Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở Đạ Tẻh

Tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở Đạ Tẻh được xác định là bước tiến vững chắc, lâu dài để nâng cao chất lượng, đồng thời tạo động lực để người dân tiếp tục gắn bó với cây lúa truyền thống.

Sản xuất Nếp Quýt theo hướng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tăng lợi nhuận cho nông dân

Sản xuất Nếp Quýt theo hướng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tăng lợi nhuận cho nông dân

Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển lớn mạnh của thương hiệu gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh, đã có rất nhiều công ty, đơn vị về làm việc, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với người nông dân tại địa phương. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, đến nay, đã có khoảng 1.600 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và 600 ha đang đề nghị được công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có hơn 491 ha sản xuất được chứng nhận theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.

Hiện nay, vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở Đạ Tẻh bao gồm diện tích ở xã An Nhơn và 5 tổ dân phố của thị trấn Đạ Tẻh. Nòng cốt là Hợp tác xã (HTX) Quyết Tâm cùng các tổ hợp tác, liên kết sản xuất với 970 hộ nông dân. Trong quá trình sản xuất, HTX Quyết Tâm với 65 thành viên đã hình thành những chuỗi liên kết sản xuất trong vùng, với các tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, ký hợp đồng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống các thương lái thu mua, sấy, xay xát, tiêu thụ lúa gạo trong vùng.

Theo chân cán bộ của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đi thăm cánh đồng lớn sản xuất Nếp Quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của xã An Nhơn, những bông lúa xanh tốt vừa trổ bông báo hiệu thêm một mùa vụ bội thu. Theo so sánh, việc thay đổi giống mới, cải tạo đất trồng, đổi mới quy trình sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, năng suất tăng lên ổn định, giá bán cao hơn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

“Lợi ích của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao là điều thấy rõ, mà trước tiên là người nông dân được hỗ trợ nhiều. Khi áp dụng cơ giới hóa, tiết kiệm phân bón, sẽ giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, từ đó tăng thêm lợi nhuận. Quá trình cải tạo đất trồng bằng việc cày vùi, sử dụng chế phẩm sinh học, trả lại carbon cho đất… mang lại hiệu quả cao”, anh Lê Hoàng Thưởng, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp cho hay.

Theo ông Lưu Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn, từ ngày tiến hành sản xuất theo cánh đồng lớn thì người nông dân nhàn hơn. Thương lái thu mua lúa tươi tại chân ruộng với giá ổn định. Địa phương chỉ đạo bắt buộc gieo trồng 1 chủng loại giống, sản xuất theo đơn đặt hàng. Quá trình sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo, không sử dụng các loại thuốc cấm… với liều lượng hợp lý chứ không sử dụng tùy tiện như trước, để đảm bảo an toàn cho môi trường, cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

An Nhơn là xã thuần nông với 68% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ phía Bắc từ hơn 20 năm trước. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm ước thực hiện khoảng 2.000 ha, giá trị sản xuất trên một diện tích không ngừng tăng lên. Từ khi hình thành thương hiệu Nếp Quýt Đạ Tẻh, doanh thu và lợi nhuận tăng lên, khiến người nông dân đã có ý thức cộng đồng, thực hiện việc quản lý chất thải trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường… Hàng năm, trên 80% sản phẩm trong vùng sản xuất được doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Theo số liệu điều tra thực tế của Trung tâm Nông nghiệp, giá trị sản xuất đạt bình quân từ 122,6 đến 137 triệu đồng/ha/năm (cao hơn 40 - 50% so với giá trị sản phẩm bình quân chung toàn huyện). 100% thành viên của HTX và nông hộ sản xuất trong vùng áp dụng được ít nhất 3/9 tiêu chí công nghệ.

Cụ thể đó là tiến hành cơ giới hóa trong khâu làm đất; ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ dịch hại cây lúa; sử dụng hệ thống phun thuốc phòng trừ dịch bệnh bán tự động; áp dụng các công nghệ trong khâu thu hoạch, phân loại sản phẩm, bảo quản, chế biến nông sản…

Trong đó, với diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Công ty cổ phần Phát triển xanh Việt Nam (Green.D) đã hướng tới đưa hạt gạo nếp xuất khẩu ra thị trường thế giới với quy mô hiện nay 12,8 ha. Tuy nhiên, nhằm tăng tính cạnh tranh và để lại dấu ấn trên thị trường, công ty đã đưa ra những điều khoản nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất như lúa Nếp Quýt phải được canh tác bằng hình thức cấy (không sử dụng thuốc trừ cỏ), quy định sử dụng phân hữu cơ và khoáng thiên nhiên, phân chuồng có xử lý phù hợp cùng một loạt các biện pháp tự nhiên và sinh học, để duy trì và nâng cao độ phì của đất; hạn chế sử dụng phân bón hóa học, các thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phòng trừ sinh học phải có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly, lúa phải đạt độ chín đồng đều để có thể thu hoạch trong cùng thời điểm... Đồng thời, công ty cũng cam kết thu mua ở mức giá cao hơn 30% so với giá lúa thông thường tại thời điểm ký hợp đồng.

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, hiện nay một trong những khó khăn mà địa phương và người dân đang phải đối mặt đó là việc các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có thời hạn tương đối ngắn (3 năm với chứng nhận VietGAP, 1 năm với chứng nhận GlobalGAP). Trong khi đó, việc công nhận hằng năm đòi hỏi một khoản chi phí khá cao, để vận động người dân tự bỏ tiền là điều tương đối khó khăn. Hồ sơ đề nghị công nhận vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 600 ha của địa phương cũng do đó mà phải tạm ngưng.

Theo ông Tiện, hiện nay, người nông dân vẫn đang được hỗ trợ một phần kinh phí từ một số chương trình, dự án của tỉnh. Trước mắt, huyện đang lập hồ sơ yêu cầu từng hộ dân ký cam kết sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm theo liên kết theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/vung-san-xuat-lua-ung-dung-cong-nghe-cao-o-da-teh-2998362/