Hòn Bà là một đảo nhỏ có tên là hòn Ba Viên Đạn tại khu vực biển Bãi Sau của TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có diện tích khoảng 5.000m2, cách bờ khoảng 200m. Ngày thường, Hòn Bà nằm lẻ loi giữa biển, cả hòn đảo được bao phủ bởi màu xanh của cây dừa, cây dương, cau và hoa sứ.
Từ 9h30 đến 11h50 ngày 14/2 (mùng 5 Tết), là khoảng thời gian thủy triều xuống thấp, làm lộ ra con đường đá khấp khểnh nối từ mũi Nghinh Phong ở chân Núi nhỏ ra đến Hòn Bà. Dù đường đi khó khăn, có nhiều vỏ hàu sắc nhọn bám vào đá nhưng người dân, du khách vẫn rất háo hức đến với ngôi miếu.
Trung bình mất khoảng từ 15 - 20 phút để đi từ đất liền ra tới chân núi Hòn Bà. Rất nhiều du khách khi tới Vũng Tàu muốn được trải nghiệm đi trên con đường bí ẩn, độc đáo này.
Trên đảo có một ngôi miếu nhỏ là Miếu Hòn Bà - nơi thờ cúng bà Thủy Long thần nữ, được người dân địa phương thường xuyên lui tới, khấn cầu cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió. Người dân vùng biển tin rằng, vị thần này có mặt ở khắp mọi nơi để giúp đỡ mọi người khi đi qua các vùng sông nước.
Chính vì sự linh thiêng, nhiều người không quên "trả lễ" như để cảm tạ Thủy Long thần nữ đã bảo vệ, gìn giữ một năm bình an.
Mỗi năm miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm: Tháng Giêng, tháng tư, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Đối với cư dân Vũng Tàu cũng như người dân ở các tỉnh thành lân cận khác thì Miếu Hòn Bà là một địa điểm tâm linh, ngưỡng vọng từ nhiều năm nay.
Trước đó, từ mùng 1 Tết, thủy triều đã xuống vào các buổi sáng (từ 5h20 đến 11h50). Nhiều người dân và du khách đã lựa chọn khung giờ từ 8-10h30 để thuận lợi cho việc “lội biển” ra Hòn Bà.
Trong tháng 2/2024, dự kiến còn 4 ngày thuận lợi để “lội biển” ra Hòn Bà, đó là các ngày 24/2 (từ 6h30 - 9h30); ngày 25/2 (từ 6h30 - 9:30); ngày 26/2 (từ 7h30 - 10h30); ngày 27/2 (từ 8h30 - 10h30).
Nguyễn Ngọc