chỉ số xanh; cải thiện môi trường kinh doanh và liên kết vùng.
Kết quả do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố, năm 2023 Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Ngoài ra, trong Top 10 còn có: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng Nai và giải pháp đạt, duy trì Top 3 chỉ số xanh cấp tỉnh
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Hiện tỉnh có hơn 53 ngàn doanh nghiệp hoạt động, trong đó có hơn 1,6 ngàn doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, tỉnh thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, triển khai đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ, thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Amata sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu.
Cùng với đó, UBND tỉnh hợp tác với thành phố Kobe (Nhật Bản) trong việc triển khai nghiên cứu mô hình khu công nghiệp xanh - thông minh trên địa bàn tỉnh tại Khu công nghiệp Long Đức. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu Net zero vào năm 2050. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án giảm thiểu khí thải carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường chia sẻ, năm 2023 tỉnh được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Để duy trì chỉ số này, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung các giải pháp nhằm cải thiện và nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giám sát tuân thủ các quy chuẩn/tiêu chuẩn về môi trường, thúc đẩy thực hành xanh và giải pháp xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó chất thải, qua đó nhận diện được nguồn nguy cơ gây ra sự cố, các kịch bản sự cố và trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng ngừa sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện các giải pháp tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình theo quy định có 6 ngành nghề, đối tượng phải kiểm kê phát thải khí nhà kính nhưng hiện chưa có hướng dẫn, tiêu chuẩn, chuyên gia đào tạo nhân lực thực hiện kiểm kê. Do đó, tỉnh kiến nghị VCCI tổng hợp các khó khăn vướng mắc và có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ địa phương.