Vùng tri thức nằm giữa khoa học và thần học

Theo nhà khoa học Bertrand Russell, triết học được ví như một 'bãi hoang' với đầy những câu hỏi chưa thể trả lời.

 Ba tập Lịch sử triết học phương Tây của triết gia Bertrand Russell. Ảnh: Nhã Nam.

Ba tập Lịch sử triết học phương Tây của triết gia Bertrand Russell. Ảnh: Nhã Nam.

Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây của triết gia Bertrand Russell là một tác phẩm học thuật đồ sộ đem tới góc nhìn độc đáo về vai trò của triết học trong đời sống chính trị, xã hội.

Trong bộ sách, tác giả Russell nhấn mạnh triết học là kết quả của hai yếu tố chính: những quan niệm tôn giáo và luân lý được lưu truyền, cùng với những tìm tòi mang tính khoa học, dù được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Theo ông, triết học là “thứ gì đó trung gian giữa thần học và khoa học”.

Thần học đại diện cho tư duy dựa trên uy quyền và niềm tin vào những điều chưa được chứng minh, trong khi khoa học viện đến lý trí để đưa ra các kết luận minh xác. Chính giữa hai thái cực này, triết học trở thành một "bãi hoang" - một không gian vừa mơ hồ, vừa đầy hứa hẹn, nơi những câu hỏi lớn lao về thế giới và con người được đặt ra, nhưng không phải lúc nào cũng có câu trả lời.

Nhà khoa học Bertrand Russell viết: “Thế giới có phân chia thành tinh thần và vật chất không? Nếu có, thì tinh thần là gì và vật chất là gì? Tinh thần phụ thuộc vào vật chất hay nó có sức mạnh vũ trụ nào khác? Vũ trụ có tiến hóa hướng tới một mục tiêu nào đó chăng? Luật tự nhiên có thật không, hay chúng ta tin vào chúng chỉ vì bẩm sinh ta đã yêu trật tự?” Những câu hỏi này, theo ông, không thể được giải đáp trong phòng thí nghiệm, cũng không thể dựa trên các tín điều cứng nhắc.

 Tượng triết gia Plato. Ảnh: iStock.

Tượng triết gia Plato. Ảnh: iStock.

Điều khiến bộ sách trở nên đặc biệt chính là cách tiếp cận của Russell. Tác giả không chỉ tập trung vào các lý thuyết, ông còn khảo sát mối liên hệ giữa triết học và đời sống thực tiễn. Theo ông, “Để hiểu một thời đại hay một dân tộc, ta phải hiểu triết lý của nó, và để hiểu triết lý của nó, ta phải tự mình là triết gia ở mức độ nào đó”.

Giá trị của triết học trong việc giúp con người đối diện với những câu hỏi lớn mà khoa học hay thần học không thể giải đáp. Ông viết: “Khoa học bảo cho ta những gì ta có thể biết, nhưng những điều ta có thể biết lại rất ít. Nếu quên mất những điều ta không thể biết, ta sẽ thành vô cảm trước nhiều điều lớn lao hệ trọng.” Triết học, với tư cách là cầu nối giữa thần học và khoa học, không chỉ là công cụ lý giải thế giới, mà còn là một cách sống - sống trong sự tỉnh thức trước những điều chưa biết, và không ngần ngại đối diện với sự mơ hồ của cuộc đời.

Với ba tập, lịch sử triết học được tác giả Bertrand Russell trình bày trải dài từ thời kỳ cổ đại với những cái tên như Socrates, Plato, Aristotle, qua thời kỳ Công giáo, đến triết học hiện đại với các nhà tư tưởng như Hume hay Rousseau. Ông không chỉ kể lại sự phát triển của triết học mà còn liên hệ nó với bối cảnh xã hội, chính trị, làm nổi bật sự tương tác hai chiều giữa triết học và hoàn cảnh sống. Triết học, theo Russell, vừa phản ánh thời đại vừa định hình nó.

Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây không chỉ là một tài liệu học thuật mà còn là lời mời gọi mỗi độc giả trở thành triết gia, dù chỉ trong khoảnh khắc, để suy ngẫm về những câu hỏi vượt thời gian. Qua đó, tác giả Bertrand Russell đã đưa triết học từ những tư biện hàn lâm xuống gần hơn với đời sống con người.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/vung-tri-thuc-nam-giua-khoa-hoc-va-than-hoc-post1512676.html