Vùng Ile-de-France và TP.HCM hợp tác về kinh tế, bảo tồn di sản
Vùng Ile-de-France của Pháp và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với nhau để nghiên cứu, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, bảo tồn di sản và chuyển đổi sinh thái.
Vùng Ile-de-France ủng hộ phương hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và hai địa phương sẽ phối hợp với nhau để nghiên cứu, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, bảo tồn di sản và chuyển đổi sinh thái.
Thông tin trên là nội dung chính trong buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy, dẫn đầu và Hội đồng vùng Ile-de France của Pháp sáng 26/6 tại Paris.
Tiếp đoàn có bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng và một số phó chủ tịch, ủy viên hội đồng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đã trình bày những nét chính về sự phát triển của thành phố, cho biết tính đến nay có khoảng 300 dự án của Pháp với tổng số vốn hơn 310 triệu euro đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp kinh doanh, đầu tư, Bí thư Nguyễn Văn Nên và đại diện các sở, ban ngành bày tỏ quan tâm đến những lĩnh vực mà các cơ quan của vùng Ile-de France có thể hỗ trợ thành phố.
Theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ trở thành hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại cuộc họp, đại diện thành phố đã giới thiệu với phía bạn về những định hướng tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của địa phương, bày tỏ quan tâm đến việc tổ chức chính quyền theo mô hình hội đồng vùng, liên kết các địa phương trong vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng muốn tranh thủ những kinh nghiệm của Pháp trong việc phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nền kinh tế số, kinh tế xanh thân thiện với môi trường.
Về văn hóa, lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhiều biệt thự cổ. Thành phố dự định sẽ mở rộng bảo tồn các di sản kiến trúc này, vừa gìn giữ các giá trị văn hóa, vừa thu hút du lịch.
Dự kiến, thành phố sẽ có kế hoạch chuyển đổi dần phương tiện giao thông sang xe điện, trước mắt là một phần hệ thống xe buýt đô thị, xe taxi, xe giao hàng, tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái, đẩy nhanh thực hiện dự án điện gió tại Cần Giờ.
Phía Pháp nhấn mạnh ủng hộ các dự định của Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ xem xét kết hợp với các cơ quan của thành phố như Sở Xây dựng, Sở Giao thông để thành phố thành lập các nhóm chuyên viên kỹ thuật đánh giá cụ thể nhu cầu, khả năng của hai bên.
Trong tháng 9, Viện Quy hoạch Paris-Ile-de-France sẽ cử một đoàn công tác tới làm việc cụ thể tại thành phố.
Cùng ngày, Bí thư Nguyễn Văn Nên và đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với ông Bertrand Anbroise, Giám đốc phụ trách kinh doanh quốc tế của tập đoàn Semmaris, chủ quản chợ đầu mối quốc tế Rungis tại ngoại ô Paris. Chợ Rungis là trung tâm giao dịch, bán buôn hàng tươi sống lớn nhất thế giới với doanh số hàng năm lên đến hơn 10 tỷ euro.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn. Sau dịch COVID-19, thành phố có kế hoạch tái cấu trúc 3 chợ này theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sinh thái và sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn.
Chợ đầu mối Rungis của Pháp là mô hình rất phù hợp với 4 điểm nhấn quan trọng. Đây là trung tâm hậu cần, là trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho phép truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất nhanh, cũng là sàn giao dịch sản phẩm bán xỉ, ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn.
Dự kiến, trong giai đoạn hai của dự án cải tạo chợ Bình Điền, thành phố sẽ xem xét triển khai theo mô hình này.
Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh thăm Pháp từ ngày 25-28/8. Trong khuôn khổ chuyến công tác, lãnh đạo thành phố đã cùng với các cơ quan hữu trách vùng Ile-de-France đi thực địa nghiên cứu khảo sát quy hoạch sông Seine, làm việc với Viện Quy hoạch Paris-Ile-de-France./.