Vững tin vào tương lai của ngành Dầu khí
Nhân dịp kỷ niệm 16 năm Ngày Thành lập (4/5/2007 - 4/5/2023), 35 năm Ngày Truyền thống (20/5/1988 - 20/5/2023) của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và cột mốc 1 tỉ thùng dầu PVEP đạt được vào ngày 8-2-2023, Tiến sĩ Đặng Của - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoan và Khai thác, Tổng cục Dầu khí; nguyên Phó Giám đốc PVEP (1993-1995) đã có những chia sẻ về sự phát triển của ngành Dầu khí.
PV: Là người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của PVEP, ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình đối với thành công mà các cán bộ, kỹ sư PVEP đã đạt được?
TS Đặng Của: Tôi muốn gửi lời chúc mừng đến các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động của PVEP về thành công mà các bạn đã nỗ lực đạt được. Tôi luôn tin rằng, cột mốc 1 tỉ thùng dầu hoàn toàn nằm trong tầm tay của PVEP, bởi trước đó, PVEP đã luôn giữ vững kỷ lục về đích sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong 13 năm liên tục. Đây là thành quả mà không phải doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí nào cũng có thể đạt được.
Là người từng nằm trong đội ngũ PVEP những ngày đầu, tôi rất đỗi tự hào, trân trọng thế hệ trẻ tài năng và tâm huyết của PVEP, của ngành Dầu khí Việt Nam hôm nay. Các bạn đã tiếp nối thế hệ chúng tôi và đạt được những thành tựu mà chúng tôi hằng mơ ước.
PV: Trong thời gian công tác tại Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, nay là PVEP, ông có những kỷ niệm đáng nhớ nào?
TS Đặng Của: Ngoài việc tham gia trực tiếp vào các hợp đồng PSC Lô 05-1A/Đại Hùng và Lô 05-1B/Thanh Long, thời gian này, PVEP đã triển khai các đợt khảo sát địa vật lý ở các khu vực Tư Chính - Vũng Mây, bể Phú Khánh và quần đảo Trường Sa. Đây là những vùng biển nước sâu xa bờ, chưa có hoạt động dầu khí của các nhà thầu nước ngoài. Vì vậy, hoạt động khoan tại các khu vực này không chỉ góp phần làm sáng tỏ tiềm năng dầu khí, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển và thềm lục địa.
Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất đối với tôi đó là Đề án PV-94, thực hiện khoan tìm kiếm thăm dò tại khu vực bể Tư Chính - Vũng Mây năm 1994. Tuy không phát hiện được dầu khí, nhưng giếng khoan PV-94-2X được xem là một dự án thành công cả về yếu tố kỹ thuật địa chất lẫn yếu tố quốc phòng, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh hải Việt Nam trong một bối cảnh đấu tranh chính trị vô cùng phức tạp.
Kế hoạch giai đoạn I của Đề án PV-94 bao gồm việc khảo sát 3 vị trí địa chất công trình, khoan và tổng hợp kết quả của 2 giếng tìm kiếm với tổng dự toán là 32 triệu USD. Dự toán kinh phí thi công 2 giếng khoan là trên 27 triệu USD. Số tiền này vào thời điểm kinh tế cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ của đất nước là một con số vô cùng lớn. Tuy nhiên, lúc đó Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng phê duyệt và có những chỉ đạo rất quyết liệt để thực hiện. Các yêu cầu về an ninh quốc phòng cũng được đẩy lên cao. Tất cả đều có nguyên nhân và sự việc này rất ít người được biết đến.
Đó là vì tại thời điểm đó, Trung Quốc đã có một số động thái vô cùng thách thức, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của nước ta, khi thực hiện ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với một công ty của Mỹ tại khu vực các lô 133, 134, 158 và một phần các lô 135, 136, 157, tức ngay tại vùng Tư Chính - Vũng Mây.
Là vùng biển nước sâu xa bờ nên tiềm năng dầu khí tại bể Tư Chính - Vũng Mây được dự báo vẫn còn nhiều yếu tố giả định và rủi ro. Tuy nhiên, trước tình hình cấp bách, lãnh đạo Bộ Chính trị, Chính phủ lúc bấy giờ buộc phải nhanh chóng có những hành động quyết liệt như vậy để khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.
PV: Được biết trong khoảng thời gian này, ông đang là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật - công nghệ của PVEP. Ông có thể phân tích thêm về những khó khăn khi thực hiện Đề án PV-94?
