Vững một niềm tin

Mặc dù nhà đứa cháu ở ngay gần đây, chạy xe máy tầm mười phút là tới nhưng ông Long vẫn tới trung tâm hành chính công của tỉnh từ sớm. Đi sớm đợi trước kẻo lát nữa đến giờ làm việc, xếp hàng đông đúc lại mất công chờ, có khi mất ngày mất buổi còn chưa nộp được hồ sơ.

Nhiều người cũng có suy nghĩ giống ông nên còn hơn hai mươi phút nữa mới đến giờ làm việc mà đã có mấy người cầm hồ sơ trên tay, ngồi đợi ở ghế đá dưới những tán cây xanh mát trong khuôn viên. Có người có lẽ nhà xa, tranh thủ đi từ sáng sớm nên lúc này vừa ngồi đợi, vừa lấy xôi, bánh mì ra ăn sáng.

Thế này thì còn gì bằng. Tự nhiên ông Long khẽ cười. Dẫu là đang chờ đợi, có thể lo lắng không biết liệu trong ngày hôm nay hồ sơ, giấy tờ của mình có được giải quyết cho xong hay không, bữa ăn cũng chỉ là nắm xôi, củ khoai, củ sắn nhưng ngồi ăn dưới bóng cây xanh mát, hít thở không khí buổi sáng trong lành, lại được nghe cả tiếng chim gọi nhau lích rích trên vòm lá. Bao nhiêu người ở các thành phố lớn còn phải trả tiền đi du lịch trải nghiệm mới được tận hưởng những điều này chứ chẳng đùa.

Đúng là chẳng đâu bằng quê hương mình. Ông Long hít căng lồng ngực hương ban mai tinh khiết, trong lành. Thứ hương có mùi của lá non, mùi cỏ đọng sương, mùi nắng sớm. Dường như chưa lúc nào mùi hương tinh khôi của cao nguyên phai nhạt trong ông, dù cuộc đời đã đưa bàn chân ông đi khắp lối, in dấu lên nhiều nơi. Mấy chục năm trời phiêu bạt nơi xứ người, được trở về nơi mình đã sinh ra, lớn lên và chưa từng nguôi thương nhớ, ông mới thấy cuộc đời mình như trọn vẹn, như không còn phải tiếc nuối điều gì. Ngày đầu tiên trở về, ông trèo đồi, tắm suối, để bàn chân trần được tiếp xúc với hơi ấm của đất đai, xứ sở đã nuôi dưỡng ông thành người. Ở giữa quê nhà, dường như vị cà phê thân thuộc cũng nồng nàn và quyến rũ hơn. Ông nhận ra, quyết định trở về của mình là điều đúng đắn.

Mấy chục năm, thời gian đủ để một con người trưởng thành, thậm chí là già đi, cũng đủ để thay da, đổi thịt một vùng đất. Ông ngắm nhìn con đường nhựa thênh thang ngược xuôi xe cộ qua lại, ngắm nhìn những trụ sở khang trang, những ngôi nhà cao tầng bình yên trong làn sương mỏng buổi sớm. Ngày ông đi theo bước đường mưu sinh, thành phố hãy còn là một thị trấn nhỏ với đồi núi chập chùng, với những con đường đất đỏ dẻo quánh cùng những ngôi nhà lụp xụp nằm buồn bã trong cơn mưa chiều phố núi. Giờ thì quê hương ông luôn thương nhớ đã như một cô gái đang độ tuổi xuân thì, rực rỡ và tràn căng sức sống.

- Anh Long! Anh Long có phải không?

Ông quay lại nhìn người đang gọi mình. Một người phụ nữ chừng năm mươi có vẻ nhanh nhẹn, tháo vát bước lại, ngồi xuống cạnh ông:

- Em Hòa đây, Hòa em gái anh Vũ nhà ngay bên cạnh nhà anh, trước học chung với anh mà anh không nhớ ạ? Cũng gần ba mươi năm rồi còn gì.

