Vùng rốn lũ Hương Khê gượng dậy sau lũ
Thời điểm này, nhiều địa phương của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nước lũ đã rút, lớp bùn để lại đặc quánh, tanh tưởi, khắp nơi đầy rác thải, cây cối, xác động vật. Người dân cùng với cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang dọn dẹp nhà cửa vệ sinh môi trường ổn định lại cuộc sống.
Nguy cơ đói kém và dịch bệnh
Bà con nông dân tận dụng cơ hội này để gặt vớt vát những gì còn lại của vụ lúa hè thu. Do bị ngập úng trong nhiều ngày, hầu hết hạt lúa dù còn nằm trên bông đã mọc mầm.
Trước sào ruộng chưa kịp gặt, lũ đã về, chị Phạm Thị Tịnh (38 tuổi, trú tại thôn 6, xã Vĩnh Lộc) chua xót: “Lúa bị nảy mầm hết, ngả sang màu nâu. Bây giờ gặt về người không ăn được, phải phơi rồi đi xay cho trâu bò, lợn, gà ăn”.
Thôn Thượng Sơn, xã Phương Mỹ - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nơi đây có lẽ là vũng thấp trũng nhất của huyện Hương Khê, cứ có mưa lớn là lụt, bởi lẽ vậy nên chẳng ai bất ngờ khi nó là cái “rốn” của trận lũ vừa rồi. Đã hết mưa mấy ngày, nắng gay gắt, nhưng ở đây, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà chìm trong nước, nhiều tuyến đường bê tông bị phủ lên lớp bùn đặc quánh.
Đang dọn dẹp nhà cửa, chị Nguyễn Thị Hằng chỉ vào vết đất còn in rõ mồm một trên tường gỗ ngôi nhà cấp 4 kể: Mới hôm trước, nước lũ vào ngập quá nửa nhà. May là đồ đạc, vật dụng quan trọng gia đình kịp đưa lên kệ sát mái. Còn chị và các con phải sang nhà người quen lánh nạn. Hôm nay nước rút một phần, còn ngập quá đầu gối nhưng sốt ruột quá nên chị về dọn dẹp dần.
Nhìn bốn bề xung quanh, ánh mắt ông Lê Quốc Hậu - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ không giấu nổi lo âu. Ông bảo: Hôm nay nước đã rút rất nhiều rồi nhưng thiệt hại thì nặng nề quá. Mưa lũ làm cho 7/8 xóm của xã chìm sâu, chia cắt hoàn toàn. Theo ước tính sơ bộ của UBND xã Phương Mỹ thì khoảng 29 ha lúa và nhiều diện tích hoa màu khác xem như mất trắng hoàn toàn.
Ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết, kết quả đánh giá sơ bộ: 1 người tử vong do ngã xe xuống cống nước; 2.911 nhà dân bị ngập, 900ha lúa còn xanh chưa gặt cùng 1.330ha bưởi Phúc Trạch, 110ha ngô, 108ha cam, 26 trường học, 1.000 công tơ điện… ngập trong nước lũ.
“Đói kém thì thấy rõ trước mắt rồi nhưng thêm một vấn đề đáng lo nữa là, úng ngập kéo dài nay, môi trường xung quanh bị ô nhiễm vì xác động, thực vật thối rữa, phân hủy; nước từ các hố ga, nhà vệ sinh, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc gia cầm tràng lên. Nếu không kịp thời xử lý vấn đề này, thì dịch bệnh rất dễ bùng phát”, ông Kỳ nói.
Hiện tỉnh Hà Tĩnh cũng đã huy động các tổ chức đoàn thể, cùng với các lực lượng vũ trang trực tiếp xuống từng hộ dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa giúp bà con nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Y tế xã tiến hành phun, xịt hóa chất để khử trùng nhà cửa, ao chuồng tránh dịch bệnh nảy sinh và lây lan.
