'Vũng lầy' Afghanistan hình thành và trải qua 4 đời tổng thống Mỹ như thế nào?
Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không chuyển giao cuộc chiến ở Afghanistan cho đời tổng thống thứ 5. Tuyên bố đó còn bao gồm cả hàm ý rằng cuộc chiến này lẽ ra không nên chuyển giao tới thời của ông.
Kể từ năm 2001 tới nay, mỗi đời tổng thống Mỹ đều đã phải đương đầu với sứ mệnh khó khăn ở Afghanistan, một sứ mệnh mà kết quả là hàng chục nghìn người Mỹ và người Afghanistan thương vong, những nỗ lực vô vọng nhằm cải thiện vai trò lãnh đạo chính trị của đất nước và một Taliban ngoan cố từ chối đầu hàng.
Tổng thống Biden giải thích rằng quyết định rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan là một lựa chọn cần thiết đối với một cuộc chiến mà mục đích của nó đã trở nên mù mờ và điều này cũng đã được đặt ra trong thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đạt được với Taliban.
Mỹ đã dành 20 năm ở Afghanistan như thế nào để cuối cùng Taliban lại một lần nữa tiếp quản Afghanistan sẽ là một chủ đề khiến các nhà sử học phải suy ngẫm trong nhiều thập kỷ. Rốt cuộc ai là người chịu trách nhiệm sẽ vẫn là một cuộc tranh luận phức tạp.
Dưới đây là cách tiếp cận của mỗi đời tổng thống về cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài.
George W. Bush
Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, được al Qaeda lên âm mưu từ các căn cứ ở Afghanistan, Tổng thống George W. Bush tuyên bố loại bỏ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Ông kêu gọi Taliban – khi đó đang kiểm soát phần lớn Afghanistan – giao nộp các thủ lĩnh al Qaeda đang ẩn náu tại nước này, trong đó có Osama bin Laden.
Khi Taliban từ chối lời kêu gọi đó, và Tổng thống George W. Bush đã lựa chọn chiến tranh. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Bush thừa nhận cuộc xung đột sắp tới sẽ trở thành “một chiến dịch kéo dài không giống như bất kỳ chiến dịch nào mà Mỹ từng chứng kiến”.
Dù vậy, bản thân ông cũng không thể dự đoán được cuộc chiến này có thể kéo dài như thế nào.
Ngày 7/10/2001, quân đội Mỹ chính thức tiến hành Chiến dịch Tự do Bền vững, với sự ủng hộ của Anh. Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến chủ yếu là các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của al Qaeda và Taliban. Đến tháng 11 cùng năm, 1.300 binh sỹ Mỹ đã được đưa tới Afghanistan.
Con số này đều đặn gia tăng những tháng sau đó khi các lực lượng Mỹ và Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban và truy lùng bin Laden, khi đó đang ẩn náu ở Tora Bora, phía Đông Nam Kabul. Bin Laden cuối cùng đã trốn sang Pakistan.
Những tháng tiếp theo và cả những năm sau đó đã chứng kiến Tổng thống Bush điều thêm hàng nghìn binh sỹ Mỹ tới Afghanistan để truy lùng các thành phần nổi dậy Taliban. Đến tháng 5/2003, Lầu Năm Góc nói rằng nhiệm vụ chiến đấu chính ở Afghanistan đã kết thúc. Trọng tâm của Mỹ và các đối tác quốc tế chuyển sang tái thiết đất nước và xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ kiểu phương Tây ở Afghanistan.
Phần lớn sự hà khắc mà Taliban áp dụng đã không còn nữa, hàng nghìn phụ nữ được đi làm và trẻ em gái được đi học. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan bị phủ bóng vì tham nhũng khiến giới chức Mỹ thất vọng. Taliban bắt đầu trỗi dậy.
Lúc này, mọi sự chú ý và nguồn lực quân sự của Mỹ lại chuyển sang một cuộc chiến khác ở Iraq. Dù vậy, đến thời điểm ông Bush tái đắc cử năm 2004, Mỹ có khoảng 20.000 binh sỹ ở Afghanistan.
Những năm sau đó, số lượng binh sỹ Mỹ được triển khai tới Afghanistan đều đặn gia tăng khi Taliban giành được chiến thắng trên thực địa ở khu vực nông thôn miền Nam nước này. Khi Tổng thống Bush rời nhiệm sở năm 2009, có khoảng 30.000 lính Mỹ đồn trú ở Afghanistan trong khi Taliban đang tiến hành chiến dịch nổi dậy tổng lực.
Barack Obama
Khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, Tổng thống Barack Obama đối mặt với một quyết định về cuộc chiến mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm. Các tướng lĩnh hàng đầu khuyến cáo về việc gia tăng binh sỹ để đối phó với Taliban đang liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công tại Afghanistan.
Sau một cuộc tranh luận nội bộ căng thẳng khi đó, trong đó Phó Tổng thống Joe Biden phản đối tăng quân, Tổng thống Obama cuối cùng quyết định điều thêm hàng chục nghìn binh sĩ tới Afghanistan. Đồng thời, ông Obama cũng cam kết một lịch trình rút quân từ năm 2011, dựa trên tình hình thực tế trong cuộc chiến chống Taliban và al Qaeda.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Obama nói rằng, việc tăng quân sẽ giúp “tạo ra các điều kiện để Mỹ chuyển giao trách nhiệm cho người Afghanistan”. Tuy nhiên sau đó, các trợ lý cho biết ông Obama cảm thấy bị “nhiễu/xao động” khi các tư lệnh quân đội thúc đẩy chiến lược chống lực lượng nổi dậy ở Afghanistan.
