Vùng miền núi Vĩnh Linh cần được trợ giúp

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các xã vùng miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh. Sau mưa lũ, hiện nay công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được các địa phương khẩn trương thực hiện.

 Huyện Vĩnh Linh ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho xã Vĩnh Ô khắc phục sau thiên tai - Ảnh: NT

Huyện Vĩnh Linh ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho xã Vĩnh Ô khắc phục sau thiên tai - Ảnh: NT

Theo thống kê ban đầu, tại 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, bão số 5 vào tháng 9/2020 cùng áp thấp, lũ lụt 2 đợt diễn ra ngày 6- 12/10 và từ 16 - 21/10/2020 đã làm gãy đổ 15 ha rừng tràm phân tán; ngập 3 ha nuôi trồng thủy sản; trụ sở làm việc UBND xã Vĩnh Khê hư hỏng 300 m2 mái tôn; khu văn hóa thể thao xã Vĩnh Hà sạt lở đất đắp san nền 35 m3. Riêng xã Vĩnh Ô bị ảnh hưởng nặng nhất về giao thông cũng như nông nghiệp. Toàn xã có trên 5 ha lúa rẫy đang thời kỳ trổ bông; 6,65 ha hoa màu; hơn 3 ha đất nông nghiệp, gần 12 ha rừng tràm… bị thiệt hại. Sạt lở 30 m kè chắn dọc suối; 370 m đường nội thôn; 3 mố cầu gồm cầu Khe Cam, Khe Lư, cầu nối Bản 2- Bản 3 cùng nhiều đoạn trên tuyến đường từ Bản 2 đến Bản 8. Nước cuốn trôi 300m đường dẫn ống nước từ đập về bản; đập đất Bản 2 bị vỡ 20m; 2.000m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng. Đường giao thông thôn Lền lên Bản 3 sạt nền đường 315 m3, trôi gần 70 cọc tiêu…Tổng thiệt hại ước khoảng 2 tỉ đồng. Đặc biệt, mưa lũ làm sạt lở, trôi tràn liên hợp qua Bản Thúc tại Km 20+ 348 tỉnh lộ 571. Đây là tuyến đường chính nối từ thị trấn Bến Quan vào trung tâm xã Vĩnh Ô rồi đi đến các thôn, bản khiến giao thông bị chia cắt. Hệ thống trụ điện bị gãy đổ gây mất điện toàn địa bàn. Đời sống của trên 350 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu xã Vĩnh Ô rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Ngay sau khi mưa có chiều hướng giảm, lũ dần rút, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo chính quyền và lực lượng chức năng các xã miền núi tập trung khắc phục nhanh thiệt hại. “Cùng với nhiều hoạt động cứu trợ khẩn cấp, huyện đã kịp thời thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về phân bổ gạo cứu đói cho Nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Ngày 24/10/2020, UBND huyện Vĩnh Linh tiến hành bàn giao trên 46,6 tấn gạo cứu trợ cho 9 xã. Trong đó 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà được phân bổ gần 11,2 tấn gạo cho gần 520 hộ, khoảng 1.800 khẩu. Đối với xã Vĩnh Ô, định mức hỗ trợ 7 kg gạo/nhân khẩu cần được hỗ trợ gạo. Các xã còn lại 5 kg gạo/ nhân khẩu cần được hỗ trợ gạo. Huyện huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự trợ giúp từ nhiều phía, có phương án ứng trợ, tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo đời sống người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, các xã khẩn trương tập hợp tối đa nhân lực, phương tiện sửa chữa, giải phóng, xử lý tạm thời các công trình giao thông, lưới điện, thủy lợi. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng thông tin: “Đến nay, cơ bản 5 điểm giao thông bị ách tắc do mưa lũ trên địa bàn xã Vĩnh Ô đã được thông tuyến và hiện đang tiếp tục thực hiện đối với các tuyến còn lại. Từ ngày 21/10 lưới điện cũng đã được khắc phục. Song song với đó, xã đã bố trí lực lượng chức năng ứng trực tại các điểm xung yếu, hướng dẫn, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không di chuyển xung quanh khu vực nguy hiểm, chia cắt, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là các ngầm, tràn nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra khi mà mưa lớn khiến mực nước sông, suối dâng cao và khả năng sạt lở lớn”. Các xã nắm bắt, nhận định sát tình hình thực tế, phối hợp cơ quan chuyên môn thống kê thiệt hại về sản xuất nông nghiệp nhằm đề xuất hình thức hỗ trợ hiệu quả, thiết thực về giống, vật tư, phương tiện sản xuất… cho Nhân dân. Bố trí lực lượng xung kích, các hội, đoàn thể về cơ sở cùng người dân gia cố nhà cửa, vệ sinh môi trường, cải tạo diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng do thiên tai.

Nhờ sự quan tâm bằng nhiều chính sách, chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi huyện Vĩnh Linh nói riêng, toàn tỉnh nói chung những năm qua đã có những đổi thay đáng kể. Tuy vậy, nhìn chung nguồn lực các địa phương còn hạn chế, đời sống Nhân dân vùng miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Sau các đợt thiên tai, nông thôn miền núi nhiều ngổn ngang, bộn bề, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm vất vả. Vì thế cùng với nỗ lực khắc phục hậu quả bước đầu do mưa bão, lũ lụt, các địa phương miền núi mong muốn, đối với những công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng, cần nguồn lực lớn để tu sửa, nâng cấp như giao thông, thủy lợi… các cấp, ngành liên quan sớm xem xét, có kế hoạch phân bổ kinh phí khắc phục khẩn cấp nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu phương án hỗ trợ lâu dài, bền vững về công tác phòng, chống thiên tai tại các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152742