Vững tay chèo giữa sóng lớn
Indonesia sắp khép lại một năm 2021 đầy khó khăn và thách thức với nhiều thiên tai, sự cố hàng hải và hàng không nghiêm trọng, nguy cơ khủng bố và bất ổn an ninh thường trực, căng thẳng gia tăng trong khu vực và đặc biệt là các tác động nặng nề từ hai làn sóng lây nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, bằng những sách lược phù hợp và kịp thời, một liên minh chính trị ngày càng rộng rãi tập hợp dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Joko Widodo, “xứ Vạn đảo” tiếp tục có một năm khá thành công trên các mặt chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và đối ngoại.
Bước vào năm 2021, Indonesia liên tiếp đón nhận các tin xấu: vụ tai nạn máy bay ngày 9/1 khiến 62 người thiệt mạng, 53 thủy thủ ra đi trong vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc tại vùng biển Bali 3 tháng sau. Thiên tai cũng liêp tiếp ập xuống với hơn 1.930 vụ trong cả năm, khiến khoảng 750 người thiệt mạng người mất tích, 8,26 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Các nguy cơ khủng bố, cực đoan và ly khai vẫn là nỗi lo thường trực. Sau vụ sát hại một lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc gia (BIN), Chính phủ Indonesia đã liệt các nhóm phiến quân vũ trang tại Papua vào danh sách các nhóm khủng bố, đồng thời điều động lực lượng tinh nhuệ để bình định khu vực miền Đông bất ổn này.
Năm 2021, Indonesia tiếp tục hứng chịu hai đợt lây nhiễm COVID-19 tồi tệ vào đầu và giữa năm, kéo theo các hạn chế xã hội quy mô lớn. Đỉnh điểm vào tháng 7, số ca nhiễm mới và tử vong hằng ngày lên tới gần 57.000 ca và hơn 2.000 ca, trong khi số người nhiễm bệnh có thời điểm lên tới 574.135 ca, làm sụp đổ hệ thống y tế tại hàng loạt đô thị lớn. Đại dịch cũng đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, thổi bay thành tựu nhiều năm xóa đói giảm nghèo ở nước này.
Giữa những "cơn sóng dữ" đó, có thể nói Indonesia đã "vững tay chèo" để vượt qua và đạt được nhiều thành tựu. Một trong những yếu tố góp phần lớn vào thành công này là sự ổn định chính trị. Vị trí của liên minh cầm quyền trong hạ viện tiếp tục được củng cố vững chắc, trong khi phe đối lập ngày càng yếu do đấu đá, chia rẽ nội bộ sâu sắc.
Liên minh cầm quyền hiện quy tụ 7/9 chính đảng trong hạ viện và chiếm tới 471 ghế, tương đương 81% tổng số ghế của cơ quan lập pháp này - tỷ lệ lớn chưa từng thấy trong thời kỳ hậu nhà lãnh đạo Suharto. Điều này đảm bảo sự ủng hộ tuyệt đối đối với chính quyền của Tổng thống Joko Widodo.
Indonesia cũng cơ bản đảm bảo được sự ổn định an ninh. Trong năm 2021, lực lượng chức năng Indonesia đã liên tiếp triệt phá, chặt đứt nguồn tài trợ và làm suy yếu nhiều nhóm khủng bố có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Al Qaeda.
Kiên trì chính sách ngoại giao độc lập, không liên minh, liên kết, chủ động, cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, lĩnh vực đối ngoại của Indonesia tiếp tục có một năm hoạt động tích cực và hiệu quả, giúp tranh thủ tối đa lợi ích và sự hỗ trợ trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, đầu tư…đồng thời khẳng định vai trò, vị thế quốc gia quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Chiến lược ngoại giao vaccine được thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm và từ sớm đưa Indonesia trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chương trình tiêm ngừa COVID-19 và hiện đứng trong Top 5 thế giới về thành tích tiêm chủng. Với hơn 400 triệu liều vaccine đang sở hữu, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này cũng đang sẵn sàng mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ em 6-11 tuổi và tiêm chủng tăng cường.