Đến tháng 8/2010, số lượng binh sỹ Mỹ ở Afghnistan đạt tới 100.000 người. Nhưng nơi mà tình báo Mỹ phát hiện Osama bin Laden và sau đó lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố này vào tháng 5/2011 lại là ở Pakistan.
Ngay sau đó, ông Obama tuyên bố sẽ đưa các binh sỹ Mỹ về nhà với mục tiêu chuyển giao lại trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Afghanistan vào năm 2014.
Những năm sau đó, số lượng binh sỹ Mỹ bắt đầu giảm dần. Ông Obama tuyên bố kết thúc các hoạt động chiến đấu chính vào ngày 31/12/2014, lực lượng Mỹ chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan. Việc tiếp tục giảm quân đưa Mỹ vào định hướng rút toàn bộ lực lượng vào thời điểm ông Obama rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, khi nhiệm kỳ thứ 2 sắp kết thúc, Tổng thống Obama xác định rằng tình hình an ninh mong manh ở Afghanistan cho thấy kế hoạch rút hoàn toàn binh sỹ mà ông đặt ra là không khả thi.
Khi ông Obama rời nhiệm sở, Mỹ có dưới 10.000 binh sỹ tại Afghanistan và tổng thống kế nhiệm sẽ là người quyết định cần làm gì tiếp theo.
Donald Trump
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ đưa các binh sỹ Mỹ ở Afghanistan về nước. Nhưng những lời hứa hẹn của ông trở nên khó thực hiện khi Taliban tiếp tục nổi dậy cùng với các mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong bài phát biểu tháng 8/2017, ông Trump thừa nhận dù ông muốn rút toàn bộ binh sỹ Mỹ về nước, nhưng điều kiện thực tế không khả thi. Ông đã để ngỏ tương lai sự hiện diện của Mỹ, từ chối đưa ra khung thời gian rút quân và thay vào đó khẳng định “điều kiện trên thực địa” sẽ là cơ sở đưa ra quyết định.
Năm 2018, Tổng thống Trump giao nhiệm vụ cho đặc phai viên Zalmay Khalilzad, một nhà ngoại giao người Mỹ gốc Afghanistan, dẫn đầu các cuộc đàm phán với Taliban để đưa cuộc chiến ở Afghanistan đi đến hồi kết. Các cuộc đàm phán gần như không bao gồm chính phủ Afghanistan đã khoét sâu rạn nứt giữ chính quyền Mỹ với Tổng thống Ashraf Ghani.
Sau những nỗ lực đàm phán không ngừng, một thỏa thuận đạt được tháng 2/2020 đặt ra điều kiện Mỹ rút toàn bộ binh sỹ khỏi Afghanistan để đối lấy sự đảm bảo từ Taliban rằng lực lượng này sẽ giảm bạo lực và cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố khác.
Tuy nhiên, không có bất cứ biện pháp nào bắt buộc thực thi các cam kết đó. Thậm chí, khi binh sỹ Mỹ bắt đầu rút đi, Taliban lại giành được những chiến thắng trên thực địa.
Thời hạn chót tháng 5/2021 để rút toàn bộ lính Mỹ cuối cùng lại được chuyển giao cho tổng thổng tiếp theo.
Joe Biden
Sau khi những lời khuyên về việc rút quân khỏi Afghanistan bị Tổng thống Obama từ chối, ông Biden cuối cùng lại ở vào vị trí ra quyết định chấm dứt những gì ông xem là một cuộc chiến không có mục đích.
Trong những tháng đầu của nhiệm kỳ, ông Biden nhận được nhiều lời khuyên của đội ngũ an ninh quốc gia, trong đó có cả những lời cảnh báo rằng việc rút toàn bộ binh sỹ Mỹ sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và một cuộc tiếp quản của Taliban.
Ngược lại, tiếp tục ở lại sau thời hạn chót tháng 5/2021 được đặt ra trong thỏa thuận của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump với Taliban cũng khiến các binh sỹ Mỹ phải đối mặt với các cuộc tấn công.
Cuối cùng, Tổng thống Biden tuyên bố 2.500 binh sỹ còn lại ở Afghanistan sẽ về nước trước ngày 11/9/2021, thời điểm tròn 20 năm các cuộc tấn công khủng bố và là lý do Mỹ đưa quân tới quốc gia Nam Á này. Ông cho rằng, các mục tiêu của Mỹ đã hoàn thành và không còn gì Mỹ có thể làm để xây dựng Afghanistan thành một nền dân chủ ổn định.
Thời hạn rút quân đã được đẩy lên sớm hơn. Ngày 2/7, Mỹ đã bàn giao căn cứ không quân Bagram - biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Mỹ - cho lực lượng Afghanistan. Trong khi đó, Taliban đang dần chiếm thủ phủ các tỉnh mà không gặp phải quá nhiều khó khăn.
Ngày 15/8, Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, Tổng thống Ghani rời khỏi đất nước - một sự sụp đổ mà các quan chức Mỹ đã thẳng thắn thừa nhận diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán của họ.
Mỹ và các đồng minh vội vã sơ tán công dân và các đồng minh Afghanistan - những người đã hỗ trợ lực lượng nước ngoài và lo sợ sự trả thù của Taliban.
Tổng thống Biden đã phải điều 6.000 lính Mỹ trở lại Afghanistan để đảm bảo an ninh cho Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc không vận.
Dù vậy, ngày 31/8 vẫn là thời hạn chót để binh sỹ Mỹ rời đi. Taliban đã gọi đó là “lằn ranh đỏ” và Tổng thống Biden giờ đây phải đối mặt với quyết định kéo dài thời hạn rút quân hay vẫn đảm bảo kế hoạch đã đề ra trước đó./.