Vững niềm tin vì một quê hương thịnh vượng, văn minh
Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã dành cho Báo Đồng Tháp cuộc phỏng vấn đầu năm. Những thành tựu và khát vọng trên hành trình xây dựng quê hương là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa với Nhân dân tỉnh nhà.
Phóng viên: Bức tranh kinh tế - xã hội của Đồng Tháp trong năm 2023 được khắc họa đậm nét với hình ảnh một địa phương mà nơi đây Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng chung sức vượt qua thử thách, chung tay xây dựng quê hương phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống yên bình của người dân. Ông vui lòng chia sẻ đôi điều về những thành tựu quan trọng của tỉnh nhà trong năm qua?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Tôi rất đồng tình với nhận định trên, có thể nói, năm 2023 trải qua nhiều biến động và thử thách, nhưng cũng là năm gặt hái nhiều kết quả của tỉnh Đồng Tháp. Nhờ sự chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện đạt kết quả trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì mức khá cao trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Các chương trình, đề án lớn của tỉnh đều đạt kết quả khả quan, bảo đảm tiến độ thực hiện, 5 mũi đột phá chiến lược đạt kết quả đáng ghi nhận. Trên từng lĩnh vực ghi nhận sự thích ứng, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành và đổi mới, sáng tạo.
Giá trị tăng thêm của khu vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng đạt 3,95%, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (3,7%). Ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, với tốc độ tăng trưởng của ngành ước đạt 6,34%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất ổn định và có tăng trưởng so với năm 2022, trong đó thủy sản chế biến tăng 8,52%; gạo xay xát, lau bóng tăng 35,28%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2023 tăng 13,63% so với năm 2022. Du lịch Đồng Tháp không chỉ tạo được dấu ấn đột phá mà còn phát triển thêm nhiều điểm du lịch đặc trưng, cùng với phát huy những lợi thế như: tổ chức các sự kiện, nâng cấp các lễ hội, khôi phục các chợ quê, chợ chiếu... đã góp phần thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch (tăng trưởng gần 13,6%), với doanh thu đạt ngưỡng 1.900 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 14%), gấp đôi doanh thu của năm 2019.
Quy mô kinh tế được nâng cao, đạt mốc trên 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt vượt kế hoạch, do hầu hết bà con nông dân trúng mùa, trúng giá về nông sản, nhất là về giá lúa, gạo ở mức cao, đây là tín hiệu tích cực cho thấy các ngành, lĩnh vực đang phục hồi, tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích thiết thực cho người dân tỉnh nhà. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, thực hiện kịp thời, đầy đủ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định. Giữ vững quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Prây-veng và Ban-tây Miên-chay (Vương quốc Campuchia); các địa phương thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Đặc biệt là các chương trình trọng tâm và các mũi đột phá của tỉnh đều đạt kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Theo đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện tốt; tuyển sinh và đào tạo nghề vượt 16,6% kế hoạch; giải quyết việc làm cho hơn 38.500 lao động, vượt 28% kế hoạch, hỗ trợ hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 34% kế hoạch; các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì và nâng cao về chất lượng; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tình hình doanh nghiệp tiếp tục phát triển, toàn tỉnh có 675 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.121 tỷ đồng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo tiếp tục đạt tích cực, huy động học sinh đến trường ở các cấp học năm học tiếp tục được đảm bảo...
Phóng viên: Đồng Tháp lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của bộ máy công quyền. Vậy, trong năm qua, địa phương đã có những hành động cụ thể nào thể hiện rõ tinh thần quyết tâm đó, thưa ông!
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với phương châm và khẩu hiệu đã đặt ra “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá - Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”, UBND tỉnh mạnh dạn đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng kiến tạo phát triển, tạo sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực. Tỉnh tiếp tục duy trì tính tiên phong, đổi mới trong tư duy, phương thức thông qua nâng chất nhiều mô hình mới, sâu sát hơn trong cách làm, điển hình như lần đầu tiên triển khai mô hình Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ); chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so với đánh giá trước); kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 99,73%... Công tác cải cách hành chính giữ vững sự cải tiến với chuỗi thành tích 15 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về PCI; chỉ số PAPI xếp trong nhóm trung bình cao; chỉ số PAR Index xếp trong nhóm tốt (nhóm B).
Mạnh dạn đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành bằng những giải pháp kiên quyết trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút và triển khai dự án đầu tư tư nhân, xuất khẩu để tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực tăng trưởng. Kết quả tỷ lệ giải ngân đầu tư công do tỉnh phân bổ và quản lý tính đến ngày 31/12/2023 đạt 93,28%. Các dự án cao tốc: Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1), Mỹ Thuận - Cần Thơ, Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn 1), nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, tuyến tránh Quốc lộ 30 - TP Cao Lãnh đồng loạt triển khai.
Phương thức xúc tiến đầu tư được đổi mới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp; Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công các lễ hội gắn với văn hóa, con người, ngành nghề đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp vừa phát huy văn hóa vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung, Lễ hội Xoài Đồng Tháp; tổ chức, phục dựng thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp”...
