Vùng mỏ Sin Quyền: Nguy cơ giảm sản lượng khai thác vì vướng mặt bằng

Khu vực bãi thải mỏ đồng Sin Quyền đã tới giới hạn đổ thải, tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng các bãi thải còn lại của dự án đang gặp nhiều khó khăn.

Theo quy hoạch, khu vực thôn Nậm Chỏn, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bãi đổ thải phục vụ khai thác mỏ đồng Sin Quyền. Đất, đá được bóc ra từ các khai trường đều đổ dồn về đây, không khó để nhận ra bãi đổ thải mỗi ngày càng tiến sát về phía khu dân cư. Cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico cho biết: Thiết kế bãi thải đã được duyệt, tuy nhiên do vướng mặt bằng nên các dự án liên quan đến hạ tầng bãi thải không triển khai được. Tại khu vực thôn Bản Trang, xã Cốc Mỳ - nơi được quy hoạch xây dựng bãi thải quặng đuổi giai đoạn 2 - trong vùng lõi dự án hiện vẫn còn một số hộ sinh sống, nên việc thi công các hạng mục của dự án này phải tạm dừng gần 2 năm qua.

Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khoáng sản TKV, nằm trên địa bàn 2 xã Bản Vược và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), tổng trữ lượng khoảng 53,5 triệu tấn quặng đồng, hàm lượng trung bình là 0,95% Cu, trong đó có cả trữ lượng vàng, bạc, sắt, lưu huỳnh và đất hiếm. Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico được giao quản lý 2 mỏ, là mỏ đồng Sin Quyền khai thác bằng phương pháp lộ thiên và mỏ đồng Vĩ Kẽm khai thác bằng phương pháp hầm lò, với tổng công suất 2,5 triệu tấn quặng/năm. Hằng năm, chi nhánh sản xuất được 90.000 tấn tinh quặng đồng hàm lượng 25% Cu, khoảng 150.000 tấn tinh quặng sắt hàm lượng 64% Fe, khối lượng bóc đất đá từ 12 - 14 triệu m3/năm.

Ông Trần Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico cho biết: Theo quy hoạch, cần giải phóng mặt bằng 240 ha khu vực bãi thải rắn và bãi thải quặng đuôi, tuy nhiên đến nay mới giải phóng được 160 ha, còn 80 ha chưa giải phóng xong, trong số này có 30 ha tại thôn Nậm Chỏn, xã Cốc Mỳ thực sự cấp thiết.

Chi nhánh đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương tìm nhiều giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn chậm. Cụ thể, đối với 13 hộ sử dụng đất lúa, hiện nay đã tổ chức công khai phương án với 8 hộ, còn 5 hộ đang hoàn thiện hồ sơ áp giá để tổ chức công khai phương án. Đối với 37 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận đất ở nhưng đã xây dựng nhà ở sau thời điểm 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014, đã thống kê kiểm đếm 37 hộ, trong đó đã điều chỉnh thông báo thu hồi đất 17 hộ, đang hoàn thiện hồ sơ để Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện hoàn thiện, trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, điều chỉnh thông báo thu hồi cho 20 hộ còn lại. Đơn vị đã đề xuất và được Tổng Công ty Khoáng sản - TKV đồng ý hỗ trợ kinh phí còn lại (khoảng 40% giá trị tài sản, hoa màu) để tháo gỡ khó khăn và ổn định đời sống cho người dân.

Đối với 20 hộ không phối hợp trong việc thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu do không nhất trí với loại đất theo kết quả đo đạc là đất rừng sản xuất, vì hiện trạng có cây hằng năm (cây sắn). Đã tuyên truyền, vận động được 8/20 hộ làm hồ sơ, các hộ còn lại đòi được bồi thường là đất trồng cây hằng năm.

Ngoài ra, một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp năm 2007, tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp năm 2007 không đúng diện tích theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 106 Luật Đất đai 2013. UBND huyện Bát Xát đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện, UBND xã Cốc Mỳ tuyên truyền, vận động để đồng thuận điều chỉnh giảm diện tích trên giấy chứng nhận đã cấp và hủy giấy chứng nhận đã cấp.

Công tác giải phóng mặt bằng chậm không chỉ khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, sản xuất của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico. Theo lãnh đạo chi nhánh, theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn thiện cách đây 2 năm, tuy nhiên mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Công tác giải phóng mặt bằng chậm kéo theo nhiều hệ lụy, có những gói thầu phải bỏ khi không thể triển khai, bãi thải rắn đã gần chạm ngưỡng, nếu không nhanh chóng bố trí được vị trí đổ thải sẽ phải giảm sản lượng khai thác, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy tuyển…

Tại buổi làm việc mới đây giữa huyện Bát Xát và Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico liên quan đến nội dung này, lãnh đạo UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã Cốc Mỳ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để bà con yên tâm lao động, sản xuất. Cùng với đó, nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế trong sản xuất gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ông Trần Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đề nghị Tổng Công ty Khoáng sản TKV bổ sung kinh phí hỗ trợ người dân, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện Bát Xát và chính quyền các xã liên quan giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358730-vung-mo-sin-quyen-nguy-co-giam-san-luong-khai-thac-vi-vuong-mat-bang