Nỗi xúc động khi gặp lại người quen cũ khiến ông lặng đi trong phút chốc. Làm sao anh quên được Vũ, người bạn thân thiết từ thời ấu thơ. Cả Hòa nữa, cô em gái nhỏ ngày nào còn lẽo đẽo theo chân ông và Vũ nghịch ngợm khắp nơi, thấy ông thích ai là về mách bố mẹ ông tội… yêu sớm. Ngày cô bé Hòa vụt lớn thành thiếu nữ, ông thầm thương mà chưa kịp nói thì lại đi nước ngoài. Chuyện tình vu vơ đành xếp lại như một kỷ niệm đẹp, thỉnh thoảng nhớ lại rồi mỉm cười. Những ký ức bên bạn bè, người thân, quê hương hóa thành ngọn lửa nhỏ ấm áp sưởi ấm ông trong những ngày cô đơn nơi xứ người xa lạ. Giờ Hòa có lẽ cũng đã lên chức bà nội, bà ngoại. Ông cũng đã ngoài năm mươi, tóc cũng bạc quá nửa. Ông cũng định sắp xếp công việc xong sẽ đi thăm gia đình những người bạn cũ. Thấy hồ sơ trên tay ông, Hòa hỏi:

- Anh về lâu chưa? Sao hôm nay anh lại ở đây?

Ông Long nhẹ nhàng trả lời:

- Tôi mới về cô ạ. Tôi lên làm hồ sơ thuê đất ở khu công nghiệp của tỉnh mình. Cũng đang tính lo xong việc rồi qua nhà thăm gia đình ta. Thế các cụ nhà mình vẫn khỏe cả, Vũ vẫn khỏe chứ cô?

Dường như thời gian không làm mất đi tính cách sôi nổi, xởi lởi của Hòa. Cô vui vẻ:

- Bố mẹ em nhờ trời vẫn khỏe mạnh, minh mẫn anh ạ. Anh Vũ cũng khỏe, các cháu trưởng thành cả rồi nên giờ ở nhà suốt ngày chim cò với cây cảnh thôi. Anh tính đầu tư gì hay sao mà làm hồ sơ thuê đất ở khu công nghiệp tỉnh mình?

Ông Long không giấu giếm:

- Tôi thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông sản sạch, đặc sản của tỉnh mình để xuất khẩu. Mấy chục năm lăn lộn nơi quê người cũng để dành được tí vốn, nay gần cuối đời rồi quay về. Trước là đầu tư làm ăn, sau là cũng muốn góp chút công sức xây dựng quê hương cô ạ.

Nghe ông nói, Hòa đứng vụt dậy, vui mừng:

- Trời ơi, hôm nay chắc em ra đường gặp quý nhân. Em đi xin mã số dự án đầu tư cho sản phẩm cà phê, mắc ca, bơ, chanh dây, sầu riêng. Mấy năm nay vùng mình khấm khá hơn nhờ các sản phẩm này anh ạ. Biết đâu, anh em mình lại hợp tác được.

Vẫn nhanh nhẹn như ngày nào, Hòa kéo ông Long đứng dậy:

- Đến giờ làm việc rồi, mình vào đi anh.

Ông ngập ngừng níu tay Hòa lại, hỏi nhỏ về “thủ tục”. Ông đã nghe nhiều người nói về sự nhiêu khê, phức tạp khi đi làm các thủ tục hành chính. Thậm chí, có người còn dặn ông phải chuẩn bị sẵn các thứ lót tay nếu muốn mọi việc được nhanh chóng, thuận tiện. Có người còn bảo cũng muốn đầu tư, muốn mở rộng việc này việc kia cho quê hương nhưng cứ nghĩ đến thủ tục hành chính là phát nản nên thôi. Họ can ông, có tiền thì gửi tiết kiệm rồi hưởng thụ, du lịch cho sướng cái thân già chứ làm lụng cả một đời rồi còn lao đầu vào làm ăn gì nữa cho khổ. Các con ông thì khác, chúng luôn ủng hộ bố. Chúng nó trẻ, tiếp cận cái mới nhanh nên khi nghe mọi người xì xào, chúng bảo bây giờ khác trước rồi, đất nước đổi mới, hòa nhập, phát triển nên mọi thứ thuận tiện hơn nhiều. Rồi chúng động viên bố, mới ngoài năm mươi tuổi đâu đã gọi là già. Sau này, chúng cũng sẽ về theo bố. Những lời của con là động lực tiếp sức ông quyết tâm trở về. Cũng phải để các con ông, các cháu ông biết nguồn cội của mình chứ. Và sẽ tốt hơn nếu chúng cùng ông đền đáp ân tình của quê hương, xứ sở.

