Vùng lũ sẵn sàng cho năm học mới

Những ngày này, các thầy giáo, cô giáo và học sinh các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sẵn sàng cho năm học mới 2020-2021. Ở các vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp..., do tình hình dịch bệnh cộng với diễn biến của mùa lũ nên ngành giáo dục và chính quyền địa phương cùng người dân chủ động mọi phương án để bảo đảm cho học sinh được đến trường đông đủ.

Một trong những giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ vùng lũ là “Điểm giữ trẻ mùa lũ”. Mô hình này được hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua, đặc biệt là những khi nước lũ dâng cao làm ngập đường giao thông. Theo đó, các điểm giữ trẻ mùa lũ sẽ được lập tại các tuyến dân cư, khu dân cư vượt lũ và những xóm, ấp bị ngập sâu. Phụ huynh có thể gửi con tại đây để yên tâm đánh bắt tôm cá. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, do đường giao thông ở địa phương được đầu tư tôn cao nên việc đi lại ít bị ảnh hưởng, chỉ có một số điểm trường vùng sâu trong nội đồng đường đi bị chia cắt. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, huyện Hồng Ngự thành lập hàng chục điểm giữ trẻ cộng đồng, tập trung ở các xã giáp biên giới như: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, thị trấn Thường Thới Tiền và các xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B... Mỗi điểm có khoảng 15-20 trẻ, được bố trí trong nhà kiên cố, an toàn với hai cô giáo trông giữ.

 Lực lượng dân quân xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang đưa đón học sinh đến trường mùa lũ.

Lực lượng dân quân xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang đưa đón học sinh đến trường mùa lũ.

Được biết, toàn huyện An Phú (An Giang) có gần 1.000 học sinh phải đến trường bằng xuồng, đò. Vì thế, lực lượng dân quân xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú đã tình nguyện lái đò hằng ngày đưa học sinh đến trường. Là người gắn bó lâu năm với công việc đưa đón học sinh đến trường mùa lũ, anh Trần Văn Hiền, dân quân xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “4 năm qua, cứ vào mùa lũ thì anh em lại bắt tay vào công việc đưa học sinh đến trường. Năm nay nước lũ về muộn nhưng dự báo sẽ diễn biến bất ngờ nên chúng tôi đã bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, sẵn sàng đưa đón học sinh khi có lũ”.

Ngoài phương án ứng phó với lũ, nhằm chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cũng có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh là người Việt Nam (hiện đang ở Campuchia) theo học tại các trường trong tỉnh An Giang. Theo đó, ngành chức năng sẽ tiến hành tổ chức 3 đợt đón học sinh từ Campuchia về nước theo khung thời gian năm học 2020-2021; đồng thời tạo thuận lợi để học sinh tiếp cận chương trình năm học theo từng khối lớp, từng địa bàn, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, các em sẽ được bố trí cách ly y tế tối thiểu 28 ngày (14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà) tính từ ngày qua biên giới. Địa điểm cách ly tại huyện An Phú.

Ông Đoàn Bình Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, trên địa bàn huyện có gần 1.200 học sinh, địa bàn có 3 khu cách ly. “Do học sinh đông nên huyện đã liên hệ với huyện bạn, mỗi đơn vị nhận khoảng 150 em. Dự kiến sau thời gian cách ly y tế, đơn vị có học sinh cách ly tổ chức phối hợp với gia đình đón học sinh trở về tiếp tục học bình thường. Đồng thời, tổ chức cho phụ huynh học sinh (hoặc người đại diện) của các em hoàn thành cách ly ký cam kết ở Việt Nam tiếp tục học tập trong thời gian phòng, chống dịch bệnh”, ông Lâm cho biết thêm.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/vung-lu-san-sang-cho-nam-hoc-moi-633920