TS Đặng Của: Chiến dịch khoan này có rất nhiều khó khăn. Ngay từ việc đưa giàn Tam Đảo ra đến vị trí khoan cách bờ 260km là cả một quá trình gian nan kéo dài hàng tháng trời, mặc dù đã khởi hành đúng mùa biển lặng. Sau đó đến công đoạn định vị, đặt các chân đế vào đúng vị trí cũng gặp không ít trục trặc, mất nhiều thời gian, vì đây là khu vực có nhiều rạn san hô, cấu tạo địa chất phức tạp. Đầu năm 1994, PVEP và Vietsovpetro bắt đầu phối hợp tiến hành dự án, nhưng cũng phải đến giữa tháng 5-1994, giếng khoan PV-94-2X mới hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, sẵn sàng thi công.
Do lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm khoan trong tầng đá vôi ám tiêu san hô dày, bở rời, có nhiều hang hốc... nên chúng tôi đã mất tương đối nhiều thời gian để xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình thi công giếng. Sự cố đáng kể nhất là hiện tượng mất dung dịch nặng trong quá trình khoan. Để tìm cách khắc phục, tôi khi đó là người chịu trách nhiệm cao nhất về kỹ thuật công nghệ của PVEP, đã phải liên hệ ngay với các chuyên gia của Mobil, BP, BHP..., là những công ty mà chúng tôi đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp trước đó, để nhờ họ hỗ trợ công nghệ và kinh nghiệm. Cuối cùng, chúng tôi tìm ra phương pháp sử dụng một loại hóa phẩm tạo bọt khi tiếp xúc với nước biển, luôn tạo được mủ bọt ở khu vực đáy giếng khoan làm mát choòng khoan để khoan liên tục trong điều kiện mất nước. Với sự cố gắng, kiên trì, chúng tôi và các đồng nghiệp Vietsovpetro đã khắc phục hiện tượng mất dung dịch nặng trong quá trình khoan, lần đầu tiên làm chủ được công nghệ khoan trong điều kiện mất tuần hoàn dung dịch rất nguy hiểm.
Vượt qua những khó khăn về địa chất, kỹ thuật, công nghệ đối với một dự án khoan nước sâu xa bờ lần đầu tiên thực hiện, đối với những người thợ khoan chúng tôi, đó là những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi cảm thấy tự hào hơn cả là dẫu biết hiểm nguy, nhiều rủi ro chờ chực tại vùng biển đang có sự tranh chấp, người dầu khí vẫn giữ được sự tự tin, lòng quả cảm để thực hiện chuỗi ngày thi công lên đến 5 tháng trời, nơi cách xa đất liền gấp 2 lần so với vùng mỏ Bạch Hổ.
Dự án khoan này nhiều rủi ro đến nỗi, ban đầu các chuyên gia người Nga không một ai muốn tham gia. Lúc này, phía Việt Nam phải lập tức bổ nhiệm kỹ sư Vũ Thiện Lương, hiện đang là Trưởng phòng Khoan của Bộ máy điều hành Vietsovpetro, làm trưởng giàn, đồng thời bổ sung nhiều vị trí khác bù vào chỗ trống nhân sự của người Nga. Đội ngũ trên giàn nhanh chóng được sắp xếp đầy đủ. Biết được chuyến này phải đến nơi nguy hiểm, thực sự cũng có một vài anh em hơi lo lắng, nhưng phần lớn mọi người đều bình tĩnh, động viên nhau.
Về sau, người Nga có tham gia đổi ca một chuyến. Có lẽ vì họ thấy ca đầu anh em Việt Nam làm việc có vẻ yên ổn. Không những vậy, tiền phụ cấp đi biển được tăng tới 20 lần cũng là điều hấp dẫn họ. Tuy nhiên, đó cũng là ca duy nhất có người Nga phụ trách. Về sau, khi biết được chuyến ra khơi không hề yên ổn như họ nghĩ nên họ quyết định không tiếp tục tham gia.
Tuy không được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Nga, nhưng phải nói rằng, trình độ của các cán bộ Việt Nam, từ quản lý, điều hành cho đến thao tác thi công đều không hề thua kém. Nhờ thiết lập đường dây vô tuyến khá tốt, việc chỉ huy từ trên xuống kịp thời đã động viên tinh thần anh em rất nhiều. Trong quá trình thi công giếng khoan PV-94-2X, chúng tôi đã thu thập được những số liệu về cấu trúc địa chất vô cùng quý giá của vùng bể Tư Chính - Vũng Mây. Đây là những bằng chứng có giá trị rõ nhất để khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam mà phía Trung Quốc không có căn cứ nào để phản biện.
Về sau, tôi được nghe kể lại, trong một cuộc đàm phán, lãnh đạo cấp cao phía Trung Quốc khi gặp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Mới nói vậy mà các đồng chí đã tiến hành khoan nhanh quá”.
Trong quá trình thi công giếng khoan PV-94-2X năm 1994, chúng ta đã thu thập được những số liệu về cấu trúc địa chất vô cùng quý giá của vùng bể Tư Chính - Vũng Mây. Đây là những bằng chứng có giá trị rõ nhất để khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam mà phía Trung Quốc không có căn cứ nào để phản biện.
