Vùng ngọt Cà Mau liên tục bị sụt lún, sạt lở đất
Mới vào đầu mùa khô nhưng trên địa bàn vùng ngọt của tỉnh Cà Mau, khá nhiều nơi kênh rạch bị cạn khô dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gây hư hỏng nhiều hạ tầng vùng nông thôn.
Nặng nhất về sụt lún, sạt lở đất là địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Từ đầu năm 2024 đến ngày 21/2, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện này có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn, xảy ra sụt lún, sạt lở đất tại 327 vị trí với tổng chiều dài gần 9.000m.
Trong đó, sụt lún, sạt lở đất làm hư hỏng hơn 6.500m đường bê-tông, còn lại đường đất đen, thiệt hại ban đầu về tài sản ước tính hơn 11,6 tỷ đồng.
Địa bàn sạt lở nặng nhất tại Trần Văn Thời là khu vực vùng ngọt xã Khánh Hải (hơn 100 vị trí sụt lún, sạt lở); kế đó lần lượt tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông…, mỗi nơi xuất hiện vài chục vị trí sụt lún, sạt lở làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ứng phó trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo chính quyền các địa phương vùng ngọt, đặc biệt là huyện Trần Văn Thời tăng cường các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ các công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông.
Giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở được đưa ra là: Theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân, không để bơm nước tràn lan làm khô cạn kênh, mương gây thiệt hại.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện nạo vét, múc kênh rạch, không để các phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Hạ tải một số tuyến đường có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở…
Không để người dân múc, nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở. Tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng…
Tại huyện Trần Văn Thời, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, sụt lún đất, Ban Thường vụ Huyện ủy còn ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn, được triển khai rộng rãi đến các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn và địa bàn các khóm, ấp nhằm tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
Tại hội nghị triển khai Chỉ thị 09, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Nhứt yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, không lơ là, chủ quan; xem công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vung-ngot-ca-mau-lien-tuc-sut-bi-lun-sat-lo-dat-post796949.html