Vùng duyên hải Gò Công 'gồng mình' chống hạn
Trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công bao gồm 4 huyện, thị duyên hải là Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã gieo sạ gần 24.500 ha; trong đó có trên 21.000 ha đang ở độ tuổi từ 31 ngày đến dưới 60 ngày tuổi đang cần nước bơm tưới chống hạn.
Trong những ngày sau Tết Nguyên đán, diễn biến xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Tiền hết sức phức tạp, đe dọa sản xuất và đời sống. Các cấp, các ngành và nhân dân nơi đây đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, bảo đảm nước tưới, giảm nhẹ thiệt hại.
Theo ngành chức năng, mùa khô năm nay thời tiết thủy văn khắc nghiệt. Mặn trên hệ sông Tiền xuất hiện sớm hơn cùng kỳ khoảng 1 tháng và lấn sâu vào nội đồng. Hiện nay, ranh mặn theo cửa sông Tiền đã vượt qua khỏi thành phố Mỹ Tho xâm lấn sâu về phía thượng lưu, bao vây tứ phía các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang - đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi tại đây, đã cho đóng toàn bộ các cống lấy nước để ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến trà lúa vụ Đông Xuân.
Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, để bảo đảm công tác phòng chống hạn mặn cho vùng dự án, tỉnh đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng khôi phục Trạm bơm Bình Phan với 6 tổ máy đang miệt mài bơm trữ nước ngọt trong nội đồng tưới tiêu cho cây lúa trong những ngày cao điểm.
Bên cạnh đó, mua thêm 12 thuyền bơm lưu động có công suất bơm tưới từ 1.800 - 2.300 m3/giờ/thuyền, kinh phí bình quân 300 triệu đồng/thuyền bơm và bố trí tại các cống Sơn Qui, kênh Trần Văn Dõng, kênh Champeax bơm tát đưa nước về tưới chống hạn cho các xã ven biển thuộc thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông.
Theo Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, trước tình hình diễn biến hạn mặn phức tạp đồng thời để đảm bảo hiệu quả phục vụ tưới tiêu cho trà lúa Đông Xuân trong vùng dự án, ngay từ đầu mùa khô 2019 - 2020, hàng trăm cán bộ, nhân viên của đơn vị chia nhau trực 24/24h. Người trực tại các cống ngăn mặn, người lo đo và cập nhật diễn biến mặn ngoài sông Tiền, người thay phiên nhau trực bơm tát chống hạn tại những địa bàn trọng điểm.
Cụ thể, tại các trạm bơm dã chiến do Công ty phụ trách: cống Sơn Qui, kênh Trần Văn Dõng và Cầu Cháy (kênh Champeaux) đều có các tổ trực chiến bơm 24/24h. Mỗi tổ 3 người và thời gian mỗi ca trực là 24 giờ. Các trạm bơm liên tục như thế để bổ cấp nước trữ trong nội đồng phục vụ sản xuất càng nhiều càng tốt bởi trong những ngày tới dự báo hạn mặn vào cao điểm và tình trạng thiếu nước bơm tát sẽ còn hết sức căng thẳng.
Phụ trách tổ trực tại trạm Cầu Cháy (kênh Champeaux) trong ngày là anh Bùi Anh Tuấn, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang. Anh Tuấn cho biết, trạm có 4 máy, công suất bơm mỗi máy là 1.800 m3/giờ, có trách nhiệm bơm bổ cấp đưa nước ngọt về phục vụ cánh đồng lúa Đông Xuân các xã giáp biển của huyện Gò Công Đông: Tân Điền, Tân Thành, Tăng Hòa…
Theo anh Bùi Anh Tuấn, trạm triển khai bơm từ trước tết đến nay và dự kiến sẽ còn tiếp tục hoạt động trong khoảng 1 tháng nữa, khi nào trà lúa Đông Xuân trong vùng hết có nhu cầu dùng nước mới ngưng.
Với vị trí nằm tiếp giáp biển Đông, cuối nguồn của dự án ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Đông là địa phương căng thẳng nhất trong cuộc chiến phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống trong mùa khô 2019 - 2020. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân địa phương gieo sạ trên 10.100 ha; trong đó trà lúa hiện ở trong giai đoạn từ 40 ngày tuối đến dưới 60 ngày tuổi có nguy cơ bị hạn hán đe dọa lên đến gần 9.000 ha.
Trước tình hình trên, trong mấy ngày qua, huyện Gò Công Đông đã chủ động triển khai 77 điểm bơm tát dã chiến bơm trữ nước ngọt phục vụ gần 5.500 ha ở các địa bàn trọng điểm với 252 máy bơm, tổng số giờ bơm là 23.700 giờ. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức ra quân vớt lục bình trên 17 tuyến kênh, tổng chiều dài trên 17.000 m, diện tích mặt nước trên 108.000m2 nhằm khai thông dòng chảy, phục vụ cho lấy nước tưới, phòng chống hạn và giảm nhẹ thiên tai.
Còn theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã triển khai tổng cộng 185 điểm bơm chuyền trữ nước ngọt với qui mô 506 máy bơm, phục vụ sản xuất và đời sống, phòng chống hạn bảo vệ trà lúa Đông Xuân. Bố trí điểm và máy bơm nhiều nhất là huyện Gò Công Đông, kế tiếp là huyện Gò Công Tây bố trí 118 máy bơm tại 49 điểm, thị xã Gò Công bố trí 112 máy tại 44 điểm bơm và huyện Chợ Gạo với 21 máy tại 14 điểm bơm.
Cùng với triển khai và bố trí các điểm bơm dã chiến bơm trữ nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tăng cường quan trắc mặn trên sông Tiền 24/24 giờ trong ngày, cập nhật thông tin diễn biến mặn và khuyến cáo các giải pháp phòng chống hạn mặn để nhân dân biết và chủ động ứng phó hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, thời gian tới, mùa khô hạn vùng duyên hải Gò Công vẫn còn hết sức gay gắt, các trạm bơm dã chiến do đơn vị phụ trách sẽ phải hoạt động tối thiểu cả tháng nữa, khi nào còn có thể bơm trữ ngọt được để bơm tát phục vụ trà lúa Đông Xuân. Do vậy, việc phòng chống thiên tai, đối phó hạn mặn tại đây vẫn còn căng thẳng.