Ấm lòng nơi rốn lũ
Theo lời ông Hậu, bà con xã Phương Mỹ, cũng như bà con Hương Khê dường như đã quen “sống chung với lũ”. Nhờ đó, hễ thấy mưa kéo dài, nước sông Ngàn Sâu bắt đầu dâng là bà con nhân dân nhanh chóng chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng, lúa gạo tài sản đáng giá gác lên sát nóc nhà. Trâu bò, lợn gà và các vật nuôi được vận chuyển đến những nơi khô ráo, còn người dân thì di chuyển đến các nhà cao ráo để ở nhờ. “Kỹ năng” này có lẽ không ai muốn có nhưng lâu dần cũng thành quen – ông Hậu trải lòng.
Trong mưa gió, lũ lụt, tình cảm đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau của bà con nơi đây giúp mọi người bớt mệt mỏi, khó khăn, có thêm niềm lạc quan, vững tin vượt qua. Không chỉ cùng hỗ trợ nhau di chuyển đồ đạc trước khi lũ về, những ngôi nhà cao ráo hơn trong xóm còn là nơi cưu mang cho những gia đình có nước ngập sâu hơn. Nhà nào còn được lửa thì nấu cơm, rang muối cho bà con trong xóm cùng ăn. Hay khi mưa lũ đi qua, bà con nơi đây lại hỗ trợ nhau dọn dẹp nhà cửa, đường xá, vệ sinh môi trường. Những câu chuyện cảm động về tình người những ngày này ở Hương Khê là chuyện không hiếm.
Ở xóm 8, xã Hoài Hải, trong những ngày mưa bão, cụ ông Trần Văn Minh (86 tuổi) và vợ là cụ bà Đào Thị Sâm 3 ngày liền được người dân trong xóm chèo thuyền đưa cơm đến tận nhà. Nếu không có những tình làng nghĩa xóm ấy, thật khó khăn cho các cụ khi tuổi đã cao, nhà ngập nước lại không còn đồ ăn. Hay như chuyện về lòng tốt của bà Hoàng Thị Tường (50 tuổi) sống gần UBND xã Phương Mỹ. Những ngày mưa lũ, bà Tường xin nối điện từ máy phát của xã về nhà chỉ để nấu cơm cho các cán bộ thường trực, bà con xung quanh bị ngập đến ăn cùng. Đây cũng là “trạm điện” giúp những người dân ở lại canh giữ tài sản có nơi để sạc đèn pin, điện thoại, đảm bảo thông tin liên lạc.
Khi nước đã rút, nắng đã lên, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; đoàn viên thanh niên… lội nước bì bõm giúp dân dọn dẹp nhà cửa vệ sinh môi trường.
Tình trạng úng lụt nặng nề cũng khiến hàng trăm hecta bưởi đang độ thu hoạch của bà con nông dân bị ngập nước. Thế nhưng trước tình hình diễn biến lũ ngập phức tạp, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, trong đó có Hội LHPN các cấp kịp thời chung tay giải cứu thành công, giúp bà con nông dân tránh bị mất trắng mùa vụ bưởi đặc sản này.
Chị Lê Thị Nhung Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê chia sẻ: “Hiện toàn xã có 1.600 hộ dân thì hơn 70% hộ trồng bưởi với diện tích hàng trăm hécta. Trong 24 xã của huyện Hương Khê, bưởi Phúc Trạch được trồng nhiều ở Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên… Mỗi gia đình thường trồng từ 5 đến vài chục gốc. Ngay sau khi nước lũ ngập sâu, hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN huyện và các địa phương kịp thời mở chiến dịch "giải cứu" bưởi cho chị em hội viên. Thêm một quả bưởi được bán giúp chị em hội viên là chúng tôi thêm một niềm vui, dù mệt thế này chứ mệt hơn nữa chúng tôi vẫn cố gắng”.
Không chỉ giúp các hội viên giải cứu bưởi, hội viên phụ nữ còn chung sức bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân sau lũ rút. Các chiến dịch phòng chống các loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm được các địa phương thực hiện truyên truyền, hướng dẫn.
Những ngày phía trước đối với bà con Hương Khê vẫn còn rất nhiều khó khăn, khi mùa màng thất bát, nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh bất kỳ lúc nào. Sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với họ là rất cần thiết, nhưng trước hết, từ trong gian khó, bà con nơi đây đã tự lực cánh sinh, phát huy sức mạnh tập thể tự ổn định cuộc sống.