Vùng mỏ vững bước vào Xuân

Quảng Ninh đã và đang thực sự đổi thay toàn diện. Cảm nhận ấy không phải của riêng du khách xa gần mà là niềm tự hào của chính những người con đang ngày ngày gắn bó, đóng góp vào sự 'thay da đổi thịt' của vùng Mỏ. Tết đến, Xuân về! Nhìn lại thành quả của một năm 2022 đầy khó khăn, thách thức, người dân Quảng Ninh càng thấy được sức mạnh của tinh thần 'Kỷ luật và Đồng tâm' cùng khát vọng đổi mới, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ. Từ thành quả của hơn 3 năm vững vàng trong đại dịch, toàn tỉnh đang vững bước, tự tin trên chặng đường thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.

Dấu ấn những công trình mang khát vọng đổi mới

Ngày 1.9, hai tháng trước thời điểm kỷ niệm 59 năm ngày thành lập tỉnh (30.10.1963 - 30.10.2022), tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, mảnh ghép hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc đã được tỉnh Quảng Ninh khánh thành đưa vào sử dụng. Cùng với 2 tuyến cao tốc đã được hoàn thành trước đó là Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn, đã tạo thành trục cao tốc dài 176km chạy qua 8 huyện, thị, thành phố đến cửa khẩu Móng Cái; kết nối liên thông với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; góp phần đưa Quảng Ninh là địa phương hiện có số kilomet cao tốc lớn nhất cả nước. Với nhiều giá trị khác biệt, Vân Đồn - Móng Cái không chỉ là tuyến đường mở ra động lực, cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn thể hiện khát vọng đổi mới, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Theo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022), trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, KKT; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI…

Cùng với Vân Đồn - Móng Cái, trong năm 2022, Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng nhiều công trình động lực quan trọng như: cầu Tình Yêu (cầu Cửa Lục 1), đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... Tỉnh cũng đã khởi công mới Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 342. Các dự án chuyển tiếp như cầu Cửa Lục 3, giai đoạn II đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và một số công trình quan trọng khác đang được đẩy nhanh tiến độ.

Những nhiệm kỳ gần đây, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông luôn được Quảng Ninh xác định là một trong ba đột phá chiến lược được ưu tiên xuyên suốt với tầm nhìn dài hạn. Trong đó, tỉnh kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là "vốn mồi" để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, từ một địa phương có hạn chế lớn nhất là hạ tầng giao thông, Quảng Ninh hiện đã nằm trong top các địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

Thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao. Nguồn: ITN

Thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao. Nguồn: ITN

“Không có áp lực, không có kim cương”

Cùng với những thành tựu về hạ tầng giao thông, 2022 cũng là năm Quảng Ninh ghi dấu ấn toàn diện, nổi bật ở nhiều lĩnh vực. “Không có áp lực, không có kim cương”! Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song trên cơ sở thành quả hai năm liên tiếp (2020 - 2021) thực hiện thành công “mục tiêu kép”, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ đề công tác “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Qua đó, huy động hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt khó khăn, thử thách; giữ vững địa bàn an toàn, thích ứng linh hoạt, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đà đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên...

Với quyết tâm cao độ và những giải pháp đổi mới, sáng tạo, tỉnh đã khép lại năm 2022 với thành tích giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (từ năm 2016); hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường; GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Không chỉ kinh tế, thành tựu phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách vùng miền… cũng gặt hái những thành tự nổi bật toàn diện, nổi bật. Trong năm qua, nhiều chương trình văn hóa, thể thao lớn mang tầm khu vực và quốc gia (7 môn thi đấu SEA Games 31; Đại hội đồng EATOF 17 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX…) được tỉnh tổ chức thành công cũng đã lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại, “điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển con người

2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng là năm kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh. Với tính chất bản lề và ý nghĩa quan trọng ấy, “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là chủ đề công tác xuyên suốt năm. Tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số; xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân…

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh xác định gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của "hạnh phúc"; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, "kỷ luật và đồng tâm", sức sáng tạo, khát vọng vươn lên xây dựng phát triển quê hương đất nước phồn vinh của người dân Quảng Ninh...

Trong nội dung phát biểu bế mạc kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Khóa XIV vừa qua, nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy: “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đề nghị, toàn tỉnh phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị thật sự có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển của địa phương gắn với tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại nâng cao chất lượng cán bộ, công chức viên chức và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Biến những khó khăn, thử thách và những mâu thuẫn, thách thức nảy sinh thành cơ hội để rèn luyện, tôi luyện bản lĩnh ý chí, nghị lực, năng lực sáng tạo...

MẠNH TUÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/vung-mo-vung-buoc-vao-xuan-i313819/