Vùng trồng mía ở Ninh Thuận 'bí lối ra'

Vùng trồng mía xã Mỹ Sơn (Ninh Thuận) đang 'bí lối ra' vì các tuyến đường thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ chỉ cho phép tải trọng tối đa 5 tấn.

Ngày 2-1, trao đổi với PLO, ông Biện Tuấn An, Phó Giám đốc Công ty CP đường Biên Hòa – Phan Rang, cho biết công ty và người dân đang gặp khó trong việc vận chuyển tại vùng trồng mía xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.

Xe chở mía hàng chục tấn nhưng đường chỉ 5 tấn

Theo ông Biện Tuấn An, công ty đã đầu tư cho khoảng 200 hộ dân trồng hơn 500 ha mía tại xã Mỹ Sơn từ hàng chục năm qua. Trước đây, công ty vận chuyển vùng trồng mía này cho người dân bằng đường đất và đường dân sinh.

 Các tuyến đường quản lý kênh chính Tân Mỹ đều hạn chế tải trọng 5 tấn. Ảnh: H.H

Các tuyến đường quản lý kênh chính Tân Mỹ đều hạn chế tải trọng 5 tấn. Ảnh: H.H

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi hệ thống kênh thủy lợi Tân Mỹ đi vào hoạt động thì vùng trồng mía này gặp khó trong việc vận chuyển. Khoảng 300 ha mía với sản lượng khoảng 21.000 tấn của người dân nơi đây phải đi ngang qua đường ống, kênh nhánh hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Tuy nhiên, các con đường này đều hạn chế tải trọng 5 tấn đối với đường bê tông quản lý đường ống chính và 2,5 tấn đối với đường mương. Trong khi đó, các xe tải chở mía thường có tải trọng lớn từ 20 -30 tấn.

“Xe chở mía không thể di chuyển trên đường bê tông hay cắt ngang qua các tuyến đường này. Người dân buộc phải trung chuyển nhưng chi phí rất lớn và nhiều hao hụt” - ông Biện Tuấn An nói.

Theo ông Biện Tuấn An, hai năm qua công ty đã bảy lần gửi văn bản kiến nhưng đến nay vẫn bế tắc trong hướng tháo gỡ.

Ông Nguyễn Thành Chinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, thừa nhận hiện nay người trồng mía trên địa bàn đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển. UBND xã Mỹ Sơn cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Ninh Sơn về vấn đề này.

Theo chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, qua tìm hiểu thực tế, người dân phải trả tiền trung chuyển 100.000 tấn/mía hoặc 1,5 triệu đồng mỗi máy cày/ngày. Tuy nhiên, việc trung chuyển chỉ là giải pháp tình thế. Hiện, vùng trồng mía này không có bến bãi đủ lớn để tập kết. Đồng thời, việc trung chuyển sẽ khiến sản lượng mía hao hụt khiến người dân mất lợi nhuận.

Vụ mía đến nhưng vùng trồng mía vẫn "bí lối ra"

Để giải quyết việc vận chuyển cho vụ mía năm nay, ông Biện Tuấn An cho biết đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận (Công ty Thủy lợi) đề nghị xem xét hỗ trợ cho vận chuyển đi tắt, cắt ngang qua đường bê tông hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để vào những đường đất nội đồng cũ.

 Vùng trồng mía xã Mỹ Sơn hiện chưa có phương án cho xe mía vận chuyển. Ảnh: H.H

Vùng trồng mía xã Mỹ Sơn hiện chưa có phương án cho xe mía vận chuyển. Ảnh: H.H

Công ty cam kết sẽ khắc phục nếu có hư hỏng liên quan đến xe vận chuyển mía.

Trong văn bản phúc đáp, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận cho biết có 2 tuyến đường quản lý kênh chính hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và 4 tuyến đường quản lý hệ thống thủy lợi hồ Cho Mo đề nghị được vận chuyển mía. Những tuyến đường này đã được lắp biển hạn chế tải trọng 5 tấn và 2,5 tấn nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Do đó, các phương tiện vận chuyển mía có tải trọng từ 20 – 30 tấn vượt nhiều lần so với tải trọng cho phép của tuyến đường. Đơn vị này cho biết về lâu dài sẽ gây hư hỏng, giảm tuổi thọ đường quản lý bờ kênh, mất an toàn kênh và ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành và việc đi lại.

Công ty Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận khẳng định không đồng ý đề xuất trên. Đơn vị này đề nghị Công ty CP đường Biên Hòa – Phan Rang có phương án vận chuyển phù hợp với tải trọng các tuyến đường.

Đồng thời, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận cũng đề nghị khôi phục các tuyến đường vận chuyển cũ đã sử dụng trước khi chưa có tuyến đường quản lý hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Công ty Thủy lợi Ninh Thuận cũng đề nghị Công ty CP đường Biên Hòa – Phan Rang có đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức quy hoạch các tuyến đường phục vụ vận chuyển nông sản khi diện tích sản xuất mở rộng.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vung-trong-mia-o-ninh-thuan-bi-loi-ra-post828160.html