Đây là kết quả từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và đặc biệt là sự vào cuộc tự tin của cả hệ thống chính trị tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu theo Bản cam kết hành động năm 2023, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Phóng viên: Ông từng có những chia sẻ tâm huyết về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh với lời nhắn nhủ: “Kiến thức là vô tận, sự học ở muôn nơi”. Ông có thể thông tin thêm về những điểm đáng tự hào mà địa phương đạt được ở lĩnh vực này trong thời gian qua?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển cho tương lai. Với tinh thần đó, thời gian qua, Đồng Tháp luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài, đạt nhiều kết quả tích cực. Điển hình, Đồng Tháp là địa phương có 2 thành phố được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc chứng nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu; chất lượng giáo dục Đồng Tháp đã từng bước khẳng định vị thế; toàn tỉnh có 89,37% hộ gia đình được công nhận hộ gia đình học tập; 82,41% dòng họ được công nhận dòng họ học tập... Có nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập, vươn lên trong cuộc sống, có đóng góp to lớn cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Mô hình Tổ nhân dân tự quản thực hiện công tác khuyến học được thực hiện khá tốt với 12.355 tổ lồng ghép khuyến học.
Tôi bày tỏ mong muốn rằng, tinh thần học tập, học tập suốt đời tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Việc học tập không chỉ là trau dồi kiến thức mà đó còn là học làm người, học truyền thống văn hóa tốt đẹp và tinh thần yêu nước, yêu quê hương Đồng Tháp để từng cá nhân cống hiến, phục vụ cho chính quê hương.
Nhân đây, tôi kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là cùng thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16/01/2024 của UBND Tỉnh về triển khai Phong trào “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển Đất Sen hồng ngày càng phồn vinh, giàu đẹp và xây dựng hình ảnh con người Đồng Tháp “Nghĩa tình - năng động - sáng tạo”.
Phóng viên: Để địa phương tiếp tục tạo được sự chuyển động mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, Đồng Tháp đã đề ra những mục tiêu cốt yếu nào, thưa ông?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Dù nhận diện trong năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, UBND tỉnh vẫn kiên định thực hiện chỉ tiêu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8%, cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,5%. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2024, đề ra kịch bản tăng trưởng và nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đúc kết với phương thức đổi mới mạnh mẽ, đột phá, chủ động tập trung với quyết tâm cao.
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch phát triển từng ngành hàng chủ lực, xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Tập trung thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể; nâng giá trị sản xuất nông sản, nhất là giá trị lúa, gạo, phát huy giá trị tăng trưởng hoa kiểng, thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp.
Thứ hai, phát huy vai trò công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, theo đó sản lượng các mặt hàng công nghiệp chính phấn đấu gia tăng từ 9 - 10%. Cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng công suất hoạt động hiện tại kết hợp với các dự án nhà máy mới có khả năng đi vào hoạt động, tham gia thị trường.
Thứ ba, tập trung rút ngắn thời gian hoàn thành các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sớm tăng tối đa nguồn cung cấp cát san lấp, đất đắp công trình để phục vụ cho công trình đầu tư công xây dựng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh đó bảo đảm phục vụ cho công trình đầu tư của dân cư và tư nhân.
Thứ tư, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, trang thiết bị, vật tư y tế; đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... Công bố và triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2024.
Thứ năm, cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phấn đấu xếp trong “nhóm B” cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX); nhóm “trung bình - cao” cả nước về Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao của cả nước.
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, tiến tới là địa phương chuyển đổi số của vùng. Đặc biệt, chú trọng công tác hỗ trợ người lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Thứ bảy, tiếp tục tập trung công tác bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các ngành và các cấp.
Phóng viên: Sắc Xuân đang ngập tràn trên quê hương Đồng Tháp, ông có lời chia sẻ hay thông điệp gì muốn gửi gắm đến Nhân dân tỉnh nhà trước thềm năm mới?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự tăng tốc trên tất cả lĩnh vực, tạo tiền đề cho năm cuối kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trong điều kiện dự báo nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, thách thức, nhưng với niềm tin sâu sắc, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Tháp thích ứng, linh hoạt bằng trí tuệ, kinh nghiệm được đúc kết, sẽ vượt qua và đạt, vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024, với định hướng trọng tâm: “Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.
Đây là những định hướng lớn trong quy hoạch mang tầm chiến lược, xây dựng Đồng Tháp trở thành địa phương tiên phong, năng động, động lực của vùng, cũng là khát vọng về một Đồng Tháp phát triển thịnh vượng; một địa phương với nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; một địa phương năng động, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình. Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị là quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi người, mỗi nhà đều có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn trong năm mới.
Trong không khí phấn khởi trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, một năm mới đầy triển vọng, tôi rất mong muốn mỗi chúng ta hãy tư duy tích cực, hành động quyết liệt, vững tin phía trước để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, gặt hái được nhiều thành công.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hiền (thực hiện)