PV: Một câu chuyện thực sự có ý nghĩa. Chắc hẳn qua câu chuyện này, ông cũng có nhiều điều muốn gửi gắm đến thế hệ người dầu khí hôm nay về lòng quả cảm, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước?
TS Đặng Của: Lúc bấy giờ, câu chuyện khoan giếng PV-94-2X thuộc vào dạng tuyệt mật, rất ít người biết về việc tổ chức, triển khai thực hiện phương án thi công như thế nào. Tuy không có mặt trực tiếp trên giàn, nhưng là chỉ huy trưởng, tôi hiểu rất rõ anh Vũ Thiện Lương và anh em ngày ấy đã phải nỗ lực vượt lên chính mình để dũng cảm tiến bước đến nơi đầu sóng ngọn gió cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Ngoài ra, việc thực hiện thành công Đề án PV-94 cũng chứng tỏ khả năng điều hành của cán bộ Việt Nam thời đó đã không thua kém chuyên gia nước ngoài.
Tôi thực sự vui mừng, bởi tiếp nối truyền thống anh hùng từ các thế hệ đi trước, sức mạnh và vị thế của PVEP những năm sau ngày càng được cộng hưởng, sản lượng khai thác ngày càng gia tăng với quy mô, phạm vi hoạt động bao trùm khắp các bể dầu khí trong nước, thậm chí vươn ra thế giới; năng lực điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng được củng cố và nâng cao...; đóng góp không nhỏ vào sự khẳng định chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Năm 1986, với điều kiện khoa học công nghệ còn hạn chế, chúng ta đã khai thác được 1 triệu tấn dầu đầu tiên. Từ sau khi mở cửa hội nhập, tiếp cận nền khoa học tiên tiến trên thế giới, chỉ hơn 30 năm sau, chúng ta đã khai thác gần 450 triệu tấn dầu cho đất nước.
PV: Ông nhận định như thế nào về tương lai của ngành Dầu khí?
TS Đặng Của: Trong những năm gần đây, PVEP nói riêng, lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự suy giảm sản lượng các mỏ đang khai thác. Theo tôi được biết, một số bất cập trong cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư đã khiến việc phát triển các mỏ mới gặp nhiều hạn chế; hoạt động tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi, đó đều là những nguyên nhân chủ quan.
Thời điểm năm 1986, với điều kiện khoa học công nghệ còn hạn chế, chúng ta đã khai thác được 1 triệu tấn dầu đầu tiên. Từ sau khi mở cửa hội nhập, tiếp cận nền khoa học tiên tiến trên thế giới, chỉ hơn 30 năm sau, chúng ta đã khai thác gần 450 triệu tấn dầu cho đất nước. Đó là chúng ta chỉ mới hoạt động thăm dò, khai thác tập trung ở vùng biển nông, khoảng 200m nước. Trong khi đó, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam chiếm diện tích đến 1 triệu km², rộng lớn vô cùng. Với sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, chúng ta chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở khảo sát địa chấn 2D, 3D, mà sẽ là trí tuệ nhân tạo hoặc một công nghệ nào đó tiên tiến hơn gấp nhiều lần, giúp con người nhìn thấu sâu hơn, rõ hơn từng lớp địa chất xa nhất trên thềm lục địa, nơi mà chúng ta chưa có cơ hội tiếp cận. Tôi tin rằng, trữ lượng dầu khí của chúng ta còn rất lớn. Quan trọng nhất là chúng ta phải có niềm tin và sự quyết tâm tìm được dầu khí.
Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, trung hòa carbon... và vai trò của năng lượng hóa thạch đang dần bị mất ưu thế. Tuy nhiên, bất kỳ giai đoạn vào trong lịch sử nhân loại cũng cần phải có một thời kỳ chuyển tiếp. Trong khi sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo chỉ mới bắt đầu diễn ra, dầu khí vẫn là nguồn nhiên liệu đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng của bất kỳ quốc gia nào.
Tôi tin tưởng rằng, tiếp bước truyền thống hơn 60 năm của ngành Dầu khí, 35 năm đầy tự hào của PVEP, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động PVEP nói riêng và ngành Dầu khí nói chung sẽ tiếp tục vững tin vào sự phát triển của ngành Dầu khí, đồng lòng đoàn kết vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, xứng danh là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, củng cố và khẳng định vị thế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn
Tiếp nối truyền thống anh hùng từ các thế hệ đi trước, sức mạnh và vị thế của PVEP ngày càng được cộng hưởng, sản lượng khai thác ngày càng gia tăng với quy mô, phạm vi hoạt động bao trùm khắp các bể dầu khí trong nước, thậm chí vươn ra thế giới; năng lực điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng được củng cố và nâng cao...
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vung-tin-vao-tuong-lai-cua-nganh-dau-khi-683405.html