Thành tích tiêm chủng cùng với tỷ lệ miễn dịch tự nhiên giúp Indonesia vượt qua đỉnh dịch của làn sóng thứ hai hồi tháng 7 và kiểm soát được đại dịch. Hiện quốc gia hơn 270 triệu dân này có khoảng 4.700 ca dương tính và ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm mới cùng khoảng 10 ca tử vong mỗi ngày, dù biến thể Omicron đã xâm nhập trong những ngày gần đây.
Năm 2021 cũng ghi nhận những nỗ lực thúc đẩy hồi phục kinh tế trong bối cảnh đại dịch với nền tảng là Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia trị giá 744.700 tỷ Rupiah (52,4 tỷ USD). Theo đó, Indonesia tập trung thúc đẩy cả cung sản xuất và cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cải cách cơ chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Các nỗ lực trên cùng thành tích chống dịch, đà phục hồi kinh tế thế giới và giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng cao giúp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thoát khỏi suy thoái với các chỉ số vĩ mô tích cực. Tăng trưởng dần hồi phục, dự kiến khép lại năm 2021 ở mức 3,5-4%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 384 tỷ USD, tăng 40,5%, trong đó xuất khẩu đạt 209,16 tỷ USD, tăng tới 42,62%. Tổng vốn đầu tư trong ba quý đầu năm là 659.000 tỷ Rupiah (46,4 tỷ USD), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 9,9% và chiếm 50,3% tổng vốn đầu tư.
Kết quả xử lý đại dịch cùng tình hình kinh tế ngày một cải thiện giúp nâng cao uy tín của Tổng thống Joko Widodo. Khảo sát mới đây nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này lên tới 72%, tăng 13% so với hồi tháng 8 và là mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Trong đó, số người hài lòng với cách thức xử lý COVID-19 của chính phủ là 77,6%, tăng mạnh so với 61% hồi tháng 7.
Năm 2022, Indonesia sẽ là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 143 (IPU-143). Đây sẽ là cơ hội để quốc gia này thúc đẩy các chương trình nghị sự ưu tiên, tham gia định hình các chính sách quan trọng của thế giới, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước và con người tới bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng sẽ có nhiều việc phải làm. Sự đoàn kết, bền vững của liên minh cầm quyền sẽ được thử thách khi các đảng phái chính trị bước vào giai đoạn giới thiệu ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống và các cuộc bầu cử quan trọng khác dự kiến diễn ra vào đầu năm 2024.
Mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron tới quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch vẫn còn là dấu hỏi lớn, trong bối cảnh biến thể này đã xâm nhập vào Indonesia và chương trình tiêm chủng đang có dấu hiệu chậm lại. Khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, dấu hiệu tăng trưởng chậm của Trung Quốc và xu hướng giảm của giá cả hàng hóa quốc tế cũng phủ bóng lên quỹ đạo phục hồi kinh tế của Indonesia.
Trong khi đó, nỗ lực cải cách hành chính và thu hút đầu tư của Tổng thống Joko Widodo cũng đang gặp khó sau khi Luật Omnibus về tạo việc làm bị Tòa án Hiến pháp tuyên bố là vi hiến, đồng thời yêu cầu tái khởi động quy trình xây dựng luật từ đầu trong vòng hai năm. Động thái này có khả năng tạo ra bất ổn, xáo trộn trong kinh doanh và khiến các nhà đầu tư nước ngoài chùn bước.
Mặc dù còn nhiều thách thức, song dư luận kỳ vọng rằng, trên nền tảng những thành tựu đã đạt được và khả năng lèo lái của “thuyền trưởng” Joko Widodo, vốn được thử thách và chứng minh trong 7 năm cầm quyền, đặc biệt là trong 2 năm khủng hoảng do COVID-19 vừa qua, Indonesia có thể vững vàng vượt qua các thử thách ở phía trước, tiếp tục thúc đẩy các chương trình cải cách và phát triển kinh tế đầy tham vọng.