Vùng giáp tỉnh ngoài thích ứng an toàn với dịch bệnh
Cùng với sự vào cuộc sát sao của chính quyền, người dân ở những địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố lân cận ngày càng nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống, từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19.
Tại những địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố lân cận, người dân đang từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Người dân ý thức
Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Nguyễn Thị Năm ở thị tứ Lê Lợi, xã Lê Lợi (TP Chí Linh) sáng nào cũng có đông người mua hàng. Để bảo đảm phòng chống dịch bệnh, chị Năm dựng biển tuyên truyền quy định 5K ngay trước cửa. Một phụ nữ vào mua hàng đeo khẩu trang hở mũi liền bị chị nhắc nhở. Hai thanh niên đứng quá gần nhau tại quầy thu tiền cũng bị chị Năm yêu cầu giãn cách. “Xã tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh, có quốc lộ 18 đi qua. Thời gian này, việc đi lại giữa các tỉnh đã dễ dàng hơn, khách vãng lai không thể biết hết được. Mầm bệnh có thể lây lan, bùng phát bất kỳ lúc nào nên cẩn thận vẫn hơn”, chị Năm chia sẻ.
Tiếng loa truyền thanh nhắc nhở các gia đình có người từ tỉnh ngoài về phải khai báo y tế trung thực phát đi từ trụ sở UBND xã Lê Lợi vang vọng cả một vùng. Chị Phạm Thị Thư, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lê Lợi vội vã từ dưới thôn lên UBND xã để báo cáo lãnh đạo về việc có hai người vừa từ TP Hồ Chí Minh về. Chị Thư chia sẻ: “Họ về từ vùng vàng, không phải cách ly nhưng cũng cần xuống tận nơi để hướng dẫn thực hiện các quy định. Phường Tân Dân vừa có 4ca mắc Covid-19 cũng về từ TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi ở vùng giáp ranh với Quảng Ninh thì lại càng phải thích ứng an toàn”.
Anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Đa Cốc vừa lái xe chở gà từ Hạ Long về đã chủ động đến Trạm Y tế xã khai báo thông tin. Anh Linh chia sẻ: “Đã quen với việc này rồi. Giờ đi ra tỉnh ngoài về không khai báo có cảm giác không yên tâm cho chính mình và bà con”.
Mặc dù chủ trương của Chính phủ là không cản trở đi lại của người dân ở những vùng an toàn, việc đi lại của người dân giữa các tỉnh với nhau đã dễ dàng hơn nhưng nhiều gia đình ở vùng giáp ranh chưa tổ chức đám cưới cho con sau nhiều tháng trì hoãn hoặc có tổ chức thì cũng gọn nhẹ, cắt giảm nhiều mâm cỗ so với dự kiến trước đây. Phần lớn các đám tang gần như không mời khách ăn uống.
Nhiều nhà hàng, quán ăn ven quốc lộ 10 thuộc địa bàn xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) - giáp ranh với Hải Phòng đã bố trí thêm bàn để thực hiện giãn cách khách, lắp tấm kính nhựa chống giọt bắn để bảo đảm các tiêu chí phòng chống dịch của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Chính quyền sát sao
Hải Dương nằm giáp ranh với các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong phòng chống dịch bệnh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại, người dân đi lại thuận tiện hơn. Các vùng giáp ranh được coi như phòng tuyến và nếu không được kiểm soát tốt thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vào tỉnh sẽ rất lớn.
Huyện Cẩm Giàng vẫn phân công lãnh đạo huyện, các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã duy trì kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các địa bàn được phân công, đặc biệt là những xã giáp ranh. Yêu cầu lãnh đạo các xã có trách nhiệm tuyên truyền người dân khai báo y tế trung thực; tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp từ tỉnh ngoài vào địa bàn bằng đường mòn, lối tắt hoặc đường sông mà không khai báo y tế, duy trì chế độ báo cáo hằng ngày…
Xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) có hai đường mòn sang các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, hai chốt chặn tại hai đường mòn này đã dỡ bỏ. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương vẫn duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tham gia giám sát người từ nơi khác về địa bàn. 12tổ “Covid cộng đồng” ở 6 thôn thực hiện giám sát, theo dõi tình hình di biến động dân cư.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh thì tiêm vaccine là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Tại các địa phương trong tỉnh, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh mặc dù có nhiều dân tộc sinh sống, địa bàn rộng nhưng chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động được đại đa số người dân đăng ký tiêm vaccine.