Hòa nghe ông hỏi, nhíu mày. Cô không tự ái, cũng không gay gắt khi nghe người khác nói những điều tiêu cực mà chỉ nhẹ nhàng giải thích. Những điều anh nghe được xưa như trái đất rồi anh ơi. Bây giờ là chính quyền phục vụ Nhân dân, chuyển đổi số rồi cải cách hành chính, không ai làm thế cả. Có nhiều thủ tục anh chỉ cần ở nhà gửi qua mạng, kết quả được gửi trực tiếp cho anh luôn. Tiện lắm anh ạ.

Nghe được lời Hoa nói, một người đứng cạnh ông Long cũng góp chuyện. Ngày xưa mà đi làm thủ tục hành chính, nhất là mấy cái thủ tục đất đai sao nó nhiêu khê, phức tạp, có khi cả tháng còn chưa xong. Rồi thì đủ mọi loại giấy tờ, nay giấy này, mai giấy khác. Có người mua mảnh rẫy mà đến cả năm mới xong thủ tục chứng nhận quyền sử dụng. Nhưng mà giờ khỏe rồi. Từ ngày cải cách hành chính, người dân khỏe hẳn. Như tôi đây này, thằng con trai chuẩn bị lấy vợ, tôi tách thửa đất ra cho nó làm nhà, chỉ đúng hai mươi ngày là có kết quả. Đã thế, không biết chỗ nào còn được hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể lắm. Ông cứ yên tâm đi. Mà ông cứ nhìn xem, phải thế nào thì mới phát triển được như ngày hôm nay, đường, nhà cửa khang trang, ô tô chạy đầy đường thế kia chứ. Bao nhiêu công ty, doanh nghiệp cũng đang tìm về tỉnh mình đầu tư đấy.

Một chị khác tiếp lời, đúng đấy bác ạ. Cháu đi từ dưới huyện lên để làm giấy tờ chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài. Cứ sợ phải ở lại mà chỉ hơn tiếng là xong. Hôm nay cháu lên nhận giấy tờ để tháng sau bay đây ạ. Đúng là bây giờ cũng tiện, đỡ bao nhiêu công sức.

Hòa kéo tay ông:

- Đấy, anh thấy chưa? Cứ yên tâm đi theo em. Hôm nay còn là thứ tư, “ngày không viết, ngày không hẹn”. Hôm nay anh đi là được các cháu tình nguyện viên viết thay hoặc đánh máy các loại giấy tờ, hồ sơ theo yêu cầu của từng loại thủ tục. Anh thấy tiện chưa? Bây giờ á, làm xong anh còn nhấn nút đánh giá cho những người đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn giải quyết cho anh nữa đấy. Tất cả vì Nhân dân phục vụ mà lại.

Ông bước theo Hòa, đến bàn thanh niên tình nguyện hướng dẫn để làm thủ tục. Nhìn màu áo xanh ngời lên sức trẻ, những nụ cười tươi, những đôi mắt sáng và sự kiên trì, nhẫn nại của họ, tự nhiên ông thấy tin tưởng hơn bao giờ hết vào sự đổi thay trên mảnh đất cao nguyên đầy yêu thương này…

Việt Thu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/vung-mot-niem-tin-212216.html