Vùng ly khai Transnistria ở Đông Âu yêu cầu được Tổng thống Nga Putin bảo vệ
Lực lượng nổi dậy thân Nga ở một vùng ly khai của Moldova vừa yêu cầu Tổng thống Nga Putin bảo vệ vùng của họ trước điều mà họ coi là các mối đe dọa từ chính phủ Moldova.
Transnistria ly khai bất hợp pháp khỏi Moldova khi Liên Xô tan rã. Khu vực này được cho là vẫn nằm chắc chắn trong vòng ảnh hưởng của Nga. Trong khi đó, Moldova đang xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Moldova có biên giới giáp với Ukraine.
Trong một đại hội đặc biệt vào ngày 28/2/2024, các chính trị gia Transnistria yêu cầu Nga bảo vệ vùng này trước “áp lực gia tăng từ phía Moldova”. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, điện Kremlin sau đó đã tuyên bố coi việc bảo vệ “đồng bào” là một ưu tiên của mình.
Chuyện gì đã xảy ra tại Transnistria?
Các cuộc họp của Đại hội Đại biểu Transnistria (một mô hình ra quyết định theo kiểu Xô viết) hiếm được tổ chức nhưng thường có tầm quan trọng. Một Đại hội Đại biểu như vậy đã khai sinh Transnistria vào năm 1990, xúc tác cho một cuộc chiến 2 năm sau đó giữa lực lượng ly khai (được Moscow hậu thuẫn) và nước cộng hòa Moldova mới ra đời.
Không có quốc gia nào chính thức công nhận Transnistria. Tuy nhiên, Nga duy trì tại đây một lực lượng quân sự trong nhiều thập kỷ - lực lượng này giảm dần quân số và hiện nay chỉ có khoảng 1.500 quân.
Trước ngày 28/2, cuộc họp quan trọng nhất của Đại hội Đại biểu là vào năm 2006, khi nó thông qua một cuộc trưng cầu dân ý kêu gọi gia nhập Nga. Và vì vậy, khi các chính trị gia Transnistria bất ngờ thông báo triệu tập một cuộc họp mới, giới phân tích cho rằng động thái này có thể kéo theo lời kêu gọi mới về việc thống nhất với nước Nga. Tuy nhiên, các quan chức Moldova và Ukraine đã hạ thấp tính xác thực của đồn đoán đó.
Cuối cùng Đại hội Đại biểu đã không đi tới chỗ kêu gọi gia nhập Nga. Thay vào đó, Đại hội thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga cung cấp sự “bảo vệ” lớn hơn cho trên 220.000 người dân tộc Nga ở Transnistria trước giới chức Moldova.
TASS trích dẫn nghị quyết này như sau: “Transnistria sẽ kiên trì chiến đấu vì bản sắc của mình, các quyền và lợi ích của nhân dân Transnistria và sẽ không từ bỏ việc bảo vệ họ, bất chấp sự hăm dọa hoặc gây áp lực từ bên ngoài”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng “bảo vệ lợi ích các cư dân Transnistria, đồng bào của chúng tôi, là một trong các ưu tiên”.
Còn phát ngôn viên của giới chức Moldova, Daniel Voda, viết trên Telegram: “Không có mối nguy hiểm nào về leo thang căng thẳng hoặc gây bất ổn tình hình trong khu vực này của đất nước chúng tôi. Những gì diễn ra ở Tiraspol (thủ phủ của vùng Transnistria) chỉ là một sự kiện tuyên truyền”.
Trong một thông cáo gửi cho CNN, Cục Tái hội nhập của Moldova nói rằng họ “phản đối các tuyên bố mang tính tuyên truyền của Tiraspol và nhắc nhở rằng vùng Transnistria hưởng lợi từ các chính sách hòa bình, an ninh và hội nhập kinh tế với EU, có lợi cho tất cả các công dân”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller hôm 28/2 nói rằng Mỹ đang “theo dõi sát sao hành động của Nga ở Transnistria và tình hình rộng lớn hơn”.
Ai nắm giữ Đại hội vào lúc này?
Xung đột vũ trang Nga - Ukraine có tác động sâu sắc lên nền kinh tế của Transnistria. Ukraine đóng cửa biên giới với Transnistria khi cuộc xung đột đó nổ ra - điều này cắt giảm tới 1/4 thương mại của vùng.
Mặc dù Transnistria vẫn được nhận miễn phí khí đốt của Nga, thỏa thuận cho phép trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ hết hạn vào tháng 12/2024 và không có bảo đảm nào thỏa thuận này sẽ được gia hạn.
Xung đột Ukraine cũng thúc đẩy Moldova nỗ lực giải quyết xung đột hàng thập kỷ với Transnistria. Một phần cùng vì xung đột Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã trao cho Moldova tư cách ứng viên vào tháng 6/2022. Đến tháng 12/2023 EU bật đèn xanh cho việc Moldova đàm phán gia nhập EU.
Tổng thống Moldova, Maia Sandu, chỉ ra rằng bà sẽ sẵn sàng gia nhập EU mà không cần có Transnistria. Tuy nhiên, việc thống nhất Transnistria vào lãnh thổ Moldova sẽ làm cho quá trình gia nhập này trơn tru hơn.
Trên tinh thần đó, Moldova vào tháng 1 bất ngờ dỡ bỏ các trợ cấp thuế quan dành cho các doanh nghiệp Transnistria, buộc họ phải nộp thuế cho cả Transnistria và Moldova.
Dumitru Minzarari - giảng viên về an ninh học tại Đại học Quốc phòng Baltic, nói với CNN rằng quyết định của Transnistria tổ chức đại hội đặc biệt là “khởi nguồn trực tiếp” từ việc Moldova áp trở lại thuế quan đối với Transnistria.
Minzarari nói: “Khi miễn thuế cho vùng ly khai, chính phủ Moldova trên thực tế đang cung cấp tiền cho sự tồn tại của chế độ ly khai tại Tiraspol”.
Vì sao Nga quan tâm đến Moldova?
Nếu kế hoạch “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine suôn sẻ trong giai đoạn đầu thì Nga đã chiếm được thủ đô Kiev và phần còn lại của quốc gia Đông Âu này, bao gồm cả đường bờ biển nối tới thành phố Odessa gần Transnistria.
Khi ấy, tư lệnh Quân khu miền Trung của Nga, tướng Rustam Minnekaev, cho biết một mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” là thiết lập hành lang đi xuyên qua miền Nam Ukraine tới Transnistria, khi Nga tìm cách thống nhất với “đồng bào ở nước ngoài”.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ nhận định vào tuần trước rằng “Kremlin tìm cách sử dụng Transnistria như công cụ ủy nhiệm để làm lệch quá trình Moldova xin gia nhập EU”.
Tổng thống Putin nêu lý do Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành tấn công quân sự ở miền Đông Ukraine từ năm 2022 là nhằm bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở đây mà theo ông Putin là đang đứng trước mối đe dọa từ Kiev.
Giảng viên Minzarari cho rằng có “những nét tương đồng rõ rệt” giữa lập luận trên của ông Putin và các tuyên bố do chính quyền Transnistria đưa ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, lãnh đạo của vùng ly khai Transnistria, Vadim Kranoselsky, tuyên bố rằng chính phủ Moldova đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công khủng bố vào Transnistria trước khi đưa quân vào đây, nhưng ông không cung cấp bằng chứng cho điều này.